Chất lượng trao đổi lãnh đạo-nhân viên

Một phần của tài liệu Văn hóa học hỏi trong tổ chức (Trang 29 - 30)

Trao đổi lãnh đạo - nhân viên (Leader-Member Exchange) (LMX) là quá trình tương tác xã hội giữa lãnh đạo và cấp dưới (Graen và cộng sự, 1973). Lý thuyết trao đổi lãnh đạo - nhân viên cho rằng bản chất và chất lượng của mối quan hệ giữa người lãnh đạo và nhân viên được hình thành theo thời gian và nó ảnh hưởng quan trọng đến đáp ứng của nhân viên đối với môi trường làm việc (Graen, 1995).

Theo Liden và cộng sự (1997), chất lượng trao đổi giữa lãnh đạo và nhân viên (LMX Quality) là chất lượng của mối quan hệ cá nhân giữa nhân viên và cấp trên của họ. Nó được xác định bằng những nỗ lực về thể chất hoặc tinh thần, cung cấp nguồn lực, thông tin và hỗ trợ xã hội (bằng các mối quan hệ, uy tín) được trao đổi giữa lãnh đạo và nhân viên. Nhân viên trong trường hợp này được tương tác thường xuyên với cấp trên của họ và được cấp trên hỗ trợ, khích lệ, quan tâm khiến họ tự tin, sẵn sàng chủ động thực hiện thêm các nhiệm vụ hoặc sẵn sàng nỗ lực để đạt được các mục tiêu ngoài dự kiến/vượt mong đợi.

Một mối quan hệ LMX đạt chất lượng cao bao gồm bốn yếu tố: (i) Sự đóng góp (thực hiện công việc vượt quá yêu cầu tối thiểu), (ii) Cảm xúc (tình bạn và sự quý mến), (iii) Lòng trung thành, (iv) Sự công nhận. LMX có ảnh hưởng tích cực đối với sự hài lòng công việc, cam kết và hiệu quả công việc (Graen, 1995; Gerstner, 1997).

Nghiên cứu của Erdogan và Liden (2002) đưa ra tác động tích cực của một quan hệ trao đổi lãnh đạo – nhân viên thuận lợi như sáng tạo hơn, giảm căng thẳng trong công việc, và cải thiện môi trường làm việc. Mối quan hệ LMX chất lượng thấp là kết quả của nguồn lực, nguồn thông tin hạn chế và sự hài lòng thấp với công việc Gerstner và Day (1997), trong khi, mối quan hệ LMX chất lượng cao là dấu hiệu của việc trao quyền (Liden và cộng sự, 2000).

Bên cạnh đó, nhận thức về sự khác biệt, bất bình đẳng về LMX giữa các thành viên trong một nhóm có ảnh hưởng tiêu cực đến sự hài lòng, thoải mái trong công việc, từ đó dẫn đến các xung đột trong nhóm (Hooper và Robin, 2008)

Một phần của tài liệu Văn hóa học hỏi trong tổ chức (Trang 29 - 30)