1. Tiểu thuyết
Tiểu thuyết là loại lớn nhất trong loại tự sự, có một vị trí quan trọng và một lịch sử lâu đời trong sự phát triển của văn học.
Ở phương Tây tiểu thuyết vừa được dùng để chỉ những câu chuyện được viết bằng văn xuôi hay văn vần bằng tiếng roman (tức là những ngôn ngữ có gốc la tinh như tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha...) Đó là những tiểu thuyết hiệp sĩ đầy những biến cố và tình huống phi thường siêu tự nhiên như kiểu Tristan và Yseult. Thời phục hưng tiểu thuyết phát triển với những tác phẩm nổi tiếng như
Don Quijote của S. Cervanter, Gargantua và Pantagruel của F. Rabolais,... Đặc biệt đến thế kỷ XIX tiểu thuyết nảy nở và phát triển đến sự trọn vẹn qua các tác phẩm của H. Stendhal, H. Balzac, W. Thackeray, Ch. Dickens, N. Gogol, S. Cevanter, F. Dostoevsky, L.Tolstoi...
Ở phương Đông tiểu thuyết xuất hiện khá sớm. Thế kỷ III - IX đời Ngụy Tấn ở Trung Quốc đã có mầm mống tiểu thuyết dưới dạng “chí quái”, “chí nhân” ghi chép những việc thuộc sinh hoạt cá nhân của các danh sĩ. Đến đời Minh - Thanh tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc đã đi vào giai đoạn chín muồi với những tác phẩm lừng danh như Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung, Thủy hử của Thi Nại Am, Tây du ký của Ngô Thừa Ân v.v...
Ở Việt Nam, theo Nguyễn Lương Ngọc một số tác phẩm viết bằng văn Hán Việt “có tính chất mầm mống tiểu thuyết” là những truyện văn xuôi dưới dạng ghi chép “những truyện lưu hành trong dân gian hoặc do tác giả sáng tác ra” như Việt điện U linh, Lĩnh Nam Chích quái, Truyền kì mạn lục, Công dư tiệp kí, Truyền kì tân phả, Tang thương ngẫu lục... hay như cuốn kí sự lịch sử Hoàng Lê Nhất thống chí cũng “có tiểu thuyết hóa một phần nào”. Nhưng theo ông, phải sang đầu thế kỷ XX khi mà chúng ta “có chữ quốc ngữ và tiếp xúc với tiểu thuyết Âu Tây” thì mới thật sự có những “tiểu thuyết đúng nghĩa” với sự góp mặt của Nguyễn Trọng Thuật, Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn, các nhà văn trào lưu hiện thực phê phán. (2)
Tiểu thuyết đã có một chiều dài lịch sử khá lâu đời nhưng việc xác định đặc trưng của nó cũng rất khác nhau.
Đặc điểm đầu tiên để nhận diện tình tiết được nhiều nhà lý luận nêu lên thường là căn cứ vào dung lượng của nó, cả dung lượng về số trang lẫn dung lượng những vấn đề mà tiểu thuyết đặt ra.
Một số quan niệm khác lại xác định đặc trưng của tiểu thuyết trên cơ sở đối lập nó với sử thi (3). Theo đó thì tiểu thuyết chủ yếu sử dụng tư duy tiểu thuyết, chứ không phải tư duy sử thi (anh hùng ca). Trong tư duy tiểu thuyết cuộc sống được nhìn từ góc độ đời tư, hay cách khác, đời tư là một góc độ để miêu tả cuộc sống một cách tình tiết. Yếu tố đời tư càng tăng thì chất tiểu thuyết càng tăng. Ngược lại yếu tố lịch sử càng phát triển thì chất sử thi càng đậm. Tư duy tiểu thuyết khám phá con người với những nhu cầu nhân tính đằng sau các bộ quần áo xã hội hay nói như Bakhtin ở tác phẩm tiểu thuyết đích thực “con người lớn hơn bộ quần áo xã hội”.
