Chứng minh trong giai đoạn điều tra VAHS là quá trình được hợp thành bởi các hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, trong đó thu thập chứng cứ là hoạt động đầu tiên. Cũng như giai đoạn điều tra vụ án hình sự là hoạt động đầu tiên của quá trình chứng minh vụ án hình sự, thì hoạt động thu thập chứng cứ cũng có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ quá trình chứng minh tội phạm trong giai đoạn điều tra. “Thu thập chứng cứ là hoạt động của chủ thể chứng minh phát hiện, thu giữ, bảo quản các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án theo các trình tự, thủ tục mà pháp luật tố tụng hình sự quy định” [34, tr218]. Việc thu thập chứng cứ được pháp luật TTHS quy định có nghĩa là các chủ thể tố tụng có thẩm quyền thu thập các loại nguồn chứng cứ hoặc thu thập ngay chính chứng cứ.
Nghiên cứu các vụ án CYGTT và gây tổn hại cho sức khỏe người khác cho thấy bên cạnh những điểm giống nhau thì đa số các vụ án có những biểu hiện khác nhau về thủ đoạn phạm tội, về chủ thể cũng như các tình tiết liên quan khác. Mỗi vụ án xảy ra ở những khoảng thời gian, địa điểm, động cơ mục đích, công cụ phương tiện, quy mô tính chất…khác nhau đều có những đặc điểm riêng. Hơn nữa, giữa hành vi phạm tội CYGTT và hành phạm tội giết người có nhiều điểm tương đồng, nếu không phân biệt rõ thì rất dễ định tội sai. Những đặc trưng riêng này chính là những dấu vết đặc thù của từng vụ án, là chứng cứ mà Cơ quan hoặc người có thẩm quyền THTT tìm cách thu thập để làm phương tiện chứng minh vụ án hình sự.
Muốn thu thập chứng cứ thì phải phát hiện được chứng cứ. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền THTT phải áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế khách quan của vụ án để tìm ra những sự vật, hiện tượng hay dấu vết, tài liệu đang tồn tại trong thế giới vật chất, được phản ảnh lại. Đặc biệt, đối với các vụ án CYGTT hoặc gây thương tích cho người khác, cần xác định những dấu vết thường liên quan đến loại tội phạm này như bị hại là ai, họ có yêu cầu khởi tố hay không, thương tích của họ ra sao, công cụ, phương tiện gây án, tính chất mực độ nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng…
Ngay sau khi phát hiện được nguồn chứng cứ và chứng cứ, phải nhanh chóng tiến hành thu giữ chứng cứ. Khi tiến hành thu giữ phải đảm bảo hợp pháp về nguồn và hợp pháp về biện pháp thu giữ được quy định trong BLTTHS. Bên cạnh đó, khithu giữ chứng cứ cũng cần đảm bảo khoa học, thận trọng, tỉ mỉ để không làm hư hại chứng cứ, làm giảm hoặc mất giá trị chứng minh.
những thông tin đã được phát hiện thể hiện vào những văn bản tố tụng phù hợp với quy định của pháp luật TTHS. Khi ghi nhận chứng cứ cũng phải lựa chọn, chỉ ghi nhận những gì có liên quan đến đối tượng chứng minh và có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, đồng thời, việc ghi nhận này phải đảm bảo cả về nội dung và hình thức của các văn bản tố tụng như biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản ghi lời khai, niêm phong vật chứng…Phải tôn trọng thuộc tính khách quan của chứng cứ, không được thêm bớt, ngụy tạo chứng cứ hay đánh giá theo ý chí chủ quan người phát hiện, thu giữ. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo giá trị chứng minh của chứng cứ thu thập được.
Bước cuối cùng của hoạt động thu thập chứng cứ là bảo quản chứng cứ. Hoạt động này nhằm bảo vệ, giữ gìn tính nguyên vẹn của chứng cứ, không để mất mát, hư hỏng, lẫn lộn hoặc đánh tráo…Bởi lẽ, có nhưng vụ án khi đã mất hoặc hư hỏng chứng cứ, thì sẽ không thể thu thập lại được những chứng cứ đó. Có thể nói, bảo quản chứng cứ chính là bảo quản giá trị chứng minh của chứng cứ. Để đảm bảo yêu cầu này, khi phát hiện, thu giữ và bảo quản chứng cứ phải hết sức thận trọng, khách quan, lựa chọn biện pháp, hình thức phù hợp với quy định của BLTTHS đối với mỗi loại chứng cứ.
Vậy: Thu thập chứng cứ trong quá trình chứng minh đối với điều tra vụ án CYGTT hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là hoạt động của CQĐT nhằm phát hiện, thu giữ, ghi nhận và bảo quản chứng cứ theo trình tự, thủ tục mà pháp luật tố tụng hình sự quy định và được tiến hành từ các hoạt động điều tra sau đây:
- Thu thập chứng cứ từ lời khai của bị can
- Thu thập chứng cứ từ lời khai của người làm chứng, người bị hại và những người khác
- Thu thập chứng cứ từ hoạt động đối chất, nhận dạng
- Thu thập chứng cứ từ hoạt động khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật
- Thu thập chứng cứ từ hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể và thực nghiệm điều tra
- Thu thập chứng cứ từ hoạt động trưng cầu giám định...