NGÔN NGỮ KỊCH

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 108 - 109)

Như đã nói ở trên trong kịch không có ngôn ngữ người kể chuyện mà cơ bản chủ yếu là ngôn ngữ nhân vật. Trong kịch bản có ngôn ngữ chỉ dẫn của tác giả nhưng không đáng kể và bộ phận này khi diễn cũng bị triệt tiêu.

Ngôn ngữ kịch như vậy chỉ còn là ngôn ngữ nhân vật. Kịch viết ra là để diễn, cho nên ngôn ngữ nhân vật phải làm sao để diễn được. Theo đó thì đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nhân vật ở trong kịch phải là ngôn ngữ mang tính hành động, tính khẩu ngữ, tính hàm súc và tính tổng hợp cao. Ngôn ngữ đó lại phải phù hợp với tính cách nhân vật (7).

Khi lên sân khấu diễn viên “biểu diễn” chứ không phải đọc kịch bản, do đó ngôn ngữ kịch phải gần gũi với khẩu ngữ, lời ăn tiếng nói hàng ngày để diễn viên có thể “nói” được. Ngôn ngữ kịch mang tính chất khẩu ngữ, chứ không biến thành khẩu ngữ thuần túy. Nó là thứ ngôn ngữ hàm súc, đầy ước lệ, đầy rẫy những cách ngôn, những lời ngụ ý…, có thể mới diễn tả được một các cô đọng các vấn đề chủ yếu, trong kịch bản. Ngôn ngữ kịch hàm súc mà không cứng ngắc, sách vở, gần với khẩu ngữ mà không trở thành thông tục, rời rạc.

Ngôn ngữ kịch phải gắn liền với hành động. Hay nói khác đi đó là một thứ hành động – ngôn ngữ. Nó vừa thông báo, vừa có tính chất khơi gợi phù hợp với các hành động trong kịch. Ngôn ngữ kịch phải phù hợp với tính cách nhân vật, nhân vật nào phải nói đúng giọng nhân vật đó, nhà viết kịch phải “cá tính hóa” ngôn ngữ nhân vật. Với một kẻ keo kiệt say mê vàng như Apagon thì ngôn ngữ y phải đầy rẫy những lời về vàng bạc, tiền tài, với Jourdain kẻ học

làm sang thì ngôn ngữ của y đầy rẫy những từ học đòi quê mùa. Hay với Chu Phác Viên, kẻ cố duy trì lấy trật tự kiểu gia đình phong kiến thì ngôn ngữ của y đầy rẫy những lời giáo huấn về gia phong, về nề nếp… Sự cá tính hóa ngôn ngữ nhân vật làm cho các tính cách của nhân vật được khắc họa một cách sâu sắc hơn.

Ngôn ngữ kịch thường “hướng ngoại”, nó không chỉ là sự đối đáp giữa các nhân vật, mà qua đó, những suy tư hay sự việc thầm kín được phô bày ra ngoài. Chẳng hạn, người đưa tin trong các bi kịch cổ điển thường thông báo lại kết quả những cuộc quyết đấu, giết người đẫm máu mà tác giả không muốn trực tiếp miêu tả trên sân khấu.

Ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ nhân vật với các thành phần chủ yếu là đối thoại, độc thoại và bàng thoại.

Chiếm bộ phận lớn nhất trong kịch là đối thoại của các nhân vật. Qua đối thoại, các sự kiện, biến cố, hành động và các khâu chủ yếu của cốt truyện được thể hiện. Đối thoại là nói với nhau, nhưng không phải cứ nói với nhau là thành kịch. Đối thoại phải là đối thoại trong tình huống kịch mới trở thành kịch. Điều này cắt nghĩa tại sao nhiều tác phẩm viết theo kiểu đối thoại nhưng không phải là kịch như Người cháu Rameau của D. Diderot hay Cuốn tiểu thuyết tình ái của nhà văn Nhật Bản A. Kutagava.

Độc thoại còn gọi là độc bạch là lời nhân vật nói một mình. Lời độc thoại có khi là lời bôc bạch tâm sự của nhân vật, có khi là lời tâm sự hướng tới ai đó như lời của Juliet nói một mình trong đêm trăng bộc lộ tình yêu với Romeo… Cũng có khi lời độc thoại được thay bằng tiếng đế, tiếng vọng. Do khả năng của kịch bị hạn chế trong việc miêu tả nội tâm, nên khi nhân vật suy tư, trăn trở, buồn đau hay vui vẻ thường sử dụng độc thoại.

Bàng thoại còn gọi là bàng bạch là thành phần ngôn ngữ mà nhân vật bộc bạch với khán giả nhằm để giải thích hay nói rõ thêm về một sự kiện, một hành động hay một nhân vật nào đó trong kịch. Loại này được sử dụng nhiều trong kịch tự sự của B. Brecht, như là một phép “gián cách” nhắc nhở khán giả xem đây là sân khấu mà không đồng nhất với cuộc đời. Nhiều vở kịch hiện đại cũng sử dụng thành phần này như Vụ án Erostrat, Nhân danh công lí, Nguồn sáng trong đời…

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 108 - 109)