Trong sử thi giữa người kể và nhân vật có một khoảng cách gọi là
“khoảng cách sử thi” (4). Từ khoảng cách này người kể bày tỏ thái độ thành kính, tôn sùng đối với nhân vật đang kể. Như Homere với tư cách là tác giả trong quan hệ với các nhân vật Asin và Hecto trong Iliade chẳng hạn. Trong tiểu thuyết khoảng cách này bị xóa bỏ. Người viết nói như Antonov dường như “trao ngòi bút cho nhân vật tự viết lấy giọng điệu của mình”. Tác giả hòa vào từng nhân vật và thế giới riêng của nó. Từ đó cho phép người viết có thể có thái độ “thân mật, thân tình, thậm chí suồng sã” với nhân vật của mình (5).
Cả Blankenburg và Hegel đều cho rằng “tiểu thuyết không được có tính “thơ” như là tính thơ ở các thể loại văn chương khác”. (6) Tiểu thuyết phải có cái gân guốc, xù xì của “chất văn xuôi” cuộc đời. Từ đó, nhân vật của tiểu thuyết cũng khác với nhân vật sử thi. “Nhân vật tiểu thuyết không được “anh hùng” cả theo nghĩa sử thi lẫn theo nghĩa bi kịch của từ ấy : nó phải kết hợp trong nó cả những nét chính diện lẫn phản diện, cả thấp kém lẫn cao thượng, cả nực cười lẫn nghiêm trang”. Cho nên nhân vật tiểu thuyết “phải được miêu tả không phải như đã hoàn tất và cố định, mà là như một nhân cách biến chuyển đổi thay, được cuộc sống dạy dỗ” (7). Hay nói cách khác, nhân vật tiểu thuyết là nhân vật “nếm trải” đời sống. Đó là những con người vừa chịu sự tác động “dạy bảo” của hoàn cảnh, vừa tham gia tác động lại hoàn cảnh. Các sự kiện thăng trầm trong cuộc đời nhân vật tiểu thuyết đều nếm mùi.
Trên đây là những quan niệm tiêu biểu về tiểu thuyết. Đến đây, có thể rút ra một số nét chủ yếu đáng chú ý về thể loại tiểu thuyết.
Thứ nhất, tiểu thuyết là một thể loại thuộc loại tự sự có dung lượng lớn. Do có dung lượng lớn cho nên tiểu thuyết có khả năng bao quát cuộc sống một cách tỉ mỉ và nhiều mặt nhất. Những tác phẩm như Đỏ và đen của H. Stendhal, Tấn trò đời của H. Balzac. Con đường đau khổ của A. Tolstoi, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi... đều là những tình tiết miêu tả cuộc sống trên nhiều mặt, có tính "bách khoa". Dung lượng các vấn đề, loại hình các nhân vật, hệ thống các
sự kiện, các chi tiết nghệ thuật... của tiểu thuyết có thể mở rộng tối đa, không còn bị hạn chế như ở các thể loai khác.
Thứ hai, tiểu thuyết là thể loại có phương thứ tư duy nghệ thuật đặc biệt. Tiểu thuyết có khả năng xâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống con người, đời sống xã hội, nhất là có khả năng đi sâu khám phá số phận, đời tư của con người một cách tỉ mỉ, nhiều mặt... Tiểu thuyết có khả năng hấp thu vào mình cũng như khả năng tổng hợp các phương tiện nghệ thuật của các thể loại văn học khác. Nhờ đó mở ra cho tiểu thuyết đầy biến hóa, linh hoạt. Tiểu thuyết có khả năng đào sâu một sự kiện đến tận cùng cốt lõi của nó cũng như có thể đan xen nhiều phương tiện miêu tả trong một chương đoạn nào đó... Nói tóm lại là tiểu thuyết có kiểu tư duy nghệ thuật của một thể loại mang tính tổng hợp cao.
2. Truyện vừa
Truyện vừa là loại văn xuôi tự sự cỡ trung bình đứng giữa tiểu thuyết và truyện ngắn. Có thể xem Vĩnh biệt Gunxary, Con tàu trắng của T. Aimatov,
Tarat Bunba của N. Gogol, Khatgi Murát của L. Tolstoi, A. Q chính truyện của Lỗ Tấn... là những truyện vừa đặc sắc.
