2. Phương pháp dạy học
2.2.2.2. Nhóm phương pháp dạy học trực quan
Nhóm phương pháp dạy học trực quan là nhóm phương pháp mà giáo viên huy động tối đa các giác quan của học sinh tham gia vào quá trình học tập, làm cho việc nhận thức trở nên cụ thể, dễ dàng và chính xác hơn.
Nhóm phương pháp này bao gồm: Phương pháp quan sát; Phương pháp minh họa; Phương pháp biểu diễn thí nghiệm.
* Phương pháp quan sát
- Định nghĩa: Là phương pháp giáo viên tổ chức cho học sinh tri giác có chủ định, có kế hoạch tiến trình và sự biến đổi của các sự vật, hiện tượng thực tế trong tự nhiên hay trong xã hội nhằm thu thập những sự kiện, hình thành những biểu tượng ban đầu về đối tượng của thế giới xung quanh.
- Các bước tổ chức cho học sinh quan sát. Gồm 3 bước:
Bước1: Chuẩn bị: Giáo viên cần có kế hoạch về những nội dung sau (thông báo cho học sinh):
- Đối tượng quan sát. - Thời gian quan sát. - Thời lượng quan sát.
- Nhiệm vụ học tập cụ thể của học sinh khi quan sát. - Hướng dẫn học sinh cách ghi chép.
- Chuẩn bị phương tiện (nếu cần). Bước 2: Tiến hành quan sát:
- Giáo viên giao nhiệm vụ học tập cho học sinh. - Hướng dẫn sự quan sát của học sinh.
- Kích thích suy nghĩ của học sinh bằng hệ thống các câu hỏi. - Học sinh quan sát, suy nghĩ, kết luận và ghi chép.
Bước 3: Kết thúc quan sát:
- Giáo viên tóm tắt các kết quả học tập đạt được qua quan sát. - Nhận xét thái độ làm việc của học sinh.
- Dặn dò - Yêu cầu:
+ Quan sát gắn liền với giải quyết các nhiệm vụ dạy học cụ thể, công tác chuẩn bị cần chu đáo, đảm bảo an toàn.
+ Hướng dẫn học sinh quan sát tích cực bằng nhiều giác quan, kết hợp với việc kích thích tư duy và hoạt động ngôn ngữ của học sinh trong quan sát. + Hướng dẫn học sinh ghi chép kết quả quan sát và có kết luận.
* Phương pháp minh họa
- Định nghĩa: Minh họa là phương pháp giáo viên sử dụng các phương tiện trực quan cho học sinh quan sát, tiếp xúc để làm thí dụ, dẫn chứng, chứng minh, giải thích làm rõ nội dung bài giảng, giúp học sinh hiểu chính xác các lý thuyết trừu tượng, phức tạp.
- Phương tiện trực quan bao gồm các phương tiện các vật thật, mô hình, sơ đồ, biểu đồ, tranh ảnh, băng hình ... cũng nhiều khi là các thao tác mẫu của giáo viên.
- Ưu điểm và hạn chế:
+ Ưu điểm: Phương pháp này gây hứng thú học tập, phát triển năng lực quan sát và nhanh hình thành được những biểu tượng mới trong đầu học sinh.
+ Hạn chế: Để thực hiện phương pháp này cần đầu tư về phương tiện, nếu lạm dụng nó có thể hạn chế việc phát triển tư duy trừu tượng, và trí tưởng tượng của học sinh.
- Yêu cầu thực hiện:
- Các phương tiện trực quan phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, thẩm mỹ. - Giáo viên cần chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ phương tiện khi thực hiện phương pháp này.
- Kết hợp với các phương pháp khác để dạy học, đặc biệt là các phương pháp dùng ngôn ngữ.
- Không được quá lạm dụng phương tiện trực quan để không gây ảnh hưởng đến phát triển trí tưởng tượng và tư duy trừu tượng của học sinh.
* Phương pháp biểu diễn thí nghiệm
- Định nghĩa: Phương pháp biểu diễn thí nghiệm là phương pháp giáo viên tiến hành các thí nghiệm khoa học để cho học sinh quan sát diễn biến của các sự kiện, phân tích và rút ra kết luận khoa học cần thiết.
