Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn tỉnh Sơn La (Trang 77 - 83)

2.4.2.1. Hạn chế

Tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng hoạt động quản lý đối với các tổ chức, chương trình, dự án TCVM của NHNN chi nhánh tỉnh Sơn La vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại; cụ thể:

Thứ nhất: Công tác QLNN đối với các tổ chức, chương trình, dự án TCVM của NHNN chi nhánh đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn gây ra tình trạng thụ động, chi nhánh vẫn chờ hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên. Do đó, các cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp thực hiện được rất ít, nếu tính 4 cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp so với 7 tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô thì chưa thanh tra, kiểm tra hết. Trong khi, qua 4 cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện ra rất nhiều sai phạm trong hoạt động. Bên cạnh đó, hoạt động của thanh tra chi nhánh còn chưa có sự chủ động, còn lệ thuộc lớn vào chương trình kế hoạch mà thiếu đi các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, cho nên đã bỏ sót nhiều tồn tại, sai phạm. Do vậy, trong thời gian tới NHNN chi nhánh cần phải nỗ lực hơn trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra trực tiếp đối với các tổ chức, chương trình, dự án TCVM.

Thứ hai: Đề cương thanh tra xây dựng còn quá rộng với rất nhiều nội dung trong khi thời gian thanh tra bị hạn chế (trong quyết định thanh tra thường từ 10 đến tối đa là 20 ngày). Do vậy các Đoàn thanh tra luôn bị sức ép về thời gian, làm ảnh hưởng tớí chất lượng kiểm tra, xem xét hồ sơ, xác minh, có một số vấn đề chưa đủ thời gian để làm rõ và xử lý dứt điểm.

Thứ ba: Trong việc thực hiện quy trình thanh tra đôi lúc vẫn chưa tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình thanh tra như: Chưa thực hiện đầy đủ bước khảo sát thu thập thông tin, tài liệu trước khi triến hành thanh tra, giai đoạn kết thúc thanh tra không tổ chức thông qua kết luận thanh tra mà chỉ thông qua dự thảo kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, khả năng phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm còn hạn chế; một số kết luận thanh tra còn chung chung, không cụ thể, không xác định rõ nguyên nhân sai phạm, chưa quy rõ trách nhiệm cho cá nhân, tập thể có liên quan. Có trường hợp

cán bộ thanh tra vì nể nang nên báo cáo, kết luận thanh tra không phản ánh hết tính chất, mức độ vi phạm. Việc xử lý các vi phạm thiếu kiến quyết, chưa thực hiện xử phạt vi phạm hành chính. Các kiến nghị xử lý yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện còn trừu tượng nên các đơn vị khó khăn trong việc thực hiện chỉnh sửa cũng như báo cáo kết quả chỉnh sửa, do vậy làm giảm hiệu lực của hoạt động thanh tra.

Thứ tư: Việc đưa ra dự báo, cảnh báo về các vấn đề rủi ro để giúp các tổ chức, chương trình, dự án TCVM có biện pháp phòng ngừa rủi ro còn hạn chế. Hiện nay, quá trình thanh tra mới chủ yếu là thanh tra tuân thủ (dựa trên đánh giá việc tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ của các tổ chức, chương trình, dự án TCVM), chưa phân tích, đánh giá những rủi ro tiềm ẩn mà các tổ chức, chương trình, dự án TCVM có thể gặp phải cũng như đánh giá về khả năng quản lý, ứng phó với các rủi ro của các tổ chức, chương trình, dự án TCVM. Do vậy, tác dụng cảnh báo sớm, ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra cho các tổ chức, chương trình, dự án TCVM chưa được phát huy.

Thứ năm: Việc theo dõi việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra chưa thống nhất: Có trường hợp giao cho Trưởng đoàn thanh tra hoặc thành viên trong đoàn thanh tra, có trường hợp lại giao cho cán bộ lưu trữ hồ sơ và chưa thường xuyên kiểm tra lại việc thực hiện của các đơn vị được thanh tra, có trường hợp giao cho cán bộ chuyên quản đơn vị. Việc mở sổ theo dõi việc thực hiện chỉnh sửa sau thanh tra của đơn vị chưa được tiến hành thường xuyên. Do vậy, có trường hợp đã quá thời hạn yêu cầu báo cáo chỉnh sửa sau thanh tra nhưng vẫn không đôn đốc, nhắc nhở đơn vị, có trường hợp đơn vị không thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng không được phát hiện kịp thời, do vậy làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, còn dẫn đến tình trạng lặp lại, tái phạm các lỗi đã được phát hiện tại các kỳ thanh tra, kiểm tra trước.

