Phương pháp phỏng vấn và phương pháp quan sát

Một phần của tài liệu Quan hệ công chúng của các tờ báo dành cho thanh niên hiện nay (khảo sát các tờ báo thanh niên, tiền phong và tuổi trẻ) (Trang 84 - 88)

Phỏng vấn là phương pháp định tính được sử dụng ở cả 3 tòa soạn báo. Phương pháp phỏng vấn thường được tiến hành cùng phương pháp quan sát. Thăm dò ý kiến công chúng thanh niên cho thấy: 3,4% số người được hỏi đã từng gặp nhân viên làm công tác tìm hiểu ý kiến bạn đọc của báo 1. Với báo 2, số người gặp nhân viên làm công tác tìm hiểu ý kiến bạn đọc là 5,3% và với báo 3 là 4.8%.

Biểu đồ 2.2: Tỷ lệ thanh niên đã từng gặp nhân viên của các tòa soạn báo

Nguồn: Kết quả cuộc điều tra CCTN năm 2007

Một số cách tổ chức các nghiên cứu trong đó có phỏng vấn nhóm (PVN) là “họp các nhóm quan tâm khác nhau (sinh viên, doanh nhân, cán bộ nhà nước, hưu trí…) và điều tra bỏ túi” [PVS, trường hợp 3.4, nam, Cán bộ nghiên cứu Phòng Nghiên cứu & phát triển, báo 3. Phụ lục 5, tr.224]. Họp các nhóm khác nhau như sinh viên, doanh nhân, cán bộ nhà nước... và sử dụng phương pháp phỏng vấn nhóm tại tòa soạn là phương pháp có nhiều ưu điểm và đòi hỏi kỹ năng phỏng vấn tiêu chuẩn hóa. Có nghĩa là: người nghiên cứu có thể chủ động thiết lập mục tiêu, soạn nội dung câu hỏi, vấn đề và mời thành phần tham gia phỏng vấn một cách chủ động, nhằm đảm bảo mục tiêu nghiên cứu.

Phương pháp PVN có thể được sử dụng trong khi hoặc sau khi diễn ra các hoạt động giao lưu, diễn đàn, các buổi lễ trao giải cho các cuộc thi, hay các sự kiện do báo tổ chức. Các kỹ năng đặt câu hỏi, lắng nghe, ghi chép, ghi âm được thực hiện với kết quả tốt. Sau các cuộc phỏng vấn này, luôn có báo cáo nghiên cứu.

Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp PVN thực hiện không nhiều và không đều trong 3 tòa soạn báo thuộc diện khảo sát. Báo 3 là báo thực hiện nhiều hơn các cuộc phỏng vấn cá nhân và PVN so với 2 báo trong diện khảo sát còn lại. Các phỏng vấn sâu (PVS) với các thành viên của tờ báo này cho thấy họ mô tả và hiểu về kỹ năng phỏng vấn - như là một phương pháp nghiên cứu rõ ràng hơn so với các đối tượng trả lời phỏng vấn sâu khác ở các tòa soạn báo 1 và 2.

Phương pháp “điều tra bỏ túi” thực hiện bằng phỏng vấn nhanh một nhóm người. Việc sử dụng phương pháp này được mô tả như sau: Bộ phận phát hành, mỗi khi có thay đổi về giá thành bán báo, hay tăng lên, sụt giảm lượng phát hành, thường tiến hành các cuộc điều tra bỏ túi, với các đối tượng là đại lý phát hành và người đọc báo. Thường chọn 3 điểm ở các thành phố lớn như: Tp. HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng để khảo sát. Thường có khoảng 3 câu hỏi cho mỗi đối tượng, các câu hỏi dành cho chủ các sạp báo, đại lý phát hành khác và cho công chúng thì

khác nhau với cùng một thời điểm nghiên cứu. Ví dụ: Với chủ sạp báo, khi báo tăng giá, các câu hỏi sẽ là: Phản ứng của người đọc báo khi báo tăng giá sẽ thế nào? Số lượng bán báo 3 trong ngày có ổn định không? Có giảm không, giảm bao nhiêu? Người đọc thường xuyên mua báo 3 có chuyển sang mua báo khác không? Nếu có thì chuyển mua báo nào? Các nhân viên phụ trách in câu hỏi, đi phỏng vấn, tự tổng hợp kết quả, phân tích gửi về trưởng bộ phận phát hành. Trưởng bộ phận phát hành tổng hợp, phân tích, làm báo cáo và đề xuất lên ban biên tập. Khoảng thời gian làm công việc này chỉ vài ngày. Hàng tháng, có báo cáo dựa trên các kết quả điều tra.

