II. LỜI VĂN NGHỆ THUẬT
5. Các thành phần của lời văn nghệ thuật.
Người ta có thể chia lời văn nghệ thuật ra lời tác giả và lời nhân vật hay lời trực tiếp và lời gián tiếp.
a. Trước hết, có thể chia lời văn ra lời nhân vật và lời tác giả. Thật ra, toàn bộ lời văn là do các tác giả sáng tạo nên, dù là lời tác giả hay là lời nhân vật. Nhân vật nói năng như thế nào là do tác giả qui định. Tuy nhiên phân biệt ra lời tác giả và lời nhân vật có ý nghĩa nhất định.
Trong văn học dân gian lời nhân vật thường được kể lẫn vào lời tác giả, chưa được tách ra như kiểu: "Một hôm mụ dì ghẻ bảo hai chị em đi xúc tép, đứa nào xúc được nhiều thì thưởng cho một cái yếm đỏ". Trong văn học cổ lời tác giả vẫn chiếm vị trí chủ yếu. Lời nhân vật có khi tuy được tách ra nhưng chưa có giọng riêng, chưa được cá tính hóa mà thường là lời tác giả gán cho, nói theo giọng tác giả. Chẳng hạn, trong Chuyện lạ nhà thuyền chài, Lê Thánh Tông đã để cho Thúc Ngư con nhà thuyền chài nói năng với cha mẹ như sau: "Tục ngữ có câu: "Có người có của". Con nghĩ cha mẹ tuổi già, gia tư lại bần lạc, muốn tìm một người vợ về làm thay cha mẹ, chung sức lại có thể kiếm được nhiều tiền hơn, may ra nghiệp nhà có thể khá lên ít nhiều. Nhưng việc trăm năm không thể cẩu thả, cho nên con phải đi lâu ngày để xét cho kĩ. Dám đâu chỉ rong chơi mà cam
chịu thành người lêu lổng" (Thánh Tông di thảo). Ít ai nghĩ rằng đây lại là lời một anh thuyền chài lớn lên trong cảnh lao động, không học hành gì, mà đó là lời nhà văn. Lời nhân vật trong văn học cổ thường hòa tan vào hay biến thành một bộ phận trong lời trần thuật của tác giả, theo kiểu: "Một hôm vua bảo thị thần và tăng đạo rằng..." (Tam tổ thực lục), "Người vợ nghe nói như vậy giận dữ nhìn chồng mà rằng..." (Thánh Tông di thảo),
"Lão thần họ Phạm tiến lên nói rằng..." (Truyền kì mạn lục) v.v...
Trong văn học cận hiện đại, nhất là văn học hiện thực chủ nghĩa lời nhân vật chiếm một vị trí khác và độc lập đối với lời tác giả. Tác giả đã "trao quyền" nói năng cho nhân vật. Nhân vật bộc lộ tính cách qua sự cá tính hóa của ngôn ngữ nhân vật. Mỗi nhân vật đã có một giọng riêng khác với giọng tác giả và khác với các nhân vật khác. Người ta đã có thể nhận ra cái giọng lúc nào cũng "mẹ kiếp" của Xuân Tóc Đỏ, giọng lúc nào cũng "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" của Cố Hồng trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng cũng như giọng lắp bắp một cách cố ý của Grandet trong Eugénie Grandet
v.v... Đó là những "giọng" đã được cá tính hóa một cách sâu sắc, có khả năng góp phần bộc lộ tính cách nhân vật.
b. Mặt khác, có thể chia lời văn nghệ thuật thành lời gián tiếp và lời trực tiếp. Lời trực tiếp chủ yếu lời nhân vật và một bộ phận lời tác giả ở các đoạn trữ tình ngoại đề hay triết lí, bình luận đạo đức, thế sự. Lời trực tiếp do vậy chủ yếu là những câu thoại trong các tác phẩm tự sự, lời bộc lộ cảm xúc của chủ thể trữ tình trong thơ trữ tình và gần như chiếm vị trí chủ yếu trong kịch bản văn học.
Lời trực tiếp có chức năng như thế nào trong việc tổ chức tác phẩm ? Trước hết, bất kì lời trực tiếp nào cũng hàm chứa sự phản ánh hiện thực ở bên ngoài nhân vật. Đó là những nét thông báo, trần thuật, miêu tả, có tính chất bổ sung về các sự kiện, xung đột, hành động.
