Công chúng báo chí

Một phần của tài liệu Quan hệ công chúng của các tờ báo dành cho thanh niên hiện nay (khảo sát các tờ báo thanh niên, tiền phong và tuổi trẻ) (Trang 54 - 55)

Công chúng báo chí (CCBC) được hiểu là là đông đảo người đọc, người xem, người nghe, trong mối quan hệ với nhà báo, các cơ quan báo chí và các sản phẩm báo chí cụ thể. Để xác định khái niệm CCBC, cần xem xét những dấu hiệu sau đây:

Thứ nhất, CCBC là một nhóm xã hội rộng lớn, được phân chia thành các

nhóm công chúng khác nhau theo các đặc điểm nhân khẩu học, địa bàn cư trú, độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, học vấn...

Thứ hai, CCBC có thể chịu ảnh hưởng của các tác động báo chí, một cách

trực tiếp hoặc gián tiếp.

Thứ ba, chỉ có thể xác định được khái niệm CCBC trong mối liên hệ chặt chẽ

với các cơ quan báo chí, thể hiện ở mục đích tác động thông qua các tác phẩm báo chí cũng như các hoạt động khác, từ đó gây ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ và hành vi của họ.

Căn cứ vào các dấu hiệu trên đây, dễ dàng có sự phân loại CCBC, trên cơ sở các tiêu chí khác nhau.

Dựa vào tiêu chí độ tuổi có thể chia thành: Nhóm công chúng cao tuổi, nhóm công chúng trung niên, thanh niên, công chúng trẻ em ở các nhóm tuổi khác nhau. Dựa vào tiêu chí giới có thể chia thành công chúng nam, nữ. Dựa vào tiêu chí nghề nghiệp có thể chia thành: nhóm công chúng là cán bộ công chức, nông dân, làm nghề tự do, quản lý doanh nghiệp... Ngoài ra, người ta cũng có thể căn cứ vào địa bàn cư trú để chia thành các nhóm công chúng nông thôn, thành thị, miền núi... Căn cứ vào mức độ mở rộng hay thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của các loại hình sản phẩm báo chí khác nhau để chia thành nhóm công chúng hiện thời (nhóm công chúng đang chịu ảnh hưởng của báo chí) và nhóm công chúng tiềm năng (nhóm công chúng mà cơ quan báo chí có điều kiện và khả năng lôi kéo họ vào diện ảnh hưởng của mình). Căn cứ vào tính ổn định của nhóm công chúng trong tác động mà có nhóm công chúng truyền thống và không truyền thống.

Từ mục tiêu và đối tượng tác động chính của cơ quan báo chí, có thể chia công chúng thành 2 nhóm: công chúng mục tiêu và công chúng liên quan. Công chúng mục tiêu là nhóm công chúng quan trọng nhất, là đối tượng tác động chính của tờ báo. Ví dụ: công chúng mục tiêu của các tờ báo Tiền Phong, Thanh Niên và Tuổi Trẻ là thanh niên. Công chúng liên quan là các nhóm công chúng khác, có liên quan và có ảnh hưởng đến khả năng tác động đến nhóm công chúng mục tiêu, chẳng hạn như các bậc phụ huynh (là người trung tuổi), trẻ em là các nhóm công chúng liên quan của 3 tờ báo kể trên.

Dựa vào mối quan hệ giữa công chúng với các loại hình báo chí có thể chia thành: công chúng báo in (bạn đọc), công chúng phát thanh (bạn nghe đài), công chúng truyền hình (bạn xem truyền hình), công chúng báo mạng điện tử... Dựa vào mối quan hệ giữa công chúng với từng nhóm hoặc từng SPBC, có thể phân chia thành các nhóm công chúng khác nhau. Ví dụ: Công chúng của các sản phẩm báo chí kinh tế, thể thao, công chúng báo Nhân Dân, báo Tuổi Trẻ...

Một phần của tài liệu Quan hệ công chúng của các tờ báo dành cho thanh niên hiện nay (khảo sát các tờ báo thanh niên, tiền phong và tuổi trẻ) (Trang 54 - 55)