8. Kết cấu đề tài nghiên cứu
3.2.3. Nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân
Tại A Lưới, vẫn còn những địa phương, cơ quan, đơn vị chưa làm tốt việc phổ biến, giáo dục pháp luật, do đó tinh thần, nội dung các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước chưa đến được với người dân. Song song đó, cũng có địa phương đã tiến hành phổ biến giáo dục pháp luật, nhưng cách làm khô cứng, mòn xáo, khiến các nội dung căn bản của pháp luật không thấm vào quần chúng nhân dân. Điều này trực tiếp dẫn đến hiện tượng người dân thiếu hụt kiến thức về pháp luật, hành động vi phạm pháp luật một cách tự nhiên. Thực tế cho thấy, do hiểu biết pháp luật về hôn nhân và gia đình còn hạn chế cùng với sự tồn tại của phong tục, tập quán đã tồn tại lâu năm nên việc thay đổi quan niệm về hôn nhân tự nguyện, tiến bộ trong cộng đồng dân cư còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, ngoài việc đấu tranh với các hành vi trái pháp luật phát sinh trong lĩnh vực về hôn nhân, thì cần thực hiện thường xuyên việc phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân. Cụ thể như sau:
- Để pháp luật về hôn nhân và gia đình dễ dàng đi vào cuộc sống của bộ phận người dân, song song với việc củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc bản địa, cần nâng cao hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng chính ngôn ngữ của người dân tộc Pa Kô, Kơ Tu, Tà Ôi, Pa Hy. Chú trọng, nhân rộng những cách thức, biện pháp làm hay có hiệu quả của một số địa phương đã làm như: biện pháp dùng phong tục, tập quán tốt đẹp, thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc để dần loại trừ, triệt tiêu các phong tục, tập quán cổ hủ, lạc hậu trái với những nguyên tắc cơ bản
51
của Luật hôn nhân và gia đình, thể hiện cụ thể bằng sự tác động thông qua những người có địa vị cao là Già làng, Trưởng bản.
- Biên soạn, cung cấp tài liệu tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
- Tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp, nghiên cứu, ứng dụng, triển khai nhân rộng các mô hình, bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước phù hợp nhằm thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
52
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Trên cơ sở phân tích và đánh giá các vấn đề ở chương 2, tác giả đã chỉ ra những giải pháp cơ bản, sát thực tiễn, để góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng pháp luật về vấn đề hủy việc kết hôn trái pháp luật tại địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, tác giả đã đề xuất những nhóm giải pháp như nhóm giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về hủy việc kết hôn trái pháp luật và nhóm giải pháp nhằm hạn chế việc kết hôn trái pháp luật và đảm bảo hiệu quả của hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Từ thực tiễn về hủy việc kết hôn trái pháp luật tại huyện A Lưới, với những quan điểm, giải pháp trên nhằm góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của pháp luật gắn liền với thực tế xã hội, đẩy lùi vấn nạn kết hôn trái pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị xâm hại bởi hành vi kết hôn trái pháp luật trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
53