Thứ hai, lời trực tiếp giữ vai trò như một hành động, một sự kiện đối với nhân vật khác. Lời của vua Hùng về điều kiện truyền ngôi hay lời của thần nhân đến báo mộng đối với Tiết Liêu đều là những lời có ý nghĩa như một hành động hay sự kiện đối với nhân vật này. (Truyện bánh chưng -
Lĩnh nam chích quái). Lời trực tiếp này vừa mang đến thông tin, vừa tác động đến sự phát triển của nhân vật khác.
Thứ ba, lời trực tiếp có chức năng khắc họa nhân vật (7). Nó vừa là đối tượng tác giả miêu tả, vừa là sự bộc lộ của nhân vật. Trong muôn ngàn lời nói của nhân vật, tác giả chỉ chọn miêu tả một số nhất định nào đó không ngoài mục đích nhằm khắc họa nhân vật. Do đó, các nhân vật
thường nói theo "giọng mình" để nhằm bộc lộ tính cách bên trong của nhân vật đó. Từ cái giọng "thẻ thọt" của bà Nghị Quế, giọng quát nạt thô lỗ của ông Nghị, cho đến giọng cam chịu nhẫn nhục của chị Dậu (Tắt đèn)... đều là sự cá tính hóa lời nói nhân vật. Nhờ đó nhân vật được khắc họa sâu hơn.
Lời gián tiếp là lời tác giả hay lời người trần thuật do tác giả ủy quyền. Lời gián tiếp có chức năng kể chuyện, trình bày thế giới hình tượng của tác phẩm, đồng thời cũng truyền đến cho người đọc quan niệm, tư tưởng, tình cảm của tác giả trong việc phân tích, lí giải miêu tả thế giới nghệ thuật của tác phẩm.
Lời gián tiếp, theo Bakhtin, có thể chia làm hai loại, lời gián tiếp một giọng và lời gián tiếp hai giọng.
Lời gián tiếp một giọng là lời của người trần thuật không có lời đan xen của nhân vật. Trong văn học cổ, trong truyện cổ dân gian, văn trần thuật nói chung thường sử dụng loại này. Chẳng hạn, đây là lời gián tiếp một giọng của Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút: "Khóa thi Hội năm Nhâm Thìn (1772) đời Cảnh Hưng, kì tứ trường đã vào thi xong rồi. Khi ấy có một mụ già vào chơi một nhà giàu ở phố Hàng Chiếu, Đông Hà, nhân nói chuyện đến khoa thi hội năm nay, mụ có quen một ông trúng cách, nay mai sắp sửa đã là một quan tân khoa tiến sĩ. Chủ nhân mới hỏi quan tân khoa chừng bao nhiêu tuổi ? Quê quán ở đâu"... (Mẹo lừa).
Lời gián tiếp một giọng thường tạo nên giọng kể lể, trình bày đều đặn.
Lời gián tiếp hai giọng thường vừa có lời kể của tác giả đan xen lời nhân vật, hay phỏng theo lời một ai đó. Trong loại này có các dạng chính là lời nửa trực tiếp, lời gián tiếp phong cách hóa, lời gián tiếp của người kể chuyện.
Lời nửa trực tiếp tức là lời gián tiếp vừa xen những yếu tố lời trực tiếp của nhân vật. Chẳng hạn lời kể của Nguyễn Công Hoan trong "Ngựa người và người ngựa" sau đây được xem là lời nửa trực tiếp : "Trước anh xe tưởng bà khách đi có việc gì, cho nên còn chạy. Sau thấy bà cứ trỏ vớ vẩn hết phố nọ sang phố kia, mà chả đỗ ở phố nào cả, thì mới đoán có lẽ là cánh "ăn sương" chi đây. Anh bèn đi bước một. Nhiều lúc muốn hỏi thực nếu có phải giăng hoa thì mình giới thiệu cho một món sộp đáo để. Nhưng nếu không phải thì họ mắng cho và không trả tiền thì khổ". Trong đoạn văn vừa trích, phần đầu là lời tác giả, còn phần in nghiêng tuy vẫn là lời tác giả nhưng lại đứng từ phía nhân vật tạo nên hai giọng khác nhau. Với lối
này, vừa góp phần miêu tả hình tượng, vừa tạo nên tính đa thanh của giọng văn, có khả năng để bộc lộ nội tâm của nhân vật một cách sâu sắc.
