Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Quyền của người lập di chúc theo pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 59 - 66)

2.1.3.1. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng

Điều 671 BLDS 2005 quy định về di tặng như sau:

1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc;

2. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán

53

nghĩa vụ tài sản của người di tặng, thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.

Trước tiên bản chất của di tặng không phải là hợp đồng tặng cho, bởi vì: Hợp đồng tặng cho là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận [27, Điều 465]. Như vậy, chủ thể tặng cho và chủ thể được tặng cho đều còn sống và cả hai đều thể hiện ý chí tặng cho tài sản và nhận tặng cho tài sản. Nhưng di tặng chỉ phát sinh từ cơ sở định đoạt của người có di sản lập di chúc và người được chỉ định nhận di tặng khi người để lại di tặng chết. Người được di tặng chỉ có thể là một người hay nhiều người cụ thể, là người này mà không phải là người khác, tùy thuộc vào sự định đoạt của người có di sản lập di chúc. Trong quan hệ di tặng, thì việc di tặng là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc, không thể hiện ý chí của người được di tặng. Nếu như trong hợp đồng tặng cho thì hợp đồng được coi là hoàn thành khi người được tặng cho nhận được tài sản (đối với tài sản không phải đăng ký) hoặc kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu (đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu), thì trong di tặng quyền của người được di tặng chỉ phát sinh tại thời điểm mở thừa kế (khi người di tặng chết).

Người được di tặng có quyền nhận hoặc không nhận quyền hưởng di tặng. Trong thừa kế theo di chúc, người thừa kế theo di chúc chỉ được hưởng di sản sau khi đã thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại từ di sản. Người được di tặng không phải dùng tài sản được di tặng để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết nếu di sản khác của người để lại di tặng vẫn còn đủ để thanh toán. Nếu người được di tặng từ chối nhận di tặng, thì phần tài sản di tặng được chia thừa kế theo pháp luật.

54

Di tặng là việc người lập di chúc để lại một phần di sản của mình cho người được di tặng nên điều trước tiên có thể khẳng định được rằng số di sản dùng để di tặng không thể vượt quá phạm vi khối di sản của người chết để lại.

Một vấn đề mà hiện nay pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể là giới hạn tài sản mà người lập di chúc có thể để lại di tặng, pháp luật chỉ quy định chung chung “người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác”. Như vậy pháp luật chỉ ghi nhận quyền được di tặng tài sản của các cá nhân còn di tặng bao nhiêu thì hiện nay vẫn là một quy định mở. “Một phần” di sản để di tặng thì đương nhiên không thể là toàn bộ khối di sản nhưng giới hạn bao nhiêu thì pháp luật không quy định. Chính sự không rõ ràng này đã tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau. Tổng quát thì có hai cách hiểu phổ biến được đưa ra:

Thứ nhất, có thể hiểu “một phần di sản” không phải là tất cả di sản của người lập di chúc nhưng là bất kỳ bao nhiêu không giới hạn trong khối di sản. Ở đây quyền định đoạt tài sản để di tặng của người lập di chúc không bị hạn chế, chỉ cần không định đoạt toàn bộ di sản để di tặng. Người lập di chúc có thể tùy ý định đoạt tài sản để di tặng, có thể ấn định cụ thể một khoản tiền hoặc chỉ đích danh một vật cụ thể hay quyền tài sản nào đó hay chỉ định bất cứ bao nhiêu trong khối di sản của họ để di tặng.

Thứ hai, một phần di sản bị giới hạn trong phạm vi khối di sản, nếu khối di sản được chia thành 2 hay nhiều phần thì chỉ được dùng một phần đó để di tặng, phần còn lại chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Như vậy, với quy định “một phần di sản” cũng có nhiều quan điểm khác nhau nó có thể là 1/2,1/3,1/4 hay 1/5..

Do đó, vấn đề ở đây là cần có một quy định chung về giới hạn của tài sản di tặng để tạo sự thống nhất trong cách hiểu cũng như áp dụng.

