3.2.4.1. Hoàn thiện tổ chức bộ máy
- Về tổ chức bộ máy
Ban Biên tập (gồm khoảng 4 người), trong đó có tổng biên tập phụ trách chung và hai phó tổng biên tập phụ trách hai ấn phẩm (in và điện tử), một phó tổng biên tập phụ trách công tác hành chính - trị sự.
Ban Thư ký tòa soạn (gồm có thư ký của ấn phẩm in và thư ký của ấn phẩm điện tử).
Tối thiểu có ba phòng chức năng: phòng Biên tập (gồm 3- 5 người), phòng Trị sự - Phát hành (2-3 người), phòng Cộng tác viên - Bạn đọc (2-3 người). Có thể có văn phòng đại diện miền Nam và miền Trung; phòng quảng cáo.
Việc lập hội đồng biên tập cần tính toán kỹ, sao cho thực tế, có người là có việc làm, đã làm là phải có hiệu quả, nên tránh mượn “danh” cốt chỉ để “trang trí”.
Về biên chế, mỗi tạp chí cần phải có sự kế tiếp nhau về 3 độ tuổi. Dưới sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản, phối hợp chặt chẽ với cơ quan tổ chức cán bộ chủ động tuyển chọn những người vừa có nghiệp vụ báo chí, vừa có kiến thức về xây dựng đảng, tuyên giáo, dân vận, kiểm tra, có bản lĩnh chính trị và
thực sự tâm huyết với công tác xây dựng đảng và công việc tuyên truyền về công tác xây dựng đảng
Ngoài ra, các tòa soạn cần được giao quyền ký hợp đồng vụ việc đối với lao động là cộng tác viên chuyên trách của tạp chí (số lượng cán bộ hợp đồng do lãnh đạo các tạp chí quyết định, tự chịu trách nhiệm cân đối tài chính, trả lương hợp đồng).
- Xây dựng tiêu chuẩn cán bộ
Điểm khác với các vụ, đơn vị trong ban đảng Trung ương ở chỗ, mỗi tạp chí tuy cũng là một đơn vị cấp vụ trong Ban nhưng đồng thời còn là một cơ quan báo chí có tính độc lập tương đối hoạt động theo Luật Báo chí.
Người đứng đầu Tạp chí (Tổng Biên tập) là người chịu trách nhiệm cao
nhất trước lãnh đạo Ban và Luật Báo chí. Do đó, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của từng tạp chí để đảm bảo hoạt động của tạp chí hiệu quả, người đứng đầu tạp chí luôn phải nâng cao trách nhiệm đối với công tác tổ chức cán bộ, xây dựng bộ máy, chất lượng, số lượng cán bộ phù hợp. Từ đó, tiêu chí cán bộ, quy trình lựa chọn, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ của tạp chí cần có sự đổi mới trên cơ sở tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của tổng biên tập. họ phải là những người cán bộ có phẩm chất chính trị tin cậy của Đảng và Nhà nước, có trình độ lý luận hoặc khoa học chuyên ngành, phải là nhà báo thực thụ, thạo nghề nghiệp, biết tổ chức và lãnh đạo cơ quan báo chí.
Khác với phóng viên, biên tập viên ở các báo, tạp chí chuyên ngành khác, phóng viên, biên tập viên của tạp chí các ban đảng Trung ương trước hết phải có một “phông” kiến thức sâu, rộng về Đảng, đặc biệt về các lĩnh vực tư tưởng, lý luận chuyên sâu về công tác tổ chức, tuyên giáo, kiểm tra, và công tác dân vận. Bên cạnh đó là tâm huyết đam mê nghề báo. Phóng viên, biên tập viên tạp chí các ban đảng Trung ương phải là người có đạo đức trong sáng, lối
sống gần dân, tin dân và phục vụ dân... Đặc biệt phải nhanh nhạy, sắc sảo, phát hiện, ủng hộ, bảo vệ cách nghĩ mới, cách làm mới, tích cực, tiến bộ, mặc dù không phải cái mới nào, nhất là khi ra đời, luôn được ủng hộ. Ngoài ra, nhà báo cần bản lĩnh, cẩn trọng nghề nghiệp và trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng căn dặn các nhà báo: “Làm báo là phải sống cho sâu sắc, say sưa”, không chỉ “đi” thực tiễn mà phải “sống” trong thực tiễn; mà phải “sống sâu sắc” để hiểu cặn kẽ, “sống say sưa” để “hoà nhập, đồng cảm” [60]. Cố Nhà thơ Tố Hữu từng nhắc nhở: “Làm báo là phải có ba bằng đại học: đại học chính trị, đại học văn hoá và đại học đường đời” [60].
