Mục tiêu phát triển KT - XH của nước ta là đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình (tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 30% trong GDP, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 30% trong tổng số lao động xã hội). Mục tiêu mà nước ta đưa ra là thách thức to lớn đối với đào tạo nghề. Nó đòi hỏi đào tạo nghề phải luôn đi trước một bước để chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc phát triển.
Đào tạo nghề có chi phí đầu tư vốn lớn và thời gian thu hồi chậm nên để việc đào tạo đạt kết quả tốt cần có sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua nhà nước đã ban hành hành lang pháp lý về đào tạo nghề, đồng thời cũng có nhiều chính sách đầu tư cho lĩnh vực này để tạo điều kiện thuận lợi cho đào tạo nghề phát triển.
Để có cơ chế chính sách quản lý đào tạo nghề hợp lý, năm 2006 nước ta chính thức ban hành Bộ luật Dạy nghề. Đặc biệt sau khi gia nhập WTO năm 2007, nước ta đã triển khai rất nhiều dự án, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho đào tạo nghề đạt chất lượng cao. Ví dụ như dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo; dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia việc làm - dạy nghề giai đoạn 2012- 2015; dự án đổi mới và phát triển dạy nghề trọng điểm quốc gia, nghề điện công nghiệp giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; đào tạo nghề cho lao động các tỉnh, chính sách đối với người học nghề (miễn giảm học phí, cử tuyển, giới thiệu việc làm…)
Các cơ sở đào tạo nghề thường được nhà nước hỗ trợ kinh phí. Nhà nước cũng đưa ra các chính sách, các biện pháp để quản lý chặt chẽ các cơ sở đào tạo nghề. Điều đó tạo cho các cơ sở đào tạo nghề thuận lợi hơn về nguồn kinh phí đào tạo. Tuy nhiên việc phải hoạt động theo những quy định, quy
chế, các dự án của nhà nước cũng gây không ít khó khăn cho các cơ sở đào tạo nghề.