Lựa chọn hình thức đàotạo nghề

Một phần của tài liệu Nguyen Thi Hong Van (Trang 26 - 30)

Hình thức đào tạo là tổng hợp các cách thức hoạt động của giáo viên và học viên nhằm thực hiện tối ưu mục đích, nhiệm vụ dạy học. Trong thực tế giảng dạy mỗi hình thức đều có ưu điểm và nhược điểm riêng cho nên để có sự lựa chọn và vận dụng phối hợp tốt nhất các hình thức giảng dạy, cần căn cứ vào mục

đích yêu cầu nội dung, đặc trưng từng môn học, căn cứ vào đặc điểm nhận thức, đặc điểm lứa tuổi người học, điều kiện cơ sở vật chất.

Như vậy, có thể hiểu, hình thức đào tạo nghề là phương thức, cách thức để thực hiện mục tiêu đào tạo nghề.

Đào tạo nghề cho người lao động ở mỗi địa phương khác nhau có những đặc điểm riêng biệt khác nhau. Vì vậy phương thức đào tạo cũng phải đa dạng, phong phú, tùy theo đối tượng, nhu cầu và điều kiện cụ thể để có hình thức đào tạo phù hợp. Hiện nay, có một số hình thức đào tạo được sử dụng nhiều đó là:

*Đào tạo tại trung tâm dạy nghề

Hầu hết các huyện, thị xã hiện nay đều có những trung tâm dạy nghề riêng và đang được quan tâm đầu tư kỹ lưỡng. Hình thức đào tạo nghề tại các trung tâm này thường có thời gian dài và thường từ ba tháng trở lên.

Các trung tâm này hiện đang được đầu tư từng bước đáp ứng được những yêu cầu mới đối với công tác đào tạo nghề cho người lao động như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại...

- Ưu điểm của hình thức: Đào tạo được một số lượng người lao động lớn; Cơ sở vật chất, trang thiết phục vụ cho quá trình giảng dạy thuận tiện, đầy đủ; Có điều kiện hơn trong việc thực hành.

- Nhược điểm của hình thức: Việc di chuyển đi lại của các học viên gặp nhiều khó khăn, chi phí đi lại, ăn ở lớn; Kinh phí đầu tư cho các trang thiết bị cao.

* Đào tạo tại cơ sở, khu dân cư

Đây là hình thức đào tạo mà các địa phương đang sử dụng đào tạo nghề cho người lao động thường xuyên nhất. Giáo viên từ các trung tâm nghề sẽ trực tiếp xuống thôn, bản giảng dạy lý thuyết và các kỹ năng cho học viên, hướng dẫn học viên từng mô hình cụ thể, từng cách làm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Hình thức đào tạo này là phổ biến nhất trong công tác đào tạo nghề cho người lao động của các địa phương. Tuy nhiên để hình thức này thực sự phát huy hiệu quả thì cần nâng cao nhận thức cho người lao động. Người dạy cần phải thật sự tập trung và truyền đạt kiến thức chậm dãi, tỉ mỉ và dễ hiểu. Có như thế, người lao động mới có thể tiếp thu một cách tốt nhất.

- Ưu điểm của hình thức này: Việc áp dụng lý thuyết và thực hành dễ dàng hơn; Tiết kiệm được chi phí, thuận tiện cho việc đi lại của học viên; Thu hút được lượng học viên tham gia đông đảo hơn.

- Nhược điểm của hình thức này: Thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề; Việc tiếp thu kiến thức không được trọn vẹn, vì đây thường là đào tạo ngắn hạn.

* Đào tạo tại các trường chính quy

Tổ chức đào tạo tại các trường nghề cần phải có bộ máy quản lý, đội ngũ giáo viên chuyên trách và cơ sở vật chất riêng cho đào tạo. Để nâng cao chất lượng của công tác đào tạo nghề, các trường phải đảm bảo các điều kiện sau:

+ Phải có kế hoạch, chương trình và giáo trình đào tạo đúng, đủ và phù hợp với ngành nghề đào tạo. Đối với các nghề phổ biến chương trình phải do Bộ Lao động - TBXH và Bộ Giáo dục - Đào tạo xây dựng ban hành. Chương trình đào tạo bao gồm hai phần: Lý thuyết và thực hành.

