HÀNH ĐỘNG KỊCH

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 105 - 107)

Xung đột kịch chỉ được bộc lộ thông qua hành động kịch. Và do đó hành động là một đặc trưng tất yếu của kịch. Chính Aristote khi phân loại văn học đã xem hành động như là một đặc trưng để nhận diện kịch. Theo ông, tác phẩm kịch “giới thiệu tất cả các nhân vật như đang hành động, đang hoạt động”. G. Hegel trong bảng phân loại của mình cũng lấy hành động làm tiêu chí để xác

định tác phẩm kịch. Còn C. Stanislavsky xem hành động là cơ sở của kịch tính. Ông viết : “Vở kịch không có tính hành động do đấy cũng mất cả tính kịch”. Có thể nói nếu xung đột tạo nên kịch tính bên trong của vở kịch, thì hành động là sự “diễn đạt”, “biểu diễn” kịch tính đó ra bên ngoài, tạo nên tính sân khấu của một vở kịch. Thực tiễn đã cho thấy rằng, những vở kịch tập trung thuyết lí nhiều, ít hành động thường rất khó diễn tả đã đành, mà cũng ít hấp dẫn, bởi vì đã xa rời một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của sân khấu là biễu diễn.

Kịch diễn trên sân khấu phải thông qua hành động có tính chất hình thể của diễn viên như điệu bộ, cử chỉ, lời nói, việc làm. Hành động trong kịch bản văn học chủ yếu thông qua ngôn ngữ – hành động. Qua ngôn ngữ đối thoại hay độc thoại, bàng thoại người đọc có thể hình dung ra hoạt động của nhân vật, tiến triển của vở kịch.

Dù là hành động của nhân vật trên sân khấu, hay là hành động được hình dung qua ngôn ngữ trong kịch bản, hành động kịch thường được miêu tả gấp gáp, căng thẳng. Nhân vật thường xuyên hoạt động, thực hiện hành động này đến hành động khác. Sự chồng chất, dồn nén hành động trong một vở kịch là nằm trong quỹ đạo chung của xung đột vở kịch. Ngay cả khi thực hiện những hành động có tính chất suy tư, ngẫm nghĩ thì trong kịch cũng diễn ra rất nhanh. Chẳng hạn, trong vở Điều thiêng liêng nhất của Druxo khi để cho Guya suy tư về con người, về cuộc sống, tác giả đã để cho nhân vật đi quanh bờ hồ có cây liễu già rất nhanh. Hay quyết định của Louise khi phải viết bức thư cho Thị vệ trưởng Phôn Canbơ kẻ mà nàng không quen biết, để cứu bố mẹ, đã diễn ra trong chốc lát, mặc dù nàng đã không ít trăn trở, day dứt (Âm mưu và tình yêu

của F.S. Chiller). Tính căng thẳng và gấp gáp của hành động đã làm cho tiết tấu kịch khác hẳn tiết tấu của tự sự hay trữ tình. Đó là tiết kịch, mỗi nhân vật có mối hệ thống hành động chính, phù hợp với vai trò của mình, thường gọi là

hành động xuyên. Những hành động xuyên suốt vở kịch của Tartufe chẳng hạn là những hành động gắn với tính cách đạo đức giả của y. Từ cách bưng li nước, cách chào mời, đi đứng, nói năng, đều toát lên ở y là kẻ đạo đức giả. (Tartufe

của Molierre). Hay hành động ngồi bên gốc cây gãy là hành động xuyên trong vở kịch Cô gái ngồi bên gốc cây gãy, bộc lộ tư tưởng của tác phẩm. Qua hàng loạt hành động các tính cách, các xung đột của vở kịch được bộc lộ. Qua đó có thể nắm bắt chủ đề của tác phẩm.

Có người chia hành động trong một vở kịch làm hành động bên trong và hành động bên ngoài. Hành động bên ngoài là những hành động bề ngoài có thể nhìn thấy được, biểu hiện ra bên ngoài. Hành động bên trong là những suy

tư, tính toán, cân nhắc bên trong của các nhân vật. Thật ra, hành động của nhân vật trong một vở kịch chủ yếu là hành động bên ngoài. Ngay cả hành động bên trong đó cũng được “phô diễn”, bộc lộ ra ngoài. Bởi lẽ, mục đích của kịch phải là để diễn, cho nên phải làm sao hiện ra hết, để có thể “xem” được.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH LÍ LUẬN VĂN HỌC PHẦN TÁC PHẨM VĂN HỌC pptx (Trang 105 - 107)