Quan điểm, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Thạc sĩ kinh tế chính trị-Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế xanh và phát triển bền vững (Trang 82 - 86)

phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

3.1.1. Quan điểm

Về mặt chủ trương, Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch. Hội nghị Trung ương 3 khóa XI tiếp tục nhấn mạnh về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đây là những định hướng chiến lược cho tái cấu trúc mô hình tăng trưởng gắn với phát triển kinh tế xanh.

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngày 25-9-2012 Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến 2020 và tầm nhìn 2050 tập trung vào ba vấn đề cốt lõi: giảm phát thải khí nhà kính (được chia làm ba giai đoạn thực hiện: 2011 - 2020 giảm 8% - 10% so với 2010, đến năm 2030 giảm phát thải từ 1,5% - 2% mỗi năm và đến 2050 giảm từ 1,5% - 2% mỗi năm); xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Chiến lược đã đưa ra 17 giải pháp thực hiện nằm dưới sự chỉ đạo của ban điều phối triển khai chiến lược, trực thuộc Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu. Như thế, về mặt chủ trương cũng như chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được ban hành.

Để phát triển bền vững nền nông nghiệp, trong năm 2015 và những năm tới, cần thực hiện một số mục tiêu và giải pháp đột phá sau đây:

Thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc tái cơ cấu nền nông nghiệp cần tập trung mạnh vào tái cơ cấu đầu tư công và dịch vụ công trong nông nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi cho hình thành có hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; tiếp tục tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng; nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất và chế biến nông sản, tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ; đa dạng hóa thị trường, cả thị trường trong nước và xuất khẩu; đầu tư phát triển nhân lực trong nông nghiệp.

Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; có cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp, hình thành cánh đồng mẫu lớn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Xây dựng môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.

Thứ hai, thực hiện quy hoạch nông nghiệp theo hướng dựa vào thị trường mở, không nên cố định diện tích lúa, nên bảo tồn diện tích đất nông nghiệp. Cần thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp cả trong mục tiêu trung hạn và dài hạn (50 hay 100 năm), để có chiến lược bảo tồn và sử dụng đất nông nghiệp trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị. Đối với loại đất nông nghiệp, cần tạo điều kiện cho người sử dụng đất

quyết định phương thức sử dụng từng loại đất phù hợp theo tín hiệu thị trường hơn là cố định phương thức sử dụng cho từng loại đất. Khi giá lúa giảm, nông dân có thể chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, rau màu, các nông sản khác có giá trị hơn theo tín hiệu thị trường.

Thứ ba, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, nhất là ở vùng sâu và xa. Chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh dinh dưỡng hơn là chỉ tập trung vào phát triển lương thực, thực hiện các giải pháp tạo việc làm. Gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Cần đầu tư phát triển hệ thống chợ bán buôn, bán lẻ, phát triển và hỗ trợ thương mại, nhất là ở các vùng nông thôn hẻo lánh; hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp áp dụng tốt bộ quy chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt và tăng cường quản lý ở khâu chế biến và lưu thông để bảo đảm lương thực, thực phẩm an toàn.

Thứ tư, để chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cần tập trung vào các lĩnh vực: nâng cao năng lực quản lý và ứng phó rủi ro liên quan đến thời tiết và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như các rủi ro về thị trường. Cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm và gắn kết hệ thống này với dịch vụ tư vấn nông nghiệp; thay đổi phương pháp canh tác và lựa chọn giống phù hợp với các vùng đất có những biến đổi khác nhau về khí hậu; xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển để có thể giải quyết được những thách thức mới nảy sinh của quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy thị trường bảo hiểm nông nghiệp, tăng cường khả năng ứng phó của nông dân đối với rủi ro, bảo đảm nông nghiệp ít có sự tác động xấu của biến đổi khí hậu; các địa phương, nhất là các tỉnh ở vùng thấp cần có kế hoạch ứng phó kịp thời, bố trí sản xuất nông nghiệp phù hợp.

Thứ năm, thực hiện các biện pháp như tăng cường đầu tư công vào các công trình phòng, chống thiên tai, giảm tác động bất lợi về môi trường, tăng

cường quản lý nước thải nông nghiệp, tăng cường áp dụng các biện pháp giảm khí thải nhà kính; quán triệt tư duy nền kinh tế xanh trong phát triển nông nghiệp. Tư duy kinh tế xanh đòi hỏi thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh trong nông nghiệp./.

3.1.2. Mục tiêu

Mục tiêu tổng quát

Đưa ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại với cơ cấu các chuyên ngành, tiểu ngành và các ngành sản phẩm có năng lực cạnh tranh, quy mô hàng hoá lớn, phát triển bền vững; sản xuất theo nhu cầu thị trường trong nước và ngoài nước về số lượng và chủng loại; an ninh lương thực trong nước gắn với xuất nhập khẩu nông sản hàng hóa; đảm bảo không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống của người sản xuất nông nghiệp; Nông nghiệp được phát triển dựa trên các tiêu chí hiệu quả và người nông dân được đào tạo có trình độ, kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực.

Một số mục tiêu cụ thể

- Đưa tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trở lại mức 3,0-3,5%;

- Hỗ trợ hộ nông dân ứng dụng nhiều hơn khoa học công nghệ tiên tiến; nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất kinh doanh nông, lâm, ngư, thủy sản;

- Phát triển DN, HTX, THT, hiệp hội và các hình thức liên kết dọc theo chuỗi giá trị nông sản nhằm kết nối giữa sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản trên mỗi vùng sản xuất;

- Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa đối với từng sản phẩm; đảm bảo vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, thiên tai cho cây trồng và vật nuôi;

- Cập nhập thông tin, tín hiệu thị trường trong và ngoài nước để định hướng phát triển các ngành sản phẩm, tạo cơ cấu ngành nông nghiệp theo sát nhu cầu thị trường;

- Chuyển một bộ phận lao động ra khỏi nông nghiệp nhằm giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp xuống còn 30% lao động xã hội vào năm 2020. Tạo điều kiện để hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp với quy mô sản xuất tối ưu và kiến thức nông nghiệp hiện đại;

- Phát triển lâm nghiệp đảm bảo độ che phủ của rừng lên 43- 45%; - Bảo vệ đa dạng sinh học từng vùng, khắc phục tình trạng ô nhiễm trong sản xuất và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu gây ra.

Một phần của tài liệu Thạc sĩ kinh tế chính trị-Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế xanh và phát triển bền vững (Trang 82 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(120 trang)
w