Thứ sáu: Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức TTGSNH chi nhánh còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu QLNN đối với các tổ chức, chương trình, dự án TCVM. Đội ngũ cán bộ công chức của NHNN chi nhánh được trang bị kiến thức về quản lý kinh tế ở tầm vĩ mô và vi mô, đặc biệt là kiến thức về QLNN hoạt động của các tổ chức, chương trình, dự án TCVM. Tuy nhiên, việc đào tạo kiến thức hiểu biết về các

tổ chức, chương trình, dự án TCVM còn hạn chế, đặc biệt là thiếu kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức của NHNN chi nhánh lại ít luân chuyển dẫn đến công việc được xử lý thiếu sáng tạo và luôn theo quy trình rập khuôn sẵn có của cán bộ thực hiện tác nghiệp trước để lại. Do đó, đội ngũ công chức làm thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu thực tế trong bối cảnh hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động của các tổ chức, chương trình, dự án TCVM nói riêng có sự thay đổi nhanh về nghiệp vụ, công nghệ và các nghiệp vụ mới phát sinh.

Thứ bảy: NHNN chi nhánh chưa phát huy hết vai trò, nhiệm vụ mà UBND tỉnh Sơn La giao cho trong việc phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các huyện/ thành phố trong việc phối hợp QLNN đối với các tổ chức, chương trình, dự án TCVM. Trong các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về xây dựng, phát triển, QLNN đối với các tổ chức, chương trình, dự án TCVM đã giao cho NHNN chi nhánh là đơn vị chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiên, đồng thời có giao cho NHNN chi nhánh đôn đốc, kiểm tra, giám sát các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên, NHNN chi nhánh vẫn còn nể nang, chưa làm hết trọng trách của mình.

2.4.2.2. Nguyên nhân những hạn chế, tồn tại

a. Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất: Công tác xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát còn dàn trải, mang tính chất định tính, thiếu định lượng nên các chỉ tiêu đưa ra thực hiện còn chung chung, nên dẫn đến việc tổ chức triển khai các nội dung công việc chưa đạt hiệu quả cao.

Thứ hai: Công tác điều hành tại NHNN chi nhánh ít thay đổi do mang tính kế thừa, còn xử lý công việc mang tính chất gia đình. Khối lượng công việc QLNN tại NHNN chi nhánh lớn, dàn trải nên khi tập trung xử lý vấn đề này thì các nhiệm vụ khác bị bỏ qua hoặc thiếu quan tâm.

Thứ ba: Công tác kiểm tra xử lý chưa nghiêm, chủ yếu chỉ đưa kiến nghị mà chưa xử phạt vi phạm nào; Kết thúc các cuộc thanh tra tại chỗ, kết quả thanh tra chưa được theo dõi thành hệ thống, giao cho bộ phận chuyên quản giám sát từ xa để

bổ trợ, phục vụ cho thanh tra tại chỗ. Thanh tra, giám sát chi nhánh chưa quan tâm đúng mức đến việc theo dõi việc thực hiện kiến nghị, chỉnh sửa sau thanh tra. Hiện nay, thanh tra chi nhánh chủ yếu chú trọng đến quá trình thanh tra trực tiếp tại đơn vị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất mà chưa đánh giá và quan tâm đúng mức đến việc theo dõi thực hiện các kiến nghị sau thanh tra. Do vậy, hoạt động này chưa được tiến hành thường xuyên và chưa có một quy định cụ thể, thống nhất và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, cá nhân có liên quan trong việc theo dõi, đôn đốc và kiểm tra các đơn vị trong việc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra. Từ đó làm giảm hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra.

