Điều kiện kinh tế

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN (Trang 45 - 46)

Tình hình phát triển kinh tế xã hội cơ bản vẫn thực hiện đạt các mục tiêu quy hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2016-2020 ước tăng bình quân 8,59%; GRDP bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm, đến năm 2020 ước đạt 46 triệu đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 75,14% năm 2015 lên khoảng 79,57% năm 2020; tỷ trọng nông lâm nghiệp thủy sản giảm từ 24,86% năm 2015 xuống còn khoảng 20,48% năm 2020. Mô hình tăng trưởng kinh tế bước đầu được chuyển đổi, ngoài phát triển theo chiều rộng, tỉnh đã tập trung cơ cấu lại các lĩnh vực chủ yếu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Về Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017- 2020, tỉnh Nghệ An tăng cường công tác chỉ đạo và thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mặc dù thường xuyên đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,5-4,6%.

Công nghiệp - xây dựng: Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2016-2020 ước đạt 15,2%, trong đó công nghiệp tăng 18,6% (mục tiêu đạt 17-18%), xây dựng tăng

10,04%/năm. Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch nhanh và đúng hướng. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng và giảm dần tỷ trọng ngành khai thác, chế biến khoáng sản. Đã xác định và tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2019 chiếm khoảng 70% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Các ngành công nghiệp đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp dệt may; khai thác khoáng sản; sản xuất và phân phối điện, nước đều có bước phát triển. Một số sản phẩm trọng điểm đạt khá so với đầu nhiệm kỳ (như xi măng, tôn, bia, sữa, hàng dệt may, gỗ MDF, gạch xây dựng các loại, điện, phân bón...).

Các ngành dịch vụ: Dịch vụ phát triển nhanh, đồng đều trên các lĩnh vực. Giá trị sản xuất dịch vụ bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng 7,47%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng bình quân 4 năm tăng 12,8%/năm. Lượng khách du lịch hàng năm tăng trên 10%. Kim ngạch xuất khẩu ước năm 2020 đạt 1.200 triệu USD (tăng 143,22% so với năm 2015). Một số mặt hàng xuất khẩu tăng khá như: dệt may, dăm gỗ, hạt phụ gia nhựa,....

Phát triển kinh tế biển: Kinh tế biển chuyển dịch đúng hướng và phát triển khá toàn diện, đang trở thành động lực phát triển kinh tế của toàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phát triển kinh tế biển đảo đã gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Công nghiệp chế biến hải sản, đóng mới và sửa chữa tàu biển, dịch vụ cảng và kho bãi phục vụ kinh tế biển phát triển khá. Nhiều ngành đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh như: du lịch biển; dịch vụ cảng, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN (Trang 45 - 46)