Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Quyền của người lập di chúc theo pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 69 - 73)

chia di sản

2.1.5.1. Chỉ định người giữ di chúc

Pháp luật quy định công dân có quyền lập di chúc, đồng thời pháp luật cũng cho phép người lập di chúc có quyền chỉ định người giữ di chúc. Người giữ di chúc có thể là một cá nhân, một công dân cụ thể, nhưng cũng có thể là công chứng nhà nước.

Theo Điều 665 BLDS 2005 quy định về gửi giữ di chúc thì người lập di chúc có thể yêu cầu cơ quan công chứng lưu giữ hoặc người khác giữ bản di chúc:

Nếu di chúc được gửi giữ tại công chứng nhà nước thì việc bảo quản, giữ gìn, công bố di chúc phải theo đúng quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về công chứng. Khi nhận giữ di chúc, công chứng viên phải lập hai bản có nội dung như nhau, một bản giao cho người lập di chúc và một bản lưu tại Phòng công chứng nhà nước. Trong trường hợp bản di chúc được lưu giữ tại công chứng nhà nước, thì công chứng viên là người công bố di chúc. Việc công bố di chúc phải có biên bản. Sau thời điểm mở thừa kế, công chứng viên phải gửi bản sao di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc. Bản sao di chúc này phải có chứng nhận của công chứng viên.

Đối với cá nhân giữ bản di chúc có các nghĩa vụ: + Giữ bí mật nội dung di chúc;

+ Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc;

+ Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Đồng thời, việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của hai người làm chứng [27, Điều 665].

63

Nếu người giữ di chúc đồng thời được người lập di chúc chỉ định là người công bố di chúc thì khi người lập di chúc chết, người đó phải công bố di chúc trước những người thừa kế theo thủ tục như trường hợp cơ quan công chứng là người công bố di chúc.

2.1.5.2. Chỉ định người quản lý di sản

Quản lý di sản là hành vi của một hoặc nhiều người với mục đích nhằm giữ gìn giá trị sử dụng của di sản, bảo vệ sự tồn tại của di sản, tránh việc di sản bị mất, hư hỏng. Trên nguyên tắc tôn trọng quyền định đoạt của chủ sở hữu tài sản, chỉ định người quản lý di sản là một loại quyền của người lập di chúc được pháp luật ghi nhận. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Người lập di chúc có quyền chỉ định bất cứ người nào quản lý di sản mà không phụ thuộc vào việc người quản lý di sản có phải là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc hay không. Việc chỉ định người quản lý di sản hoàn toàn do ý chí của người lập di chúc quyết định. Trường hợp trong di chúc không chỉ định người quản lý di sản thì người quản lý di sản sẽ được xác định như sau:

- Người quản lý di sản là người được những người thừa kế cùng thỏa thuận cử ra để quản lý di sản trong thời gian di sản chưa được chia;

- Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế không cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản;

- Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý [ 27, Điều 638].

64

- Đối với người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra có quyền đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế và được hưởng thù lao theo thỏa thuận với người thừa kế.

Đồng thời có nghĩa vụ:

+ Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

+ Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;

+ Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

+ Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại; + Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế;

Nếu người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản theo quy định tại khoản 2 Điều 639 BLDS 2005 có các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ như:

+ Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác;

+ Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

+ Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại; + Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế [27, Điều 639].

Đồng thời với những nghĩa vụ trên, người quản lý di sản có quyền được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế và được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế.

65

2.1.5.3 Chỉ định người phân chia di sản

Ngoài việc chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản người lập di chúc còn có quyền chỉ định người phân chia di sản. Người phân chia di sản là người nào đó bất kỳ, không bó hẹp trong phạm vi những người được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Điều 682 BLDS 2005 quy định về người phân chia di sản:

1.Người phân chia di sản có thể đồng thời là người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc hoặc được những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

2.Người phân chia di sản phải chia di sản theo đúng di chúc hoặc đúng thỏa thuận của những người thừa kế theo pháp luật.

3. Người phân chia di sản được hưởng thù lao, nếu người để lại di sản cho phép trong di chúc hoặc những người thừa kế có thỏa thuận.

Thông thường, khi xác định ai quản lý di sản thì người lập di chúc cũng chỉ định luôn người đó phân chia tài sản. Tuy nhiên, cũng có thể người lập di chúc chỉ định hai người khác nhau để mỗi người thực hiện một trong hai công việc nói trên. Người phân chia di sản cũng có thể do những người thừa kế cử ra, trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không chỉ định người phân chia di sản. Dù là ai thì người phân chia di sản đều là người đứng ra phân chia di sản khi người để lại di chúc chết.

Người phân chia di sản có nghĩa vụ phải phân chia di sản theo đúng ý chí của người lập di chúc. Nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế, thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật, thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác, thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường

66

thiệt hại. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản, thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản [27, Điều 684]. Trong trường hợp di chúc không định đoạt toàn bộ di sản thì việc phân chia phần di sản còn lại người để lại di sản đã xác định trong di chúc. Trong trường hợp di chúc không xác định điều này thì người phân chia di sản có thể được hưởng thù lao theo sự thỏa thuận của những người thừa kế.

Theo pháp luật dân sự Nhật Bản và pháp luật dân sự Pháp thì người lập di chúc có quyền chỉ định một hoặc nhiều người thực hiện di chúc, trong đó có phân chia di sản (Điều 1006, Điều 1007 Bộ luật dân sự Nhật Bản, Điều 1025, Điều 1026 Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp). Pháp luật dân sự của Pháp còn quy định: “Người chưa thành niên không được là người thực hiện di chúc dù người giám hộ hay người quản tài của họ cho phép” [7, Điều 1030].

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật học: Quyền của người lập di chúc theo pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 69 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)