- Phân công hợp lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên, công chức
Trong bài Công việc của người làm tạp chí đăng trên Tạp chí Người làm báo số 10-2006, tác giả Nguyễn Uyển, viết:
Vấn đề cốt tử trong tổ chức của tạp chí là đội ngũ cán bộ biên tập. Họ là người xử lý thông tin do phóng viên và cộng tác viên cung cấp. Họ là người có trách nhiệm nâng cao tới mức tối đa các tác phẩm báo chí qua bàn tay biên tập giỏi giang của mình. Họ là người giữ mối liên hệ với cộng tác viên, đồng thời đón nhận nhanh nhạy các chủ trương, chính sách, giúp ban biên tập xây dựng kế hoạch, định hướng tuyên truyền. Họ cũng là lực lượng chủ công đi viết những vấn đề cần kíp có tính mũi nhọn… Do đó, điều bắt buộc ở họ là phải có trình độ chính trị, có kiến thức chuyên môn và có trình độ biên tập tạp chí. Có năng lực phát hiện nhanh và tổng kết kịp thời. Họ là người phải có đức tính trung thực, có tinh thần trách nhiệm cao với bạn đọc, thạo công việc tổ chức mạng lưới cộng tác viên … [69, tr.11].
Các tạp chí phân công phóng viên, biên tập viên theo dõi một số tỉnh thuộc các vùng, miền, một số ngành thuộc một số lĩnh vực. Phóng viên theo dõi địa phương, ngành nào liên hệ thường xuyên với cộng tác viên ở nơi đó để
thường xuyên có thông tin và kịp thời có tin, bài về những vấn đề trong công tác tổ chức xây dựng đảng; sau một thời gian nhất định, chuyển đổi địa bàn. Mỗi phóng viên, biên tập viên được phân công phụ trách một số chuyên mục. Căn cứ vào năng lực, sở trường, hứng thú nghề nghiệp của phóng viên, biên tập viên, ban biên tập giao nhiệm vụ cho từng người chịu trách nhiệm tổ chức bài cho các chuyên mục và phấn đấu trở thành chuyên gia về lĩnh vực đó; qua một thời gian nhất định, chuyển đổi chuyên mục. Theo yêu cầu nhiệm vụ của mỗi chuyên mục, phóng viên, biên tập viên chủ động liên hệ với cộng tác viên để nắm thông tin viết hoặc đặt bài.
3.2.4.2. Xây dựng, chăm lo, phát huy đội ngũ cộng tác viên
Tạp chí Người làm báo số 10-2006, tác giả Nguyễn Uyển đã đưa ra những nhận xét mang tính thực tiễn:
Sức sống thực sự của tòa soạn tạp chí lại chính là đội ngũ cộng tác viên. Họ là người cung cấp nguồn thông tin trên diện rộng, giúp cho việc chỉ đạo của ban biên tập sát thực tế, họ cũng là người tham gia chạy quảng cáo và góp sức vào việc phát hành tạp chí. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên gắn bó, thiết thực, có trình độ, am hiểu công việc tạp chí để đóng góp vào chất lượng tạp chí là trách nhiệm của ban biên tập tạp chí. Thành công hay thất bại của tạp chí phụ thuộc rất lớn vào cộng tác viên [69, tr.11].
Để thu hút, giữ gìn và phát triển đội ngũ cộng tác viên có chất lượng, các tạp chí ban đảng có thể áp dụng một số giải pháp sau:
+ Có cơ chế, quy chế xây dựng, phát triển mạng lưới cộng tác viên một cách sâu rộng, bền chặt.
+ Phối hợp với các ban đảng ở các tỉnh, thành phố, các trường chính trị, cơ quan báo, đài địa phương... để xây dựng lực lượng cộng tác viên nòng cốt nhiệt tình, am hiểu lĩnh vực công tác đảng và có khả năng viết báo.
