Vấn đề có ảnh hưởng lớn hiện nay là cơ chế thị trường của nước ta chưa hoàn thiện; hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, chính sách điều chỉnh kinh tế trong nước chưa phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; môi trường cạnh tranh còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế, cần hoàn thiện cơ chế thị trường trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ về sở hữu, coi trọng khu vực tư nhân, đổi mới sở hữu và doanh nghiệp nhà nước; hình thành đồng bộ các loại thị trường; đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế...
Đi đôi với hoàn thiện cơ chế thị trường cần đổi mới cơ chế quản lý của nhà nước trên cơ sở thực hiện đúng các chức năng của nhà nước trong định hướng, tạo môi trường, hỗ trợ và giám sát hoạt động các chủ thể kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải cải cách hành chính, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý ngày càng minh bạch hơn, làm thông thoáng môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước để thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đó là cơ sở then chốt để nước ta có thể tham gia vào tầng nấc cao hơn của chuỗi cung ứng và giá trị khu vực cũng như toàn cầu.
Nhà nước cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là luật pháp liên quan đến hội nhập kinh tế như: đất đai, đầu tư, thương mại, doanh nghiệp, thuế, tài chính tín dụng, di chúc. Hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp phù hợp với pháp luật quốc tế đồng thời phòng ngừa, giảm thiểu các thách thức do tranh chấp quốc tế, nhất là tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế; xử lý có hiệu quả các tranh chấp, vướng mắc kinh tế, thương mại nhằm bảo đảm lợi ích của người lao động và doanh nghiệp trong hội nhập.