Nhóm phương pháp dạy học thực hành

Một phần của tài liệu GIÁO ÁN GIÁO DỤC HỌC (Trang 51 - 52)

2. Phương pháp dạy học

2.2.2.3. Nhóm phương pháp dạy học thực hành

Nhóm phương pháp dạy học thực hành là nhóm phương pháp giáo viên tổ chức cho học sinh luyện tập, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế và để giúp các em khắc sâu kiến thức đã học, tìm tòi kiến thức mới và mục tiêu quan trọng nhất là hình thành ở học sinh hệ thống kĩ năng, kĩ xảo theo mục tiêu dạy học.

Nhóm phương pháp này bao gồm các phương pháp cụ thể sau: - Phương pháp luyện tập;

- Phương pháp thực hành thí nghiệm;

* Phương pháp luyện tập

- Định nghĩa: Phương pháp luyện tập trong dạy học là phương pháp trong đó dưới sự chỉ dẫn của giáo viên, học sinh lặp đi lặp lại nhiều lần những hành động nhất định trong những hoàn cảnh khác nhau, nhằm hình thành và phát triển kỹ năng, kỹ xảo sau khi lĩnh hội kiến thức.

- Điểm mạnh và hạn chế của phương pháp luyện tập

+ Điểm mạnh: phát triển năng lực tư duy, hoạt động trí tuệ và hình thành kỹ năng, kỹ xảo cho học sinh. Đây là phương pháp thực hành, vì vậy giúp học sinh hiểu bài và nhớ lâu.

+ Hạn chế: Phương pháp này cần có nhiều thời gian. Nếu bài tập không vừa sức với học sinh sẽ không gây được hứng thú hoặc tạo sự căng thẳng quá mức cho học sinh.

- Những yêu cầu khi sử dụng phương pháp luyện tập

+ Luyện tập phải nhằm vào mục tiêu, yêu cầu nhất định, để có cách tổ chức luyện tập cho phù hợp.

+ Phải dạy và học lý thuyết trước khi luyện tập.

+ Các bài luyện tập phải đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ tái tạo đến sáng tạo.

+ Bài luyện tập phải vừa sức với học sinh.

* Phương pháp thực hành thí nghiệm

- Định nghĩa: Là phương pháp mà giáo viên tổ chức cho học sinh làm thí nghiệm (trên lớp, trong phòng thí nghiệm, vườn trường …) qua đó giúp học sinh lĩnh hội được kiến thức mới hoặc củng cố, vận dụng kiến thức đã học

- Phương pháp này thường được sử dụng trong các môn học đòi hỏi có thực nghiệm như vật lý, hóa học, sinh học. Phương pháp thí nghiệm có điểm mạnh là hình thành và rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học và các phẩm chất của nhà khoa học trong tương lai cho học sinh như tính cẩn thận, chính xác, trung thực, kỷ luật.

- Phương pháp này có thể thực hiện linh hoạt theo hình thức cá nhân hoặc nhóm, trong hoặc ngoài giờ lên lớp tùy theo điều kiện và hoàn cảnh.

- Phương pháp này đôi khi đòi hỏi thời gian dài để có được kết quả thí nghiệm. Thực hiện thí nghiệm cần phải có hệ thống trang thiết bị tương ứng, vì vậy những nơi không có điều kiện về vật chất sẽ khó thực hiện được.

- Yêu cầu khi tổ chức thí nghiệm phải đảm bảo an toàn, khoa học và kinh tế.

Một phần của tài liệu GIÁO ÁN GIÁO DỤC HỌC (Trang 51 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(70 trang)
w