Toàn bộ thủ phạm trong các vụ bạo lực hẹn hò được mô tả là nam, chủ yếu trong độ tuổi từ 16 - 45 tuổi. Trong đó, 50% số vụ được mô tả là do níu giữ tình cảm, 29% gây ra do ghen tuông, trả thủ tình, và 21% do mẫu thuẫn. Báo TTO là báo có nhiều bài viết về chủ đề này nhất trong khi báo PNO có rất ít bài viết về chủ đề này. Tương tự như các bài viết về bạo lực gia đình, bạo lực trong quá trình hẹn hò trên mặt báo chủ yếu là các vụ để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng như chết người, “chặt xác bỏ vào bao bố” hoặc là vụ bị quay phim và đưa lên mạng xã hội gây “phẫn nộ trên cộng đồng mạng”.
Đối với những vụ bạo hành do mâu thuẫn hàng ngày, các bài viết thường rất ngắn và cung cấp những thông tin mơ hồ về động cơ của vụ việc như “đi bộ ra lô cao su để tâm sự nhưng xảy ra mâu thuẫn”. Trong các bài viết này, nguyên nhân của mâu thuẫn không được nói đến có thể khiến người đọc “nghi ngờ” về hành vi của nạn nhân. Tuy nhiên, do số lượng mẫu quá nhỏ nên nghiên cứu không phân tích được diễn ngôn trên các bài báo có ảnh hưởng như thế nào đến cách nhìn nhận về động cơ của hành vi bạo lực.
Một nửa số vụ bạo lực hẹn hò có động cơ là níu giữ tình cảm mô tả người phụ nữ như trung tâm của sự việc. Họ được gán với những cái nhãn là “bạn gái”, “người trong mộng” có hành vi đòi “chia tay”, “từ chối nối lại tình cảm”, “có người yêu mới”, “từ hôn”, v.v... Động cơ của các vụ được mô tả bởi các từ như “tỏ tình bất thành”, “do níu kéo không thành”, “níu tình không được”, “cùng chết để cả hai được ở bên nhau”. Các vụ việc không cung cấp đủ thông tin vì sao người phụ nữ “đòi chia tay” hoặc quyết “dứt tình” cộng thêm phong cách nói giảm nói tránh khi mô tả hành vi của người đàn ông (như phân tích ở mục dưới) có thể dẫn đến viêc đổ trách nhiệm lên vai nạn nhân. Bên cạnh việc riêng tư hóa các vụ việc, chiến thuật viết bài như vậy còn bình thường hóa việc quyền lực của đàn ông và cho rằng “anh có tội, cô ấy cũng có tội”.
Bạo lực giới dưới góc nhìn báo chí