Như đã phân tích tại phần 2.1.4 mục 2.1 chương 2 về quyền của người lập di chúc trong việc giao nghĩa vụ cho người thừa kế. Theo đó, người lập di chúc bên cạnh quyền cho những người thừa kế của mình được hưởng di sản thì cũng có quyền giao cho họ thực hiện một số nghĩa vụ nhất định mà trước khi chết người lập di chúc chưa thực hiện được như: Nghĩa vụ trả nợ, bồi thường thiệt hại… Người lập di chúc có toàn quyền quyết định trong việc giao nghĩa vụ cho người thừa kế mà không phải hỏi ý kiến của bất kỳ ai, có quyền phân định cho người thừa kế này nhiều di sản hơn người thừa kế kia, nhưng lại giao cho người thừa kế kia nghĩa vụ nhiều hơn…
Điều 636 BLDS 2005 quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”. Như vậy, đi kèm với quyền được hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật thì người thừa kế còn phải thực hiện những nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản nếu có. Khoản 4 Điều 648 BLDS 2005 quy định người lập di chúc có quyền “giao nghĩa vụ cho người thừa kế” nên nếu người lập di chúc giao cho một người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản thì người được chỉ định này là người thực hiện nghĩa vụ tài sản (khi chấp nhận di sản).
79
Tuy nhiên, không phải cứ người lập di chúc thể hiện ý chí của mình chỉ định một người nào đó thực hiện các nghĩa vụ thay mình mà trước khi chết họ vẫn chưa thực hiện được thì những người thừa kế của họ sẽ phải thực hiện theo đúng sự chỉ định đó mà theo Điều 637 BLDS 2005 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại thì “những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Như vậy, ngay cả trong trường hợp người lập di chúc giao nghĩa vụ cho người thừa kế thì người thừa kế cũng không phải thực hiện nghĩa vụ đó, nếu nghĩa vụ tài sản đó vượt quá phạm vi di sản mà họ được nhận trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Ví dụ: Ông A lập di chúc để định đoạt khối tài sản của mình trị giá 120 triệu đồng như sau: Cho B hưởng 30 triệu, C hưởng 30 triệu, D hưởng 60 triệu. Khi ông A chết còn nợ của người khác một khoản tiền là 45 triệu đồng. Ông giao cho B phải thay ông trả khoản nợ đó. Như vậy, mặc dù ông A giao cho B phải thực hiện nghĩa vụ là trả khoản tiền 45 triệu nhưng thực tế B chỉ trả 30 triệu tương ứng với số tiền mình đã nhận thừa kế. Ngoài 30 triệu khoản nợ vẫn còn lại 15 triệu đồng. Khoản nợ này do C và D cùng phải thực hiện nhưng tương ứng với phần di sản mà mỗi người được hưởng. Vì vậy, C = 30 triệu - 5 triệu còn 25 triệu, D = 60 triệu - 10 triệu còn 50 triệu
Do đó, quyền của người lập di chúc trong việc giao nghĩa vụ cho người thừa kế sẽ bị giới hạn: Trong trường hợp người lập di chúc giao nghĩa vụ cho người thừa kế tương ứng với phần di sản mà những người thừa kế được hưởng thì họ có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ đó. Tuy nhiên, nếu người lập di chúc lại định đoạt trong di chúc giao nghĩa vụ cho người thừa kế lớn hơn phần di sản họ được nhận thì những người thừa kế không có trách nhiệm phải thực hiện phần nghĩa vụ vượt quá mà họ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người lập di chúc để lại. Phần di sản vượt quá có
80
thể được những người thừa kế thỏa thuận với nhau ai sẽ trả, hoặc chia đều phần nghĩa vụ vượt quá cho mỗi người thừa kế tương ứng với số di sản mà họ được nhận.