Người có quyền yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật

Một phần của tài liệu BÁO CÁO TỔNG KẾT ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN : THỰC TRẠNG HỦY VIỆC KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT TẠI HUYỆN A LƯỚI, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (Trang 32 - 36)

8. Kết cấu đề tài nghiên cứu

1.2.2. Người có quyền yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật

Những người có quyền yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật, trong khung cảnh của luật hiện hành, được liệt kê tại điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.

22

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật”

Như vậy, theo quy định trên của pháp luật, chủ thể có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật bao gồm có ba nhóm: Người bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn; Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái hôn trái pháp luật và Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ.

Thứ nhất, người bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định cho người bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bởi họ là nạn nhân trực tiếp của việc kết hôn trái pháp luật bằng cách yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật đó. Quyền chủ động này còn thể hiện tính thực tế và mềm dẻo của pháp luật. Bởi, chỉ có người bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn mới ý thức được yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật đó là cần thiết cho cuộc sống gia đình họ hay không. Đặc biệt trong trường hợp cuộc sống chung đã ổn định, hai bên đã thực sự thông cảm, yêu thương nhau, giữa họ đã có con chung, tài sản chung thì việc yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật nên để cho họ tự quyết định.

23

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là người bị cưỡng ép, bị lừa dối có quyền yêu cầu nhưng bản thân người cưỡng ép, người lừa dối thì có quyền yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật của mình hay không? Khi họ thực hiện hành vi cưỡng ép, lừa dối người khác kết hôn với mình là để mong muốn đạt được mục đích kết hôn với người đó nhưng trong quá trình chung sống gia đình không hạnh phúc, không được theo ý muốn hoặc với một lý do nào đó, họ muốn huỷ việc kết hôn trái hôn trái pháp luật của chính mình. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người có hành vi cưỡng ép, lừa dối, ép buộc người khác kết hôn với mình không có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật đó. Theo quan điểm của tác giả thì những người này cũng nên có quyền được yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật của chính mình. Vì khi gia đình không hạnh phúc thì quyền lợi của chủ thể này cũng không được bảo đảm.

Thứ hai, vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật có

quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật đó” có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc

kết hôn trái pháp luật trong trường hợp việc kết hôn trái pháp luật đó vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này.

Việc quy định như vậy là hoàn toàn hợp lý, bởi đó là những người có quan hệ vợ chồng, quan hệ huyết thống và có liên quan mật thiết với các chủ thể kết hôn trái pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của họ cũng bị xâm phạm từ việc kết hôn trái pháp luật. Có một vấn đề đặt ra, người kết hôn trái pháp luật do vi phạm độ tuổi nhưng khi họ chưa đạt tuổi để có đủ điều kiện về năng lực hành vi tố tụng dân sự thì họ có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật của mình không? Người mất năng lực hành vi dân sự tại thời điểm kết hôn nhưng sau đó họ khỏi bệnh thì có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật không? Những chủ thể khác như người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật của chính mình hay không thì pháp luật lại không có quy định. Như vậy, bản thân

24

người trực tiếp tham gia quan hệ kết hôn trái pháp luật thì pháp luật lại không quy định cho họ có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những chủ thể đó, pháp luật cần có quy định theo hướng mở rộng phạm vi người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ Hiện nay, theo quy định của pháp luật, các cơ quan khác nhau thực hiện việc quản lý nhà nước đối với từng mảng công tác riêng. Cơ quan Lao động- Thương binh và Xã hội các cấp quản lý nhà nước về công tác trẻ em; Cơ quan Văn hóa, Thể thao và Du lịch các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác gia đình. Khi thực hiện chức năng của mình mà các cơ quan này phát hiện có việc kết hôn trái pháp luật thì có thể yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật đó.

Hội Liên hiệp Phụ nữ, với chức năng và thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em nói riêng và của các thành viên trong gia đình nói chung. Xuất phát từ đặc thù của tổ chức, khi tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc kết hôn trái hôn trái pháp luật, Hội Liên hiệp phụ nữ đều có biện pháp tìm hiểu, nắm tình hình vụ việc, kiến nghị và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thúc đẩy việc xem xét, giải quyết vụ việc. Như vậy, cơ quan Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Thứ tư, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác

Khác với ba nhóm chủ thể trên, chủ thể “cá nhân, cơ quan, tổ chức khác” không có quyền yêu cầu trực tiếp Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật mà chỉ có quyền đề nghị gián tiếp để hủy việc kết hôn trái pháp luật. Cụ thể, khoản 3 điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy

25

định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái

pháp luật”.

Như vậy, việc quy định trên của pháp luật rất hợp lý và mềm dẻo bởi những chủ thể còn lại, trong phạm vi quyền hạn của mình chỉ có quyền đề nghị vì họ không bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc kết hôn trái pháp luật, đồng thời cũng tránh việc can thiệp quá sâu vào mối quan hệ gia đình mà bản chất của nó là sự xác lập của hai bên nam nữ. Bên cạnh đó, việc quy định này cũng thể hiện trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đối với nhà nước và xã hội khi mối quan hệ hôn nhân và gia đình bị xâm phạm.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO TỔNG KẾT ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN : THỰC TRẠNG HỦY VIỆC KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT TẠI HUYỆN A LƯỚI, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (Trang 32 - 36)