8. Kết cấu đề tài nghiên cứu
1.2.3. Thẩm quyền và thủ tục xử hủy việc kết hôn trái pháp luật
1.2.3.1. Thẩm quyền xử hủy việc kết hôn trái pháp luật
Khoản 1 điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật này và pháp luật
về tố tụng dân sự”. Như vậy, thẩm quyền huỷ việc kết hôn trái pháp luật thuộc về
Toà án và trình tự giải quyết được thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tại Khoản 1 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định huỷ việc kết hôn trái pháp luật là loại việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo quy định tại điểm b khoản 2, khoản 4 điều 35; điều 37; điểm g khoản 2 điều 39; điểm b khoản 2 điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong các bên hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Việc xác định đúng thẩm quyền giải quyết có ý nghĩa rất quan trọng, tránh sự chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ, góp phần giúp Tòa án giải quyết đúng đắn, có hiệu quả, tạo điều kiện cho các bên yêu cầu tham gia tố tụng, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tiết kiệm thời gian, công sức. Tuy nhiên, việc xác định thẩm quyền vẫn còn nhiều tranh cãi. Theo điểm g khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì: “Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy việc
kết hôn trái pháp luật”. Nhưng tại điểm b Khoản 2 điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự
năm 2015, thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu quy định: “… người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án nơi cư trú của một trong các bên
26
đăng ký kết hôn trái pháp luật giải quyết”. Do vậy, với những trường hợp pháp luật
quy định không cần bất cứ điều kiện gì mà mang tính tùy nghi như điểm b khoản 2 điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì đương sự có quyền lựa chọn một trong các Toà án để giải quyết việc yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
1.2.3.2. Thủ tục xử hủy việc kết hôn trái pháp luật
Hủy việc kết hôn trái pháp luật là một loại việc dân sự. Theo trình tự giải quyết việc dân sự, Toà án thụ lý khi có đơn yêu cầu và các tài liệu chứng minh cho yêu cầu đó. Toà án tiến hành mở phiên họp, xem xét chứng cứ và quyết định với sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát. Vấn đề hoà giải không được đặt ra đối với thủ tục giải quyết việc dân sự, do đó kết hôn trái pháp luật là loại việc không được hòa giải. Tuy nhiên, khi giải quyết Toà án không chỉ giải quyết về vấn đề nhân thân của người kết hôn trái pháp luật mà còn giải quyết cả vấn đề con chung và tài sản chung của họ. Theo điều 361 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng
có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương
mại, lao động”.
Vấn đề đặt ra, khi giải quyết về con chung, tài sản chung, nếu hai bên đương sự thoả thuận được với nhau thì Toà án công nhận sự thoả thuận đó. Nhưng nếu hai bên không thống nhất được, tức là có tranh chấp, thì Toà án giải quyết như thế nào? Hiện nay có những quan điểm khác nhau về việc giải quyết vấn đề này. Có quan điểm cho rằng, không thể giải quyết đồng thời mà phải tách ra để giải quyết theo thủ tục việc hôn nhân và gia đình đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và thủ tục giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình đối với tranh chấp về nuôi con hoặc về tài sản. Quan điểm khác cho rằng, mặc dù đây là hai nội dung khác nhau nhưng khi Tòa án đã thụ lý hủy việc kết hôn trái pháp luật, nếu có tranh chấp về con cái hoặc về tài sản thì Tòa án giải quyết luôn mà không cần phải tách ra thành một vụ án độc lập.
27
Đó là vấn đề mà pháp luật chưa có hướng dẫn. Quan điểm của tác giả là khi Tòa án đã thụ lý hủy việc kết hôn trái pháp luật, nếu có tranh chấp về con cái hoặc về tài sản thì Tòa án quyết định luôn mà không cần phải tách ra thành một vụ án độc lập. Bởi vì cùng một quan hệ pháp luật, nếu tách ra thành hai vụ việc thì sẽ tốn kém thời gian, chi phí cho các đương sự cũng như các cơ quan có thẩm quyền và hậu quả vẫn là Tòa án quyết định, không có gì khác.