55

2.1.3.2. Dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng

Thờ cúng tổ tiên là phong tục rất xa xưa của người Việt và hiện nay vẫn được coi trọng. Việc thờ cúng tổ tiên được thực hiện trên cơ sở của quan niệm mang tính chất đạo đức và văn hóa: Tôn trọng và biết ơn công sinh thành, dưỡng dục, con người có nguồn cội, tổ tông vì vậy con, cháu phải tôn trọng và biết ơn những thế hệ cha ông đã sinh ra mình. Thờ cúng tổ tiên, di sản thờ cúng có ý nghĩa quan trọng, nó không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn có giá trị về mặt tinh thần. Vì vậy, đối với di sản dùng vào việc thờ cúng có những quy ước rất chặt chẽ của gia đình, dòng tộc, đồng thời Nhà nước cũng có những quy định pháp luật cụ thể công nhận và bảo vệ quyền của cá nhân được để lại di sản dùng vào việc thờ cúng.

Điều 670 BLDS 2005 quy định:

“1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.

Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán toàn bộ nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.

56

cá nhân có quyền để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Ý nguyện thật sự của người để lại di sản thờ cúng là phần di sản đó phải được những người về sau này lưu giữ mãi mãi, truyền từ đời này qua đời khác, những người thừa kế chỉ thay nhau quản lý để phục vụ cho công việc thờ tự. Phỏng đoán theo ý chí truyền thống, pháp luật nước ta quy định: Phần di sản dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế.

Theo nguyên tắc quyền tự do của người lập di chúc, người để lại di chúc có thể chỉ định bất cứ người nào do mình muốn để quản lý di sản mà mình lập ra, và thông thường, khi người lập di chúc có ý định để lại di sản thờ cúng thì họ đều xác định ai là người quản lý di sản để thực hiện việc thờ cúng. Tuy nhiên, pháp luật vẫn phải dự liệu những trường hợp vì lý do nào đó mà trong di chúc không xác định điều này. Trong trường hợp này thì người quản lý di sản thờ cúng là ai? Do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

Thông thường theo phong tục tập quán từ xa xưa cho đến nay thì người quản lý di sản thường là một trong những người sau: Con trai trưởng (trưởng nam), con cả của người trưởng nam (đích tôn), em trai, con trai của em trai của người chết…Tuy nhiên, pháp luật hiện nay không quy định người quản lý di sản buộc phải là người nói trên, họ có thể là một người bất kỳ mà người lập di chúc chỉ định rõ trong di chúc hoặc nếu người lập di chúc chỉ nói về dành một phần di sản vào thờ cúng mà không chỉ rõ ai là người thực hiện quản lý di sản thờ cúng đó thì người đó do những người thừa kế cử ra.

Mặt khác, quyền để lại di sản thờ cúng còn bao gồm cả việc xác định nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng như thế nào trong việc thờ cúng. Nếu trong di chúc đã xác định công việc thờ cúng mà người quản lý di sản không tuân theo sẽ bị những người thừa kế khác lấy lại di sản thờ cúng giao cho người khác để người đó trực tiếp quản lý thực hiện việc thờ cúng [28, tr.196-197].

57

Giống như di tặng, pháp luật quy định người lập di chúc có quyền để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Nhưng một phần ở đây là bao nhiêu thì pháp luật cũng không quy định. Nếu tìm hiểu ở luật cũ Việt Nam, chúng ta thấy rằng, tỷ lệ phần di sản dùng vào việc thờ cũng được quy định rất cụ thể: Theo luật nhà Lê, hương hỏa không được quá 1/20 gia tài và nếu hương hỏa được truyền tiếp từ đời nọ sang đời kia thì hương hỏa sẵn có sẽ đem cộng vào với gia tài của người ăn hương hỏa để tính lấy 1/20 làm mức tối đa cho hương hỏa.

Trong Bộ dân luật Bắc Kỳ, tại Điều 938 có quy định: “Phàm hương hỏa không được quá một phần năm giá trị tài sản của người lập hương hỏa, dù số người thừa kế là bao nhiêu mặc lòng” [3].

