Quy tắc xuất xứ hàng hóa nhập khẩu

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN VỀ XUẤT XỨ HÀNG HÓA NHẬP KHẨU TẠI CỤC HẢI QUAN TỈNH LẠNG SƠN (Trang 31 - 32)

Quy tắc xuất xứ (theoTổ chức Thương mại Thế giới) là tập hợp các tiêu chí cần thiết nhằm đảm bảo xác định được nguồn gốc quốc tịch của hàng hóa.Quan điểm này ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam là thành viên. Quy tắc xuất xứ ưu đãi (Preferential ROO) là tập hợp các tiêu chí được thiết kế nhằm đảm bảo hàng hóa đó được hưởng ưu đãi thuế quan FTA nếu tuân thủ các quy định về xuất xứ áp dụng với hàng hóa trong FTA đó.

Quy tắc xuất xứ gồm 02 loại: quy tắc xuất xứ ưu đãi và quy tắc xuất xứ không ưu đãi. Trong đó:

- Quy tắc xuất xứ ưu đãi là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa có cam kết hoặc thỏa thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi về phi thuế quan. (Chính phủ, 2018)

- Quy tắc xuất xứ không ưu đãi là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa ngoài quy định và trong các trường hợp áp dụng các biện pháp thương mại không ưu đãi về đối xử tối huệ quốc, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan, mua sắm chính phủ và thống kê thương mại. (Chính phủ, 2018)

Trong một số trường hợp đặc biệt, “quy tắc xuất xứ không ưu đãi” lại trở thành “quy tắc xuất xứ ưu đãi” khi hàng hóa xuất khẩu từ thị trường X vào thị trường Z và phải chịu thuế tự vệ hoặc thuế chống bán phá giá cao hơn so với mức thuế MFN thông thường. Khi lúc đó hàng hóa xuất khẩu từ thị trường Y vào thị trường Z chịu thuế MFN thấp hơn thuế tự vệ hoặc thuế chống bán phá giá nói trên. Trường hợp này C/O không ưu đãi phát hành từ thị trường Y trở thành căn cứ pháp lý để thị trường Z đưa vào danh sách loại trừ không phải chịu thuế tự vệ hoặc thuế chống bán phá giá chỉ áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ thị trường X.

Trong “Quy tắc xuất xứ ưu đãi” có ưu đãi đơn phương, song phương và đa phương. Trong đó:

- Ưu đãi đơn phương: là Ưu đãi thuế quan mà các nền kinh tế phát triển (Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU,...) dành cho các nền kinh tế đang phát triển hoặc kém phát triển (Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, Băng-lađét,...). Đây là ưu đãi một chiều và không phải là kết quả của đàm phán, do vậy khi các nền kinh tế phát triển (A) đánh giá một nền kinh tế đang hoặc kém phát triển (B) đã trưởng thành tương đối trong một số ngành hàng cụ thể, A có thể sẽ rút lại các ưu đãi thuế quan đã dành cho (B).

- Ưu đãi song phương: là kết quả của quá trình đàm phán các FTA hoặc các thỏa thuận thương mại song phương. Việt Nam hiện đang có các FTA song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Chi-lê. Nếu coi ASEAN hoặc EAEU- Liên minh Kinh tế Á Âu là một thị trường thống nhất, thì cũng có thể coi ACFTA là Hiệp định song phương giữa 1 Bên là ASEAN và 1 Bên là Trung Quốc. FTA giữa Việt Nam và EU cũng có thể coi là 1 FTA song phương giữa 1 Bên là Việt Nam và một Bên là thị trường chung thống nhất của 28 thành viên EU;

- Ưu đãi đa phương: là kết quả của quá trình đàm phán các FTA hoặc các thỏa thuận thương mại bao gồm nhiều hơn 2 Bên thành viên. TPP hoặc RCEP là những FTA đa phương với nhiều Bên thành viên tham gia đến từ các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN VỀ XUẤT XỨ HÀNG HÓA NHẬP KHẨU TẠI CỤC HẢI QUAN TỈNH LẠNG SƠN (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(116 trang)
w