Sự phân loại văn học

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 118 - 120)

II. PHÂN CHIA LOẠI THỂ TÁC PHẨM VĂN HỌC

1.Sự phân loại văn học

Nói tới thể loại văn học là nói tới qui luật loại hình. sự phân loại tác phẩm do vậy là sự xác lập các nguyên tắc loại hình khác nhau để phân chia các tác phẩm thành những kiểu loại khác nhau. Từ thời cổ xưa người ta đã tiến hành phân loại văn học. Lịch sử lí luận văn học đã cho biết nhiều cách phân loại khác nhau. Sau đây là một số cách phân loại thường hay được nhắc đến.

a. Ở phương Tây, Aristote có lẽ là người đầu tiên đã nêu lên cách phân loại các tác phẩm văn học dựa trên phương thức phản ánh. Trong tác phẩm Thi

pháp (Nghệ thuật thơ ca) ông cho rằng nghệ thuật chẳng qua là “sự bắt chước”, “mô phỏng thực tại”. Căn cứ vào phương thức mô phỏng ông chia văn học ra ba loại chính: “hoặc là kể về một sự kiện, coi như một cái gì tách biệt với mình, hoặc là người mô phỏng nhân danh mình mà kể, hoặc là giới thiệu tất cả các nhân vật như những người đang hành động và hoạt động” (2).

Các hình thức “mô phỏng” này về sau được gọi là loại văn học. Tương ứng với các hình thức mô phỏng trên là các loại: tự sự, trữ tình và kịch. Các quan niệm về sau cũng chia văn học ra ba loại như Aristote. Có điều người ta lại nhấn mạnh tới vị trí khác nhau của các thể loại. Chẳng hạn trong Nghệ thuật thơ ca, D.N. Boileau chia văn học ra ba loại và xem “thơ trữ tình là loại thơ thứ yếu” bi kịch, anh hùng ca là “loại thơ chủ yếu” (thơ ở đây hiểu là văn học ố L.T.D).

G. Hegel cũng chia văn học làm ba loại, nhưng ông nhấn mạnh tới đối tượng miêu tả. Ông cho rằng loại tự sự miêu tả sự kiện, loại trữ tình miêu tả trạng thái tâm hồn, loại kịch miêu tả hành động.

b. Ở phương Đông mà tiêu biểu các quan niệm văn học Trung Quốc từ rất sớm chia văn học ra hai loại: thơ và văn xuôi (tản văn). Tào Phi chia văn học làm bốn loại: tấu, nghị, thư, luận; minh lỗi; thơ phú. Thực ra trong bốn loại này chỉ có hai loại là thơ và văn xuôi.

Sau này Lục Cơ, Chấp Ngu, Tiêu Thống, Lưu Hiệp trong các tác phẩm của mình đều nêu lên các cách phân loại văn học. Có người chia ra 38 loại văn học, có người chia ra 120 loại. Đáng chú ý hơn cả là quan niệm của Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long. Ông chia văn học ra làm hai loại lớn cơ bản là văn và bút. Trong đó văn bao gồm: thơ, nhạc phú, tán tụng, chúc minh , minh châm, lũy bi, ai điếu, tạp văn, hài ẩn. Còn bút bao gồm chủ yếu là văn chính luận, gồm có truyện, chư tử, luận thuyết, chiếu sách, kịch di, phong thiện, chương biểu, tấu khải, nghĩa đối, thư kí... Nhìn chung các cách phân chia này vẫn nằm trong kiểu phân chia thành hai loại như đã nói ở trên. Các cách chia thường quá tỉ mỉ, vụn vặt.

Trong thời cận hiện đại, ở Trung Quốc lại phổ biến lối chia bốn loại: thơ ca, văn xuôi, tiểu thuyết và kịch. Theo cách chia nay thơ ca bao gồm thơ trữ tình và tự sự. Văn xuôi bao gồm tất cả các loại văn học không phải thơ ca, tiểu thuyết và kịch. Văn xuôi bao gồm luôn cả văn xuôi trữ tình, văn xuôi có cốt truyện như du kí, tạp kí, phóng sự. Tiểu thuyết được xem là một bộ phận của văn xuôi, nhưng do tầm vóc của nó đứng riêng ra một loại. Còn loại kịch thì quan niệm như trong văn học phương Tây.

c. Ở ta, cách phân loại thường chia ra bốn loại: tự sự, trữ tình, kịch, kí. Chẳng hạn quan niệm của các tác giả Nguyễn Xuân Nam, Hà Minh Đức, Trần Văn Bính trong Cơ sở lý luận văn học (3). Sau nàu, trong Cơ sở lý luận văn học Hà Minh Đức cũng trình bày theo cách này (4). Các tác giả Lý luận văn học (5) lại chia văn học thành các loại là: tự sự, trữ tình, kịch, ký và chính luận nghệ thuật.

d. Cũng có quan niệm chia ra năm loại: tự sự, trữ tình, kịch, ký, trào phúng như các tác giả của Thuật ngữ nghiên cứu văn học (6). Ngoài ra còn có người chia ra sáu hoặc bảy loại theo kiểu: kể chuyện, truyện thơ, thơ trữ tình, kịch, ký, trào phúng và chính luận nghệ thuật.

Dù chia ra bao nhiêu loại, trụ cột chính vẫn là hai loại cơ bản, tự sự và trữ tình. Có thể xem kịch như là một loại tự sự được sân khấu hóa. Ký có bộ phận trữ tình, có bộ phận là tự sự. Truyện thơ kết hợp giữa tự sự và

trữ tình nhưng tự sự là chính nên có thể xếp vào tự sự. Còn trao phúng là một dạng đặc biệt của trữ tình, tập trung biểu hiện cảm xúc hài.Chính luận nghệ thuật là một biến thể của trữ tình, bởi lẽ yếu tố “chính luận” của tác phẩm này mang đậm màu sắc cảm xúc.

Dựa trên các cách phân loại văn học trên đây, chúng tôi chia ra ba loại lớn theo phương thức phản ánh, với các thể loại tương ứng sau:

1. Loại tự sự gồm có tiểu thuyết, truyện vừa... (văn xuôi) truyện thơ, anh hùng ca (văn vần), các thể kí sự như truyện kí, kí sự, phóng sự...

2. Loại trữ tình bao gồm: thơ trữ tình, ca dao, trào phúng (văn vần), kí trữ tình, chính luận nghệ thuậtà (văn xuôi) v.v...

3. Loại kịch: bi kịch, hài kịch, chính kịch, kịch nói, kịch thợ, ca kịch, kịch ngắn,kịch dài v.v...

Sự phân chia các tác phẩm văn học theo các cách trên đều có chỗ mạnh và chỗ yếu riêng, khó có một cách nào bao quát được tất cả. Ngoài cách phân chia theo loại văn học như đã trình bày, người ta còn có thể có nhiều tiêu chí khác nữa để phân loại như tiêu chí về cảm hứng, thể văn, nội dung v.v... mà chúng tôi sẽ trình bày dưới đây.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 118 - 120)