+ Ngoài chính sách chi trả nhuận bút xứng đáng, còn cần có những hình thức, biện pháp động viên, khích lệ, tri ân kịp thời cộng tác viên như: gửi thư cảm ơn, chúc mừng năm mới, chúc mừng sinh nhật, tặng tạp chí đều kỳ, thăm hỏi vào ngày lễ tết, khi ốm đau; đặt chế độ “lương cộng tác viên”....
+ Các tạp chí có chế độ khen thưởng người có bài viết được nhiều người đọc nhất; tặng kỷ niệm chương hoặc giải thưởng có ý nghĩa ghi nhận những đóng góp của người cộng tác.
+ Cần đãi ngộ thoả đáng theo kết quả cộng tác của cộng tác viên, có tính đến đặc điểm mỗi vùng, mức độ khó, dễ trong quá trình cộng tác.
+ Gửi kế hoạch tổng thể hằng năm giúp cộng tác viên có cơ sở chủ động đề xuất viết bài phù hợp với nội dung, chương trình tuyên truyền của tạp chí. Biên tập viên thường xuyên gợi ý, trao đổi, thảo luận với cộng tác viên về đề tài, cách thức trình bày, thời điểm công bố bài viết. Đây là một kênh hữu hiệu để biên tập viên nắm thông tin về công tác xây dựng đảng ở địa bàn, lĩnh vực nơi cộng tác viên sống và làm việc.
+ Xây dựng các nhóm cộng tác viên chuyên từng lĩnh vực công tác, phụ trách nhóm là các phóng viên, biên tập viên nhiệt tình, có phương pháp làm việc tốt, có kinh nghiệm trong nghiên cứu và viết bài phản ánh về lĩnh vực công tác đó. Nên gắn trách nhiệm với quyền lợi của người phụ trách và các thành viên - cộng tác viên. Nội dung hoạt động nhóm tập trung vào trao đổi, cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức, gợi mở vấn đề, tìm tòi giải pháp…
+ Coi trọng và có biện pháp hiệu quả khai thác phản hồi của người đọc sau mỗi bài viết. Tòa soạn cần động viên đội ngũ cộng tác viên tích cực tham gia phản hồi, để từ những hạt nhân này, kích thích sự quan tâm trao đổi, phản hồi của đông đảo độc giả. Đây sẽ là kênh thông tin tốt cho tòa soạn khi đánh giá chất lượng cộng tác viên và sức hấp dẫn của tạp chí.
+ Các tạp chí định kỳ tổ chức Hội nghị cộng tác viên toàn quốc hoặc khu vực để tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, đánh giá kết quả phối hợp cộng tác giữa các cộng tác viên và tòa soạn. Trong dịp gặp gỡ này, ban biên tập thông báo kế hoạch tuyên truyền của Tạp chí, trao đổi về những vấn đề đáng quan tâm, vấn đề “nóng”, gai góc trong xây dựng Đảng, gợi ý, thảo luận và đặt bài về những đề tài cộng tác viên có thể đảm nhiệm.
+ Khen thưởng các cộng tác viên có nhiều đóng góp, có nhiều bài viết chất lượng cao, được bạn đọc ưa thích.
+ Tập huấn cộng tác viên về kỹ năng làm báo nói chung, yêu cầu, kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh về chuyên ngành tổ chức xây dựng đảng nói riêng. + Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, giao lưu giữa cộng tác viên và tòa soạn, có thể bằng biện pháp lấy ý kiến của nhiều đối tượng qua chuyên mục “Tạp chí với bạn đọc”, “Tạp chí với cộng tác viên”.
+ Thường xuyên bổ sung, hoàn thiện cơ chế cộng tác viên trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm trong công tác cộng tác viên của các tạp chí bạn.
+ Tòa soạn đảm bảo việc “hồi âm” của tòa soạn với từng cộng tác viên trên tất cả các khâu: nhận bài, biên tập, hướng sử dụng, đánh giá, phổ biến kịp thời chủ đề năm, chủ đề tháng, hướng nghiên cứu và phản ánh, những vấn đề đặt ra đang cần tập trung phản ánh… để gợi mở và định hướng viết cho cộng tác viên.