Lời phong cách hóa cũng là lời gián tiếp. Có điều lời gián tiếp này lại phỏng theo lời một ai đó, tạo ra cái nhìn khác bổ sung cho cái nhìn của tác giả trong khi miêu tả đối tượng. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Từ ngày mẹ chết của Nam Cao, lời kể chuyện được kể qua cái nhìn của Ninh, đứa bé sớm mồ côi, nhìn xung quanh từ cái thời điểm từ ngày mất mẹ. Đây là cái nhìn qua cảnh bố nó bán nhà vì thua bạc: "Từ bên nhà đưa sang những tiếng dùi đục kêu chan chát. Nghe ghê rợn lắm. Ninh đã được nghe những tiếng dùi đục ấy một lần rồi, vào cái ngày mẹ chết: người ta đóng cá trên chiếc săng của mẹ". Để đứa bé ngây thơ so sánh tiếng dùi đục dỡ nhà với tiếng đóng cá trên săng người chết, tác giả nhấn mạnh cái bi thảm đau đớn của câu chuyện.
Lời gián tiếp của người kể chuyện là lời một nhân vật được tác giả ủy quyền đứng ra kể lại câu chuyện. Lẽ ra đó phải là lời trực tiếp, nhưng tác giả tạo cho nó chức năng trần thuật nên là lời gián tiếp. Chẳng hạn lời của nhân vật "tôi" trong Mẫn và tôi của Phan Tứ, Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, Mua nhà của Nam Cao, Nhật kí người điên của Lỗ Tấn... Lời người kể chuyện là lời người trong cuộc, hoặc là tham gia hoặc là chứng kiến, có sức thu hút và có sức thuyết phục riêng. Dĩ nhiên là dù lời của ai, thì cũng phải từ điểm nhìn của tác giả nhưng không đồng nhất tác giả, mà phải xem như lời một nhân vật, nghĩa là có đầy đủ đặc điểm của ngôn ngữ nhân vật.
Trong lời văn nghệ thuật, không phải lời gián tiếp mới có hai giọng. Lời trực tiếp cũng có khi có hai giọng như lời nhiều nhân vật của F. M. Doestoevsky hay lời trữ tình ngoại đề của Lỗ Tấn trong A.Q chính truyện
v.v... Những hình thức phong phú của lời văn nghệ thuật này càng làm cho khả năng cấu trúc của lời văn càng có điều kiện tổ chức đa dạng, sinh động, diễn tả được nhiều sắc điệu của đời sống.
Trong một tác phẩm văn học, nhất là ở các tác phẩm tự sự các loại giọng trên không phải lúc nào cũng phân biệt rạch ròi. Có nhiều tác phẩm đan xen nhiều loại giọng khác nhau. Chẳng hạn như trong Người thầy đầu tiên của T. Aimatov, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu v.v... vừa có lời gián tiếp một giọng, lại vừa có lời nửa trực tiếp, lời gián tiếp của người kể chuyện và lời trực tiếp.
1. Trình bày các đặc điểm của văn bản ngôn từ của tác phẩm văn học.
2. Phân biệt các khái niệm: ngôn ngữ và lời văn nghệ thuật, lời văn nghệ thuật và lời văn sách vở, lời văn đàm thoại.
3. Trình bày và phân tích các đặc trưng của lời văn nghệ thuật. Chọn dẫn chứng minh họa.
4. Nêu và phân tích các phương tiện tạo nên tính nghệ thuật của lời văn nghệ thuật. Chọn dẫn chứng minh họa.
---
(1) M. Gorky – Bàn về văn học, tập 1 – NXB Văn học, H. 1965, tr. 206.
(2) Khái niệm ngôn ngữ văn học (Literaturnyi Jayk) ở đây là chỉ ngôn ngữ chuẩn nói chung chứ không phải chỉ ngôn ngữ trong tác phẩm văn học. Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học được trình bày qua khái niệm lời văn nghệ thuật mà chúng tôi đang đề cập. (3) G.N. Pospelev (chủ biên) – Dẫn luận nghiên cứu văn học, tập 2, Sđd, tr. 148. Nhấn mạnh là của chúng tôi – LTD.
(4) M.B.Khravtsenco – Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học – NXB Tác phẩm mới, H. 1978, tr. 171.
(5) M.B.Khravtsenco – Sđd, tr. 191. Chúng tôi nhấn mạnh – LTD.
(6) Dẫn theo Vương Trí Nhàn – Sổ tay truyện ngắn, NXB Tác phẩm mới, H. 1980, tr. 66.
Chương hai :
TÁC PHẨM TRỮ TÌNH I. TRỮ TÌNH VÀ TÁC PHẨM TRỮ TÌNH I. TRỮ TÌNH VÀ TÁC PHẨM TRỮ TÌNH