Nhập khẩu là hoạt động mua hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài của các tổ chức, cá nhân nhằm phục vụ cho nhu cầu trong nước hoặc tái xuất nhằm phục vụ mục đích thu lợi nhuận. Nói cách khác, NK là việc mua hàng hóa từ các tổ chức kinh tế, các công ty nước ngoài và tiến hành tiêu thụ hàng hóa NK tại thị trường nội địa hoặc tái XK với mục đích thu lợi nhuận và nối liền sản xuất với tiêu dùng.
Hàng hóa NK được hiểu là động sản (gồm: nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm, thành phẩm) được các tổ chức, cá nhân trong nước trao đổi hoặc mua qua biên giới của quốc gia trên cơ sở dùng tiền tệ làm phương tiện thanh toán nhằm mục đích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh nói chung.
Xuất xứ hàng hoá (theo Công ước Kyoto sửa đổi) là nước tại đó hàng hoá được chế biến hoặc sản xuất, phù hợp với tiêu chuẩn được áp dụng trong biểu thuế hải quan, giới hạn về số lượng hoặc các biện pháp khác liên quan đến thương mại. (Tổ chức Hải quan thế giới, 1999)
Xuất xứ hàng hoá (theo quy định tại Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về XXHH) là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó(Chính phủ, 2018).
Khái niệm nêu trên được thống nhất sử dụng trong luận văn.
Như vậy, tuy có khác nhau trong việc sử dụng từ ngữ, nhưng hai định nghĩa của quốc tế và quốc gia có cùng nghĩa với nhau. Đó là, xuất xứ hàng hoá là “quốc tịch” của hàng hoá đó. Nếu việc chuyên môn hoá quốc tế dẫn đến hàng hoá được
sản xuất từ nhiều quốc gia, qua nhiều công đoạn chế biến, thì quốc tịch của hàng hoá đó được xác định là nơi hàng hoá đó được sản xuất, chế biến, gia công hay lắp ráp và đáp ứng một số tiêu chuẩn nào đó phù hợp với các thoả thuận thương mại giữa các nước, khối kinh tế, khu vực hoặc các vùng lãnh thổ.