Tương tự như điều luật trên, Điều 406 Bộ dân luật Trung Kỳ cũng quy định: “Phần gia tài lập thành hương hỏa trong mỗi trường hợp, dù số thừa kế là bao nhiêu nữa, cũng không quá một phần năm giá trị của cải của người lập hương hỏa” [4]. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Điều thứ 605 Bộ dân luật 1972 quy định: “Phần hương hỏa không bao giờ được quá giới hạn một phần năm tổng số tài sản của người thành lập, mà cũng không được quá giới hạn diện tích tối đa theo luật định. Nếu ngoài hương hỏa còn có được thiết lập các tư sản khác như kỵ điền, hậu điền, thì sự giới hạn trên phải được áp dụng cho tất cả các thứ tư sản hợp lại”; Điều thứ 606 Bộ dân luật 1972 quy định: “Quá giới hạn kể trên, hương hỏa có thể bị giảm thiểu cho vừa tới mức cho phép, theo lời yêu cầu của các thừa kế và chủ nợ của người này”.

Trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của người lập di chúc, pháp luật nước ta cho phép người đó dành một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng và cũng không cần quy định cụ thể “phần” đó là tỷ lệ bao nhiêu so với giá trị khối tài sản. Tuy nhiên, “phần” đó phải nằm trong phạm vi giới hạn

58

mà pháp luật quy định theo khoản 2 Điều 637 BLDS 2005 và Điều 669 BLDS 2005.

Pháp luật không quy định loại tài sản nào được dùng vào việc thờ cúng mà Điều 670 BLDS 2005 quy định người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Như vậy, tài sản theo quy định tại Điều 163 BLDS 2005 đều là đối tượng dùng vào việc thờ cúng. Về ngữ nghĩa của hai nhóm từ được dùng trong điều luật và nhóm từ thường được dùng trong cuộc sống cần phải được hiểu đúng. Di sản dùng vào việc thờ cúng và di sản dùng để thờ cúng được hiểu rất khác nhau.

Di sản dùng vào việc thờ cúng được hiểu là tài sản được dùng vào mục đích thờ cúng. Tài sản này không nên hiểu theo nghĩa cơ học của chính nó mà phải hiểu bản chất tài sản, có chứa đựng bản chất giá trị tài sản dùng vào việc thờ cúng. Như vậy, di sản dùng vào việc thờ cúng trước hết là tài sản, tài sản này xét về giá trị phục vụ cho mục đích thờ cúng. Loại tài sản dùng vào việc thờ cúng không đồng nhất về cơ cấu hóa, lý, sinh nhưng đồng nhất về mặt tài sản được dùng với mục đích thờ cúng.

Di sản dùng để thờ cúng: Nếu hiểu theo nghĩa vật chất của tài sản thì không phải vật nào cũng được dùng để thờ cúng. Vật (tài sản) được dùng để thờ cúng là vật được sử dụng trực tiếp để thờ cúng. Mâm cỗ, hoa, quả, rượu, nước, hương (nhang), nến, câu đối, lục bình, chân dung (ảnh) của những người đã chết, bàn thờ… Còn những tài sản tồn tại dưới dạng vật chất cụ thể khác không thể đặt lên bàn thờ để thờ cúng như xe hơi, xe mô tô, quyền sử dụng đất, quyền tác giả các sản phẩm thuộc quyền sở hữu trí tuệ, quyền đòi bồi thường thiệt hại, quyền đòi nợ, quyền hưởng khoản tiền bảo hiểm…

Như vậy, di sản dùng vào việc thờ cúng và di sản dùng để thờ cúng rất khác nhau. Di sản dùng vào việc thờ cúng là tài sản, do vậy xe hơi, xe môtô, con trâu, máy cày, quyền sử dụng đất, quyền tài sản là thành phần của di sản

59

dùng vào việc thờ cúng nhưng chúng không phải là di sản được dùng trực tiếp để thờ cúng mà phải quy đổi giá trị để mua sắm lễ vật dùng để thờ cúng theo tôn giáo, theo phong tục.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Quyền của người lập di chúc theo pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 59 - 66)