+ Phải có đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ, quan tâm và có trách nhiệm trong công việc đặc biệt là trong công tác đào tạo nghề.

+ Phải có đội ngũ giáo viên dạy nghề có đủ khả năng kinh nghiệm, chuyên môn, giảng dạy.

+ Các trang bị máy móc, thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập, các phòng thí nghiệm phải được đầu tư đầy đủ và hiện đại.

- Ưu điểm của hình thức này: Học viên được đào tạo một cách có hệ thống và bài bản; Tạo điều kiện cho việc phát triển tay nghề cao và có kiến thức chuyên sâu vững chắc hơn.

- Nhược điểm của hình thức này: Phải có bộ máy quản lý và đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên nghiệp nên chi phí đào tạo khá lớn; Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cần nhiều kinh phí.

* Đào tạo tại nơi làm việc:

Đây là hình thức đào tạo trực tiếp cho người lao động tại nơi làm việc của họ. Có thể là đào tạo cho cá nhân hoặc cho một nhóm công nhân lao động. Với việc đào tạo cho cá nhân, thì học viên học nghề được một công nhân có trình độ lành nghề cao hướng dẫn. Người hướng dẫn vừa sản xuất, vừa dạy nghề theo kế hoạch. Với việc đào tạo cho một nhóm người lao động, thì học viên học nghề được tổ chức thành từng tổ và phân công cho những công nhân dạy nghề, thoát ly sản xuất, chuyên trách hướng dẫn. Những công nhân dạy nghề phải có trình độ văn hoá, trình độ nghề nghiệp và có phương pháp sư phạm nhất định.

- Ưu điểm của hình thức này: Tiết kiệm chi phí đào tạo cho tổ chức; Học viên dễ dàng hơn trong việc thực hành; Thời gian đào tạo ngắn.

- Nhược điểm của hình thức này: Học viên không nắm được kiến thức từ thấp đến cao, học thiếu hệ thống khoa học; Nếu người dạy nghề không có trách nhiệm, thiếu kinh nghiệm, thì việc đào tạo này không có hiệu quả. Do đó kết quả học tập còn hạn chế.

* Đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp:

- Đối với những doanh nghiệp không có giáo viên chuyên trách về các ngành nghề phức tạp, cũng có thể là các ngành nghề riêng của doanh nghiệp, việc đào tạo trong sản xuất không đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. Do đó, các doanh nghiệp phải tổ chức các lớp đào tạo riêng cho mình. Nhằm mang lại những hiệu quả cao trong quá trình sản xuất. Hình thức đào tạo này không đòi hỏi phải có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật riêng, mà dựa vào những gì có sẵn trong doanh nghiệp. Chương trình đào tạo gồm hai phần:

+ Phần lý thuyết được giảng dạy tập chung do các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật phụ trách.

+ Phần thực hành được tiến hành ở các phân xưởng thực tập và trong các phân xưởng do các kỹ sư, công nhân lành nghề hướng dẫn.

- Ưu điểm của hình thức này: Học viên được học lý thuyết tương đối có hệ thống và được trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Tạo điều kiện phát triển và nâng cao tay nghề nhanh chóng; Thời gian đào tạo dài, số lượng đào tạo tương đối lớn nên có khả năng giải quyết nhu cầu cấp bách về công nhân kỹ thuật, lao động có trình độ mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần.

- Nhược điểm của hình thức này: Chỉ áp dụng được ở những doanh nghiệp quy mô tương đối lớn và chỉ đào tạo cho các doanh nghiệp cùng ngành có tính chất giống nhau.

Mỗi hình thức đào tạo đều có những ưu và nhược điểm riêng nên trong quá trình thực hiện đào tạo nghề cần lựa chọn và vận dụng kết hợp các hình thức với nhau. Giáo viên căn cứ vào mục đích, yêu cầu, nội dung, đặc trưng của từng môn học, khả năng nhận thức của người học và điều kiện cơ sở vật chất để lựa chọn hình thức phù hợp nhằm đạt được hiệu quả đào tạo nghề cao nhất.

Một phần của tài liệu Nguyen Thi Hong Van (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(121 trang)
w