Các tờ báo thuộc diện khảo sát cũng đồng thời thực hiện phỏng vấn thông qua các ý kiến đã gửi tới hoặc trình bày trên các diễn đàn mà báo tổ chức. Có thể đưa ra các câu hỏi trên diễn đàn, và thu ý kiến trả lời do bạn đọc gửi tới. Hoặc sau khi nhận ra một số tác giả có những ý tưởng cần chú ý khi họ gửi ý kiến lên diễn đàn, người làm công tác nghiên cứu tìm cách liên lạc với họ để phỏng vấn cá nhân. Trong trường hợp phỏng vấn nhóm thông qua diễn đàn, nhà nghiên cứu chỉ tiếp cận với câu trả lời của công chúng, chứ không trực tiếp hỏi họ, nên giá trị của phỏng vấn không khác gì điều tra qua thư, với một vài câu hỏi. Tức là người nghiên cứu không thể xác định được chính xác thành phần trả lời phỏng vấn, và do đó khó có thể áp dụng trong trường hợp nghiên cứu chiều sâu khi mô tả một nhóm công chúng nào đó. Đó là chưa kể, việc diễn đàn đang tổ chức có thu hút sự tham gia của công chúng không, và thu hút nhóm công chúng nào sẽ ảnh hưởng đến tính mục tiêu và tính thực tế của hoạt động nghiên cứu. Khi khảo sát sự tham gia của CCTN về các cuộc thi, giao lưu, diễn đàn được tổ chức bởi các báo dành cho thanh niên trong thời điểm khảo sát, cho thấy việc CCTN tham gia các diễn đàn ở các báo là rất khác nhau. 2,4% số người được hỏi có tham gia các cuộc thi, giao lưu, diễn đàn của báo 1 tổ chức. Tỷ lệ

này ở báo 2 là 3,3% và với báo 3 là 4,6%. (Nguồn: Kết quả cuộc điều tra CCTN năm 2007) [x. xem Phụ lục 2, tr.199-205].

Việc sử dụng phương pháp quan sát đi kèm là thường xuyên. Các kết quả quan sát chỉ được mô tả trong báo cáo, dựa theo ấn tượng và trí nhớ trong quan sát. Mẫu biên bản quan sát, mục tiêu quan sát không tìm thấy trong quá trình khảo sát. Cũng tương tự như vậy khi nói đến việc sử dụng các phần mềm máy tính ứng dụng cho phân tích định tính như Nvivo...

Nhận xét: Phương pháp phỏng vấn được sử dụng nhiều, đa dạng trong các

tòa soạn báo thuộc diện khảo sát. Các phương pháp phỏng vấn được dùng là: phỏng vấn nhanh, phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhóm. Hình thức và tình huống có sử dụng phương pháp phỏng vấn rất đa dạng. Phỏng vấn thông qua các sự kiện như cuộc thi, giao lưu, diễn đàn... là nét đặc thù trong sử dụng phương pháp phỏng vấn - như một phương pháp nghiên cứu định tính ở các tòa soạn báo dành cho thanh niên. Tuy nhiên, kết quả phỏng vấn loại này phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của tổ chức sự kiện. Dùng phương pháp này tận dụng được ưu thế của cơ quan báo, tiết kiệm chi phí, nhưng có hạn chế là bị động trong hoạt động nghiên cứu. Điều tra bỏ túi là phương pháp phỏng vấn nhanh được sử dụng ở các tòa soạn báo khảo sát cho đánh giá tích cực về tính thực dụng, tiện lợi và hiệu quả nghiên cứu tức thời. Việc xử lý thông tin đơn giản, hỗ trợ cho việc phân tích thông tin phản hồi tòa soạn hiệu quả. Nhược điểm của hình thức này là không “tiêu chuẩn hóa” trong đặt câu hỏi, lựa chọn mẫu, do đó chỉ có thể tổng hợp phân tích bằng kinh nghiệm.

Phương pháp quan sát luôn được dùng kèm trong khi sử dụng phương pháp phỏng vấn, và hỗ trợ tích cực đem lại hiệu quả cao hơn cho phương pháp phỏng vấn. Tuy nhiên, kỹ năng lập kế hoạch quan sát, ghi biên bản và xử lý kết quả quan sát chưa được chú trọng như yêu cầu vốn có của nó.

Chưa có dấu hiệu sử dụng các phầm mềm xử lý thông tin nghiên cứu định tính trong các tòa soạn báo thuộc diện khảo sát. Việc xử lý thông tin định tính mang tính kinh nghiệm.

Một phần của tài liệu Quan hệ công chúng của các tờ báo dành cho thanh niên hiện nay (khảo sát các tờ báo thanh niên, tiền phong và tuổi trẻ) (Trang 84 - 88)