Báo giấy, tin tức trên ti vi hay báo điện tử là một trong những kênh chính truyền tải thông tin về các giá trị và niềm tin văn hóa của một xã hội (Korn và Efrat, 2004; Roshoco, 1975; Benedict, 1992). Van Dijk (2009) chỉ ra rằng diễn ngôn báo chí cung cấp cho xã hội thông tin về các sự kiện xảy ra thông qua quá trình mã hóa (encode) và độc giả tiến hành giải mã (decode) để tiếp nhận những thông tin đó (Van Dijk, 2009). Theo Van Dijk (2009), thông tin đầu vào sẵn có không phải là điều kiện then chốt để diễn ngôn báo chí được hình thành. Quá trình sản xuất tin tức này bắt đầu từ việc nhà sản xuất muốn chọn sự kiện cụ thể nào trở thành tin tức. Nói cách khác, sản xuất tin tức mang tính chiến lược, nhằm tạo nghĩa và các khuôn mẫu (models) mà nhà sản xuất muốn truyền tải tới độc giả.
Fairclough cho rằng tin tức là một loại hàng hóa, vì vậy nhiệm vụ của nhà báo không chỉ là truyền tải thông tin mà còn phải mô tả, minh họa thông tin thật tốt để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của đại chúng (Fairclough, 1995). Khi viết một bài báo, phóng viên không chỉ sao chép y nguyên nguồn tin gốc mà họ lựa chọn, tái sản xuất (reproduction), tóm tắt và biến đổi (transformation) văn bản nguồn theo cách hiểu của họ (Van Dijk, 2009). Theo Van Dijk, nhà báo chỉ biết một phần về bất cứ sự kiện nào. Vị trí của nhà báo sẽ quyết định góc nhìn và quan điểm của người đó khi đưa tin. Ngoài ra, tin tức đưa ra còn chịu sự chi phối bởi quan điểm và cảm xúc cá nhân của tác giả. Bên cạnh đó, cấu trúc
của một bài báo như cách sử dụng ngữ pháp, cú pháp hay cách sắp xếp các sự việc cũng thể hiện những ngụ ý và quan điểm ngầm ẩn (Van Dijk, 2009). Chương 3 mô tả các kết quả thu được từ việc phân tích 100 bài báo trên bốn trang báo VnExpress (VNE), Tuổi Trẻ (TTO), Phụ Nữ Online (PNO) và Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (PLO). Phân tích cũng chỉ ra những định kiến trong cách các bài viết mô tả về BLG, giải mã các khuôn mẫu và niềm tin phổ biến thông qua phân tích cách thức mà các bài báo mô tả nạn nhân và thủ phạm.
3.1. Các thông tin chung