Công tác kiểm tra, giám sát giữ vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”. Trong đó vai trò kiểm tra, giám sát của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đóng vai trò quyết định để đảm bảo cho công việc của
công dân được giải quyết nhanh chóng và cán bộ công chức thuộc quyền ý
thức được trách nhiệm được giao. Việc kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” như: tiếp nhận hồ sơ không đầy đủ thành phần, giấy tờ theo quy định, giải quyết hồ sơ trái quy định của pháp luật, giải quyết hồ sơ trễ
hẹn… Nghiêm cấm việc cơ quan, cán bộ công chức tự ý đặt ra các thủ tục
hành chính ngoài quy định gây phiền hà cho tổ chức, công dân. Khi phát hiện những trường hợp cụ thể cần phải chỉ đạo chấm dứt ngay, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để làm rõ và xử lý sai phạm.
Hàng năm, UBND thành phố phải có kế hoạch và tiến hành kiểm tra
thường xuyên hàng quý và đột xuất để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tiêu cực, cũng như thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”. Trong kiểm tra, giám sát cần kịp thời xác minh, làm rõ những trường hợp có dư luận phản ánh. Khi phát hiện cán bộ công chức nhũng nhiễu, hạch sách gây khó khăn cho dân phải kiên quyết xử lý và công khai việc xử lý nhằm tạo sự răn đe, phòng ngừa trường hợp tương tự. Thực hiện nghiêm việc
quy trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, không để những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước, hiệu quả của cơ chế mới và lòng tin của nhân dân.
Bên cạnh đó, cần phải tăng cường chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân ở địa phương đối với việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa ở cấp xã.
Ngoài các cơ quan nhà nước, một trong những nhân tố quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cải cách
hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” nói riêng, đó là vai trò của tổ chức, công dân, họ chính là đối tượng được phục vụ, còn cán bộ công chức là đối tượng phục vụ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tổ chức và công dân chưa nhận thức được vai trò và lợi ích của mình trong việc cải cách hành chính, chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình nên
không mạnh dạn đấu tranh, đóng góp ý kiến cho các cơ quan hành chính nhà nước nhằm cải tiến phương thức hoạt động, quản lý của đơn vị mình, giảm thiểu những phiền hà cho nhân dân, tránh tình trạng tham nhũng, cửa quyền của một bộ phận CBCC biến chất. Do đó, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật thường xuyên cho nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia giám sát, kiểm tra các hoạt động cải cách hành chính theo
mô hình nói trên của UBND các cấp theo hướng “dân biết, dân làm, dân bàn,
dân kiểm tra”. Đây chính là lực lượng giám sát chính quyền địa phương có hiệu quả nhất nếu biết khơi dậy tiềm năng này.