Pháp luật quy định người để lại di sản có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp người lập di chúc không chỉ định đoạt tài sản của mình mà còn định đoạt cả khối tài sản chung theo phần giữa họ với người khác trong đó phần lớn là định đoạt cả phần tài sản của vợ hoặc chồng.
Ngoài các tài sản riêng, tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng, cá nhân còn có phần tài sản trong sở hữu chung theo phần với người khác. Họ chỉ được định đoạt phần quyền của mình trong khối tài sản chung mà không được định đoạt toàn bộ tài sản. Vì thế, nếu họ định đoạt toàn bộ khối tài sản đó nghĩa là đã định đoạt cả tài sản của người khác nên đương nhiên sẽ xảy ra tranh chấp giữa các đồng chủ sở hữu còn lại với người thừa kế của người đã chết. Ngoài ra, nếu tài sản mà người lập di chúc dùng để thiết lập quyền sở hữu chung theo phần với người khác là lấy từ tài sản chung của vợ chồng nhưng họ lại định đoạt toàn bộ phần tài sản đó cho người thừa kế theo di chúc thì người đối ngẫu còn lại sẽ khởi kiện để yêu cầu sở hữu một nửa phần tài sản đó.
Do người lập di chúc đã định đoạt các tài sản mà mình đang thuê, mượn của người khác.
98
Trong thực tế, có nhiều trường hợp trước khi chết người đang thuê, mượn hoặc ở nhờ nhà của người khác lập di chúc cho con của mình hưởng thừa kế ngôi nhà đó, nhất là đối với những nhà đang thuê là nhà của Nhà nước hoặc của tập thể. Chủ sở hữu nhà ở khởi kiện đòi lại nhà từ người thừa kế đang chiếm hữu quản lý ngôi nhà đó. Thực chất đây là tranh chấp về nhà ở nên cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng các quy định của pháp luật. Tuy vậy, cơ quan này vẫn phải xem xét để tuyên bố phần di chúc liên quan đến ngôi nhà đó là không có hiệu lực pháp luật.
Trong những trường hợp nói trên đương nhiên người có tài sản đã bị định đoạt sẽ khởi kiện để yêu cầu Tòa án xác định phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình và tài sản đó sẽ được tách ra để trả lại cho người có tài sản. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của một số người thừa kế theo di chúc và đương nhiên sẽ xảy ra tranh chấp giữa họ với nhau. Chúng ta thấy rằng, nếu trong di chúc không có sự phân định tài sản một cách cụ thể cho từng người thừa kế thì sau khi tách phần tài sản của người khác ra, những người thừa kế theo di chúc sẽ hưởng ngang phần như đối với khối di sản còn lại nên trong trường hợp này sẽ không có tranh chấp. Tuy nhiên, nếu người lập di chúc đã định đoạt cho mỗi người thừa kế được hưởng một loại tài sản cụ thể thì vấn đề này sẽ trở nên hết sức phức tạp. Chẳng hạn, nếu người lập di chúc đã xác định: cho người thừa kế thứ nhất hưởng một ngôi nhà, người thứ hai cũng được hưởng một ngôi nhà, người thứ ba hưởng các tài sản khác còn lại. Nhưng trong đó ngôi nhà mà người thừa kế thứ nhất được hưởng là nhà mà người lập di chúc thuê của người khác. Trong trường hợp này dứt khoát sẽ có tranh chấp giữa người thừa kế thứ nhất với những người thừa kế khác. Nếu có tranh chấp xảy ra thì có thể xác định ngôi nhà đó “là tài sản không còn vào thời điểm mở thừa kế” để giải quyết tranh chấp đó theo tình trạng hiệu lực của di chúc được không? Chúng tôi thấy rằng, vướng mắc này cần phải được tháo gỡ.
99
Ví dụ về tranh chấp do người lập di chúc đã định đoạt cả tài sản của người khác.
Bản án số 02/DSST của Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì đã xét xử việc tranh chấp chia thừa kế giữa nguyên đơn là bà Chử Thị Thơm, 71 tuổi với bị đơn là anh Đặng Văn Hùng, 44 tuổi.
Nội dung vụ kiện được tóm tắt như sau:
Vợ chồng hai cụ Đặng Đình Văn và Nguyễn Thị Quỳ sinh được ba người con là: bà Đặng Thị Khuyên, ông Đặng Đình Viên và bà Đặng Thị Tý. Cụ Văn chết năm 1945 không để lại di chúc, cụ Quỳ chết năm 2000 có di chúc để lại toàn bộ tài sản cho anh Đặng Văn Hùng. Di chúc của cụ Quỳ được lập ngày 24/06/1999. Diện tích nhà đất hiện nay đang tranh chấp có nguồn gốc là của bố mẹ cụ Quỳ để lại cho vợ chồng cụ Quỳ, trên có một nhà ba gian tranh tre mái lá. Năm 1950 ông Viên kết hôn với bà Thơm và hai vợ chồng chung sống với cụ Quỳ tại diện tích đất nói trên. Quá trình ở cùng cụ Quỳ, vợ chồng ông Viên đã cùng cụ Quỳ xây dựng lại ba gian nhà tranh tre thành 5 gian nhà cấp 4 xây gạch lợp ngói như hiện nay. Do đó diện tích nhà đất đang tranh chấp được xác định là tài sản chung của vợ chồng cụ Văn và cụ Quỳ. Bà Thơm yêu cầu xin chia thừa kế di sản mà vợ chồng cụ Văn và cụ Quỳ để lại vì cho rằng cụ Quỳ không có quyền định đoạt bằng di chúc cả phần di sản của cụ Văn. Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu xin chia thừa kế của bà Chử Thị Thơm và quyết định:
Tách phần di sản của cụ Văn trong khối tài sản chung của cụ với cụ Quỳ. Phần di sản này được chia theo luật.
Xác định ông Đặng Đình Viên mất năm 1998 và chia thừa kế theo luật đối với di sản của ông Viên.
Xác định cụ Quỳ mất năm 2000 và chia thừa kế theo di chúc đối với phần di sản của cụ Quỳ cho anh Đặng Văn Hùng.
100
Anh Đặng Văn Hùng làm đơn kháng cáo không đồng ý chia thừa kế nhà đất hiện nay anh đang ở vì khi còn sống cụ Quỳ đã viết di chúc để lại cho anh toàn bộ nhà đất nói trên.
Vụ án trên đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử lại theo trình tự phúc thẩm. Trong bản án số 78/DSPT, Hội đồng xét xử cũng đã xác định việc cụ Quỳ lập di chúc định đoạt toàn bộ tài sản (trong đó có cả phần tài sản của cụ Văn) là không đúng pháp luật. Nên di chúc của cụ Quỳ chỉ được chấp nhận một phần. Di sản của cụ Quỳ trị giá 17.392.817 đồng được chia theo di chúc cho anh Hùng được hưởng.