NHÂN VẬT KỊCH

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 107 - 108)

Trên sân khấu trong một vở kịch chỉ có nhân vật đi lại nói năng, hành động. Trong kịch bản cũng chỉ có nhân vật và ngôn ngữ nhân vật là chủ yếu. Những ghi chú, chỉ dẫn của tác giả rất ít, không đáng kể. Có thể nói, so với các loại văn học khác, chỉ có kịch là chỉ có nhân vật mà thôi. M. Gorky nhận xét : “Trong tiểu thuyết, trong truyện những con người được tác giả miêu tả hành động với sự giúp đỡ của tác giả, tác giả luôn luôn ở bên cạnh họ… Kịch bản không cho phép tác giả được tự do can thiệp như vậy, kịch bản loại trừ việc tác giả mách nước cho độc giả” (3). Như vậy, trong kịch, nhân vật “tự mình” xoay xở lấy, tự mình bộc lộ, nên nhân vật kịch cũng có những đặc điểm khác với các loại nhân vật văn học khác.

Kịch viết là để diễn, nhân vật kịch chỉ được miêu tả ở những khâu xung đột mãnh liệt nhất. Do đó, nhân vật kịch luôn luôn ở trong trạng thái căng thẳng, luôn luôn xúc động và xao xuyến, đợi chờ và lo lắng. Trong các vở kịch, bao giờ cũng có cảm tưởng như các nhân vật đây cẳng thẳng, hồi hộp. Chẳng hạn, trong Quan thanh tra sắp đến. Khlettacov khi thì lo lắng vì hết tiền, khi thì lo lắng làm sao đóng trọn vẹn “vai quan thanh tra”… Tính căng thẳng thường xuyên của nhân vật kịch được F. Schiller xem như là một nhu cầu của con người muốn “tự cảm nhận mình trong tình trạng tình cảm bùng cháy” (4) và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với việc dồn nén sự kiện, tính gấp gáp, khẩn trương của tiết tấu kịch. Cũng vì thế mà đạo diễn N.Dachenco của Nhà hát nghệ thuật Moskva khi đang dàn dựng vở Ba chị em của A. Tsekhov đã gợi ý cho các diễn viên là họ cần mắc chứng “bất mãn”, “bất an” của nhân vật, càng luôn luôn cảm thấy tình trạng thần kinh bị kích động, căng thẳng… Trong trạng thái đó, họ sẽ diễn tốt hơn (5). Tính căng thẳng này đã làm cho các nhân vật kịch tuy chỉ mang một vài nét, nhưng biểu hiện một cách gay gắt và do đó gây ấn tượng mạnh mẽ.

Nhân vật kịch không được miêu tả một cách đầy đặn như nhân vật tự sự, nhất là các phương diện chân dung, ngoại hình, nội tâm… Thông thường nhân vật kịch được giới thiệu một cách rất sơ lược trong bảng phân vai : tên, tuổi, chức vụ hay nghề nghiệp, quan hệ với các nhân vật khác như thế nào. Chẳng

hạn trong Hồn Trương Ba da Hàng Thịt Lưu Quang Vũ giới thiệu các nhân vật như sau : Bắc Đẩu, Nam Tào, Đế Thích, Trương Ba, vợ Trương Ba, anh con trai, chị con dâu, cái Gái (cháu nội Trương Ba) Cu Tị (bạn cái Gái), Trưởng hoạt (hàng xóm của Trương Ba), anh hàng thịt, vợ anh hàng thịt… Hoặc trong

Antigone của Sophocle : “Artigon, Ismen – hai người con gái của Edip, Creon – vua thành Tebơ… “Ngoài ra có thể có chỉ dẫn thêm về ăn mặc, áo quần, hành động… một cách rất sơ lược. Thế giới nội tâm bên trong của nhân vật kịch cũng không được miêu tả như tự sự, và nói chung là đơn giản hơn. Chính G. Hegel đã nhận xét : “Các nhân vật kịch phần đông đều đơn giản về mặt bên trong hơn so với hình tượng tự sự” (6).

Nhân vật kịch chủ yếu được xây dựng thông qua ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật thông báo với độc giả (kịch bản) và khán giả (sân khấu) về các sự kiện, biến cố, các quan hệ và cả tính cách, đặc điểm của nhân vật nữa.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 107 - 108)