Mặc dù là siêu cường của thế giới về phát triển kinh tế nhưng Mỹ đang gặp phải những vấn đề của đô thị hóa. Khoảng 100 năm trước, hơn 50% dân số của Mỹ còn sống trong các trang trại nhỏ ở nông thôn và sử dụng thức ăn tự sản xuất ở địa phương. Hiện nay, dân số đô thị của Mỹ đã tăng lên 80%, đặt ra thách thức về an ninh lương thực, chi phí môi trường và sức khỏe cộng đồng. An ninh lương thực đòi hỏi phải thỏa mãn đầy đủ và kịp thời số lượng lương thực có chất lượng và các thành phần dinh dưỡng cho nhu cầu của dân cư đô thị. Chi phí môi trường bao gồm chi phí cho khắc phục ô nhiễm không khí, nhiễm độc nguồn nước ngầm và nước mặn, xói mòn đất, suy giảm đa dạng sinh học. giải pháp quan trọng để giải quyết những vấn đề trên là phát triển nông nghiệp sinh thái ở đô thị. Chính vì thế, Chính phủ Mỹ đã rất quan tâm và đầu tư. Ví dụ, tận dụng diện tích đất trống để phát triển rau quả trong từng hộ gia đình, thậm chí sử dụng đất ở sân sau của các trường học, bệnh viện, công viên…theo số liệu điều tra của Uỷ ban Nông nghiệp Mỹ năm 2003, dự án “Vườn cho người nghèo” ở Califonia đã đóng góp 55% sản lượng các sản phẩm nông nghiệp đô thị và quản lý thành công chương trình sản xuất hoa tươi bằng phương pháp hữu cơ. Chất thải đô thị được tái chế thành phân bón cho các vườn đô thị, ven đô, thức ăn chăn nuôi. Hệ thống cây xanh tạo thành vành đai xanh điều hòa không khí cho thành phố. Các sản phẩm chính được sản xuất ở các đô thị và ven đô là: hoa, rau, quả, bơ, sữa.
Một nghiên cứu điển hình ở Bắc Mỹ về mô hình phát triển nông nghiệp đô thị đã gắn kết lợi nhuận sản xuất nông nghiêp với chiến lược sử dụng đất, phân vùng nông nghiệp và bảo vệ môi trường là mô hình vành đai xanh - Greenbelt của Boal (1970). Theo Boal, có thể hình thành 3 vành đai khác nhau đối với nông nghiệp đô thị. Vành đai thứ nhất, tại trung tâm thành phố,
đất đai được quy hoạch ổn định, nông nghiệp đạt được mức lợi nhuận do có nhiều lợi thế về thị trường; vành đai thứ hai cận kề ngoại ô quy hoạch đất đai chưa ổn định, lợi nhuận sản xuất nông nghiệp thấp; vành đai thứ ba ở ngoài cùng xa thành phố, nông nghiệp đạt lợi nhuận rất cao.
Một số khó khăn xuất hiện trong quá trình phát triển nông nghiệp sinh thái ven đô bao gồm các vấn đề sở hữu ruộng đất và sử dụng đất, thiếu vốn để phát triển sản xuất, khó khăn trong tìm kiếm và phát triển thị trường, thiếu kiến thức và kỹ năng sản xuất…để giải quyết những khó khăn nêu trên, Uỷ ban Nông nghiệp Mỹ đã khuyến nghị một số chính sách bao gồm giải quyết vấn đề sử dụng đất, đảm bảo những cam kết lâu dài cho nông dân yên tâm sản xuất, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, chế biến, marketing, quy hoạch đất đai, ưu tiên cho phát triển cây ăn quả và cây xanh, triển khai những chương trình đào tạo kỹ thuật sản xuất cho nông dân và đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về môi trường cho nông dân. Đặc biệt khuyến khích vai trò quan trọng của khoa học và giáo dục nhận thức về nông nghiệp sinh thái, coi nó như một bộ phận quan trọng của kế hoạch phát triển vùng và đô thị.