Phương pháp biểu diễn thí nghiệm thường được sử dụng trong bài học kiến thức mới hoặc có thể sử dụng để củng cố, ôn tập kiến thức và thường được sử dụng trong các môn vật lý, sinh học, hóa học ...
Thực chất phương pháp biểu diễn thí nghiệm là một dạng cụ thể của phương pháp minh họa, là việc giáo viên minh họa cho học sinh hiểu những khái niệm trừu tượng bằng việc trực tiếp biểu diễn thí nghiệm để cho các em quan sát.
- Các bước thực hiện phương pháp biểu diễn thí nghiệm: + Bước 1: chuẩn bị:
- Giáo viên chuẩn bị các phương tiện, thiết bị, nguyên vật liệu thí nghiệm. Các phương tiện này phải đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn.
- Giáo viên làm thử thí nghiệm trước khi làm chính thức cho học sinh quan sát.
- Chuẩn bị cho hướng dẫn, định hướng và kích thích học sinh quan sát.
- Học sinh có thể nghiên cứu trước để tham gia tích cực vào quá trình biểu diễn thí nghiệm.
+ Bước 2: Tiến hành thí nghiệm:
Tiến hành thí nghiệm được thực hiện sao cho học sinh quan sát được rõ ràng, đầy đủ các hiện tượng xảy ra trong thí nghiệm. Trong quá trình làm thí nghiệm, giáo viên hướng dẫn học sinh chú ý vào các dấu hiệu, các quan hệ cơ bản của sự vật, hiện tượng, kích thích, định hướng tư duy học sinh bằng hệ thống câu hỏi. Học sinh quan sát, tư duy, giải thích và rút ra kết luận. Diễn biến thí nghiệm và kết luận khoa học được ghi chép tỉ mỉ, đầy đủ.
+ Bước 3: Kết thúc thí nghiệm:
Giáo viên cần nhấn mạnh lại các kết luận khoa học, các kết quả học tập đạt được; nhận xét và đánh giá thái độ làm việc của học sinh và làm rõ thêm những nội dung học sinh yêu cầu; dặn dò.
* Điểm mạnh và hạn chế của nhóm phương pháp dạy học trực quan - Điểm mạnh:
+ Huy động được nhiều giác quan của học sinh vào quá trình nhận thức, tạo điều kiện để dễ nhớ, nhớ lâu.
+ Làm phát triển năng lực chú ý, quan sát, óc tò mò khoa học của học sinh. + Giúp khẳng định có căn cứ các kết luận suy diễn và minh họa cho các kiến thức trừu tượng, khái quát, đồng thời có thể tạo ra tình huống có vấn đề và giải quyết vấn đề vì vậy góp phần phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh.
- Hạn chế:
+ Nếu sử dụng không khéo và lạm dụng sẽ gây mất thời giờ, dễ làm học sinh phân tán, mất tập trung vào các dấu hiện bản chất, thậm chí hạn chế sự phát triển năng lực tư duy trừu tượng của học sinh.
* Những yêu cầu cơ bản của việc sử dụng nhóm phương pháp dạy học trực quan - Sử dụng phương tiện dạy học trực quan phải phù hợp với mục đích, yêu cầu của tiết học.
- Các phương tiện trực quan phải đảm bảo tính khoa học, tức là phải phản ánh được chính xác nội dụng cơ bản của đối tượng nghiên cứu, giúp học sinh hiểu đúng về đối tượng đó. Ngoài ra còn phải đảm bảo tính thẩm mỹ, kinh tế…
- Phương tiện trực quan phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, dễ sử dụng và làm cho học sinh có điều kiện tiếp xúc bằng càng nhiều giác quan càng tốt.
- Sử dụng phương tiện trực quan đúng mức độ, đúng trình tự, đúng thời điểm và đúng vị trí.
- Sử dụng phương pháp này kết hợp hài hòa với các phương pháp khác như thuyết trình, vấn đáp … để tăng hiệu quả dạy học.
- Dạy học trực quan theo quan niệm rộng là không chỉ dừng lại ở việc cho học sinh quan sát đồ vật mà còn phải cho học sinh thao tác, làm việc với các đồ vật đó. Có như vậy kinh nghiệm cảm tính của học sinh về đối tượng mới đầy đủ, toàn diện và chính xác.