Thứ tư: Đội ngũ cán bộ thanh tra tại NHNN chi nhánh tỉnh Sơn La còn mỏng, chưa nhuần nhuyễn về chuyên môn và thiếu chiều sâu kinh nghiệm thanh tra; Công tác tổ chức cán bộ còn nhiều hạn chế, công tác phân công, bố trí cán bộ thực hiện thanh tra, giám sát còn bất cập; công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và giao lưu học hỏi kinh nghiệm về hoạt động của các tổ chức, chương trình, dự án TCVM của chi nhánh còn hạn chế. Phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm của một số cá biệt cán bộ thanh tra còn hạn chế, chưa toàn tâm, toàn ý với công việc, còn nể nang, nương nhẹ với các đối tượng thanh tra. Trong một số cuộc thanh tra, cán bộ thanh tra phát hiện nhiều sai phạm nhưng bỏ qua hoặc không truy đến tận cùng nguyên nhân và xác định cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm dẫn đến các tổ chức, chương trình, dự án TCVM tiếp tục tái phạm.

b. Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất: Hoạt động quản lý nhà nước đối với tổ chức, chương trình, dự án TCVM đây là lĩnh vực quản lý mới đối với NHNN, các bộ, ngành, UBND có liên quan. Bên cạnh đó, trước đây liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều tổ chức có liên quan và chưa có đơn vị đầu mối chuyên trách để quản lý, do đó công tác QLNN đối với tổ chức, chương trình, dự án TCVM chưa được quan tâm. Công tác QLNN đối với tổ chức, chương trình, dự án TCVM mới được quan tâm và tăng cường quản lý những năm gần đây kể từ khi Luật các TCTD năm 2010 đi vào thực hiện quản lý tổ chức TCVM, Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg (áp dụng quản lý đối

với các chương trình, dự án TCVM của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức phi chính phủ từ 01/08/2017) và đã giao cho NHNN là đơn vị đầu mối quản lý chuyên trách. Tuy nhiên, để hoàn thiện cơ chế quản lý đối với tổ chức, chương trình, dự án TCVM phải mất nhiều thời gian mới đi vào quy củ được, điều này ảnh hưởng đến công tác QLNN đối với tổ chức, chương trình, dự án TCVM trên địa bàn của NHNN chi nhánh tỉnh Sơn La.

Thứ hai: Quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra ngân hàng chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ; một số quy định pháp luật về hoạt động thanh tra còn chưa phù hợp, như: Theo Quyết định 20/2017/QĐ-TTg giao cho NHNN thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các chương trình, dự án TCVM những lại không có chế tài để xử lý đối với những chương trình, dự án TCVM hoạt động nhưng không đăng ký hoạt động.

Thứ ba: Quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước còn đan xen, chồng chéo dẫn đến công tác QLNN của NHNN chi nhánh bị chi phối. Bên cạnh đó việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng môi trường pháp lý đồng bộ cho hoạt động và quản lý các tổ chức, chương trình, dự án TCVM bước đầu mới triển khai thực hiện còn chậm.

Thứ tư: Tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, chính sách của Nhà nước thường xuyên thay đổi nên công tác QLNN của NHNN chi nhánh cũng bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn.

Thứ năm: Cơ chế điều hành của NHNN còn chưa phù hợp, mang tính chất mệnh lệnh hành chính nên chưa khuyến khích cán bộ công chức làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế thích hợp để động viên, khuyến khích, phát huy lòng yêu nghề, tận tâm và có trách nhiệm đối với công việc của cán bộ thanh tra. Thanh tra là nghề đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh và phòng chống vi phạm, tiêu cực trong ngành ngân hàng, đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng diễn ra an toàn, hiệu quả. Thanh tra là một công việc khó khăn, phức tạp, thường xuyên phải va chạm với các đối tượng thanh tra. Do đó, phải xây dựng chế độ đãi ngộ đối với cán bộ thanh tra phù hợp để có được một lực lượng thanh tra có năng lực trình độ cao, có

phẩm chất đạo đức tốt.

Thứ sáu: Công tác đào tạo của NHNN Việt Nam đối với cán bộ làm công tác thanh tra tại chi nhánh chủ yếu đào tạo về thanh tra các ngân hàng thương mại, các Quỹ tín dụng nhân dân; chưa có những lớp đào tạo chuyên sâu về thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, chương trình, dự án TCVM. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo, phối kết hợp và đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Cơ quan thanh tra, giám sát NHNN Việt Nam với Thanh tra, giám sát chi nhánh còn chưa thường xuyên và thiếu chặt chẽ.

CHƯƠNG 3

GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN QUẢN LÝ CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN TÀI CHÍNH VI MÔ

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn tỉnh Sơn La (Trang 77 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w