Ranh giới giữa truyện ngắn và tiểu thuyết là rất tương đối. Có người gọi
Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Bên kia biên giới của Lê Khâm, Vùng moû của Võ Huy Tâm là tiểu thuyết, lại có người cho là truyện vừa. Cho nên Bielinsky cho rằng “truyện vừa là biến thể của tiểu thuyết” và “truyện vừa là tiểu thuyết, duy có dung lượng nhỏ hơn”. (8)
Không nên xem truyện vừa là sự thu hẹp phạm vi tái hiện đời sống. Nhiều truyện vừa như Khatgi Murát, Đất nước đứng lên, A. Q chính truyện...
đều có một phạm vi phản ánh đời sống khá rộng... Điểm khác nhau giữa truyện vừa và tiểu thuyết không chỉ ở dung lượng văn bản hay phạm vi đời sống được miêu tả mà còn được thể hiện ở nguyên tắc miêu tả. Truyện vừa so với tiểu thuyết sự kiện ít hơn, nhân vật ít hơn mà cách miêu tả sự kiện, cách xây dựng nhân vật cũng gọn hơn. Truyện vừa tập trung vào một số sự kiện chính, nhân vật được miêu tả trong một vài mối quan hệ nhất định... Nhờ đó dung lượng của truyện vừa được rút ngắn hơn so với tiểu thuyết.
3. Truyện ngắn
Truyện ngắn là loại văn xuôi tự sự cỡ nhỏ. Nó khác với truyện vừa ở dung lượng nhở hơn, tập trung hơn. Phạm vi đời sống mà truyện ngắn đề cập có thể là một khoảnh khắc của đời sống như Tô Hoài nhận xét “Truyện ngắn là cưa lấy một khúc của đời sống” hay như Bùi Hiển khái quát “Truyện ngắn lấy một khoảnh khắc trong cuộc đời một con người mà dựng nên”. Nhưng cũng có nhiều truyện ngắn không chỉ miêu tả một khoảnh khắc mà miêu tả cả một đời
người như Chí Phèo của Nam Cao, Nhà mẹ Lê của Thạch Lam... Như vậy truyện ngắn có thể miêu tả một "mô măng" mà cũng có thể miêu tả cả một cuộc đời, có thể miêu tả một cái "chốc lát" cũng như miêu tả một "quá trình"... Cho nên nếu chỉ xem cái "khoảnh khắc" như một đặc trưng riêng biệt của truyện ngắn là chưa đầy đủ.
Truyện ngắn có thể được xác định trên hai bình diện : tính chất ngắn gọn về mặt dung lượng và sự cô đọng, súc tích trong miêu tả.
Ở phương diện thứ nhất chúng ta thấy hầu hết các truyện ngắn đều ngắn. Nếu như kéo dài số trang quá một mức nào đó thì nó không còn là truyện ngắn nữa. Do dung lượng thu gọn nên hệ thống nhân vật, sự kiện, chi tiết truyện cũng được cô đúc lại làm cho nó có tính chất ngắn gọn.
Ở phương diện thứ hai, để tương ứng với dung lượng ngắn thì trong miêu tả cũng phải cô đọng và súc tích. Cho nên trong truyện ngắn từ nhân vật cho đến cốt truyện, từ sự kiện cho đến hành động đều được dồn nén đến mức tói đa. Nhà văn thường chỉ chọn một đôi sự kiện chính, một hai nhân vật để triển khai câu chuyện”. Ở truyện ngắn không còn cái “nhẩn nha”, “trầm tĩnh” như trong tiểu thuyết. Từ đây đòi hỏi người viết phải có tài nghệ để từ một vài tiêu điểm có thể nhìn ra cả thế giới, từ một vài sự kiện có thể miêu tả được cả cuộc đời. Các truyện ngắn của các bậc thầy ở thể loại này như G. Maupassant, A. Tsekhov, A. Daudet, P. Merimeé, E. Poe, O. Henry, M. Gorky, Lỗ Tấn, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan... đều thể hiện đặc điểm này.