Hầu hết các báo cáo về BLG tại Việt Nam mới chỉ tập trung vào bạo lực gia đình, các hình thức BLG khác như hiếp dâm, xâm hại tình dục trẻ em còn được coi là vấn đề nhạy cảm và chưa được điều tra và thống kê. Theo Báo cáo quốc gia về bạo lực gia đình tại Việt Nam (Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc, 2010), trong số những phụ nữ đang và đã từng kết hôn có 58% phụ nữ từng chịu ít nhất một trong ba loại bạo lực gia đình (bạo lực thể xác, bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần). Theo báo cáo đó, 32% phụ nữ từng kết hôn bị bạo lực thể xác, và 10% bị bạo lực tình dục trong cuộc đời họ. Tỷ lệ phụ nữ từng kết hôn chịu bạo lực tinh thần khoảng 54% (Bảng 2.1). Báo cáo quốc gia cũng chỉ ra rằng, thủ phạm gây ra bạo lực thể xác đối với phụ nữ chủ yếu là các thành viên nam trong gia đình, chiếm 65%. Số phụ nữ bị bạo lực tình dục kể từ khi 15 tuổi là 2,3% và bị bạo lực tình dục trước 15 tuổi là 2,8%, thủ phạm của các vụ bạo lực này chủ yếu là người lạ và bạn trai.
Bối cảnh bạo lực giới và đổ lỗi cho nạn nhân Hình thức bạo lực % trong số phụ nữ từng lập gia đình/có bạn tình, trong cuộc đời % trong số phụ nữ từng lập gia đình/có bạn tình, trong 12 tháng vừa qua Đã từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực: thể xác, tình dục hoặc tinh thần 58 27 Đã từng chịu bạo lực thể xác 32 6 Đã từng chịu bạo lực tình dục 10 4 Đã từng chịu bạo lực thể xác và/hoặc tình dục 34 9 Đã từng bị lạm dụng tinh thần 54 25 Bảng 2.1: Tình trạng bạo lực gia đình của phụ nữ tại Việt Nam (Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc, 2010)
Bạo lực thể xác là hình thức được báo cáo nhiều nhất so với các hình thức bạo lực khác nhưng vẫn dưới mức thực tế (UN, 2010). Theo nghiên cứu của Mai và các cộng sự (2004), 50% nam giới tham gia khảo sát cho biết họ từng đánh vợ nhưng chỉ 37% số phụ nữ cho biết họ từng bị bạo lực.
Tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực tình dục là chủ đề hiếm khi được bàn luận một cách cởi mở tại Việt Nam, do đó, số liệu báo cáo thấp hơn mức thực tế. Bạo lực tình dục gồm các hành động hiếp dâm, các hình thức lạm dụng tình dục khác trước và trong hôn nhân, ép bán dâm và cưỡng ép kết hôn, tấn công tình dục và hiếp dâm trẻ em, quấy rối tình dục tại nơi ở, nơi làm việc, trường học và tổ chức cộng đồng (UN, 2010). Theo Nguyễn và cộng sự (2008), khoảng 30% phụ nữ tham gia nghiên cứu cho biết từng bị chồng ép sinh hoạt tình dục khi họ không muốn. Nghiên cứu do CSAGA, ISDS và ActionAid tiến hành năm 2009 đối với học sinh của ba trường phổ thông trung học chỉ ra: có 15,6% số học sinh từng trải qua các hành vi bạo lực tình dục ở các cấp độ khác nhau, 4,3% trong đó là các em gái và 4,3% bị buộc quan hệ tình dục
trong vòng 12 tháng trước đó. Nghiên cứu cũng chỉ ra, những kẻ tấn công tình dục có thể là bạn cùng lớp, cùng trường, hàng xóm, người lạ và cả người quen của nạn nhân. Theo nghiên cứu của nhóm YChange (2017) về bạo lực hẹn hò đối với sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Thăng Long, có 10% sinh viên cho biết họ từng chịu ít nhất một trong các hành vi của bạo lực tình dục
Bạo lực về tinh thần gồm những hành vi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của người phụ nữ và cả nam giới bao gồm lăng mạ, chửi rủa, đe dọa hoặc những hành vi xúc phạm khác, kiểm soát và ngăn cấm phụ nữ và trẻ em gái tham gia các hoạt động xã hội khác. Bạo lực tinh thần thường khó xác định do thường không có các dấu hiệu bên ngoài cho thấy tác động mà loại hình bạo lực này gây ra (UN, 2010). Nghiên cứu của nhóm YChange (2017) về bạo lực hẹn hò tại Hà Nội chỉ ra rằng bạo lực tinh thần chiếm tỷ lệ cao nhất so với các loại hình bạo lực giới khác. 52,4% các bạn sinh viên tham gia khảo sát cho biết họ từng trải qua bạo lực tinh thần khi hẹn hò (YChange, 2017).