Trung Quốc là nước có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp rất mạnh mẽ gắn liền với cải cách kinh tế. Trung Quốc thực hiện các chính sách cải cách trong nông nghiệp như chính sách khoán hộ, tách quyền sở hữu ruộng đất với quyền kinh doanh, xóa bỏ chế độ Nhà nước độc quyền thu mua nông sản, thực hiện chính sách hai giá, khuyến khích các doanh nghiệp tăng sản lượng để bán ra thị trường, cải cách chế độ thuế để chia sẻ thu nhập giữa Trung ương và địa phương, cải cách pháp lý cho kinh tế thị trường phát triển.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng được diễn ra mạnh mẽ ở vùng ven đô thị. Tại các đô thị Trung Quốc, xu hướng chuyển đất canh tác thành vường cây lâu năm và ao cá khá phát triển, ao cá chiếm khoảng 3,5% và vườn chiếm khoảng 4,5% diện tích đất nông nghiệp đô thị. Tổng diện tích ao và vườn chiếm khoảng 11% diện tích ở các đô thị cấp I và 7% ở các đô thị cấp II. Vai trò của vườn và ao khá quan trọng trong nông nghiệp đô thị của Trung Quốc vì khả năng cho thu nhập cao trên đơn vị diện tích so với cây lương thực. Diện tích trồng rau trong nông nghiệp đô thị cũng lớn hơn, sử dụng lao động thâm canh hơn và cho năng suất cao hơn so với cây trồng khác. Ở ngoại thành các thành phố lớn (như Thượng Hải), không có trang trại chăn nuôi trâu, bò, cừu vì vấn đề ô nhiễm môi trường, nhưng có nhiều trang trại nuôi lợn nhỏ, với quy mô nhiều nhất khoảng 10 con/hộ. Tuy nhiên, cho đến nay xu hướng phát triển chăn nuôi lợn ở Thượng Hải cũng giảm đi khá nhiều vì các nguyên nhân như chi phí cao về giống, cạnh tranh, sự thu hẹp diện tích đất đai do quá trình đô thị hóa và vấn đề ô nhiễm môi trường. Đối với chăn nuôi gia cầm ở Thượng Hải có khoảng 500 trang trại với khoảng 16
triệu con. Sự tiến bộ về giống trong chăn nuoi gia cầm được áp dụng rộng rãi ở Thượng Hải, đặc biệt trong các hộ nông dân và công ty tư nhân.