Cũng giống như các hành vi bạo lực khác, các nạn nhân của BLG không chỉ phải chịu những thương tích thể xác mà còn phải trải qua các chấn thương tâm lý. Các triệu chứng phổ biến thường gồm: lo lắng, trầm cảm, tự ti, cảm thấy mất kiểm soát và rối loạn tâm lý sau chấn thương (Post-traumatic Stress Disorder - PTSD) (Arata, 1999; Frazier, 2000). Nạn nhân của các vụ hiếp dâm thường cho biết họ bị lo lắng, lảng tránh tiếp xúc với người khác và rất khó để không nghĩ về sự việc trong suốt một năm sau đó (Resick, 1993).
Nạn nhân nói về bạo lực giới Hầu hết các nạn nhân đều chia sẻ họ bị ám ảnh và ảnh hưởng tâm lý nặng nề từ các hành vi BLG và không đề cập các ảnh hưởng về thể xác mà họ từng trải qua. 12,4% nạn nhân cho biết họ từng trải qua những chấn thương như “đau rát” ở bộ phận sinh dục, “đau về thể xác”, v.v… Trong khi đó, 90,4% nạn nhân cho biết họ cảm thấy lo lắng, sợ hãi, trầm cảm và tự ti sau khi bị bạo hành. Nạn nhân tâm sự “mình không sao tự tin mà kết bạn được”, “cứ như vậy mình sống tiếp những ngày tháng tiếp theo của cuộc đời trong nỗi sợ người lạ”, “tôi cảm thấy vô cùng tồi tệ, từ đó tôi trở nên trầm tính, lầm lì, ít nói… tôi thực sự hoảng sợ và lo lắng”. 68,5% các nạn nhân chia sẻ họ bị ám ảnh và thường xuyên nghĩ về các vụ quấy rối tình dục, hiếp dâm và cưỡng dâm mà họ đã trải qua. Nạn nhân chia sẻ “năm nay em học lớp 9 nhưng em vẫn phải chịu nỗi ám ảnh của sáu năm trước… em rất sợ, ám ảnh lắm”, “mọi chuyện có vẻ đã kết thúc nhưng vết thương tâm lý của mình chưa bao giờ lành”, hay “chuyện đó cứ ám ảnh mình suốt mười năm nay, không lúc nào nghĩ đến mà mình không khóc”. Đặc biệt, nhiều nạn nhân rơi vào trạng thái trầm cảm, muốn chết hoặc đã từng tự tử không thành. Các nạn nhân chia sẻ “hệ lụy bây giờ em bị chứng sợ người lạ, em sợ tiếp xúc với người khác, những lúc đó em thường không thở được”, “bản thân của mình đã sớm chết rồi”, “nhiều lúc mình chỉ muốn chết đi, quên hết những gì mình đã chịu đựng”, “đôi lúc tôi nghĩ nếu tôi chết đi thì mọi [việc] có lẽ mới chấm dứt” hay “bây giờ tôi thật sự hỗn loạn. Tôi đang nghĩ đến cái chết, nghĩ tới thiên đường xa thẳm… khi cfs [confesion] này đămg [đăng] thì tôi đã ra đi từ lâu”, hay “em đã thử tự tử bằng cách cắt tay nhưng không thành”.
Burgess và Holmstrom (1974) cũng nêu thêm rằng các nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục còn thể hiện sự sợ hãi cực độ khi ở một mình hoặc gặp người lạ; những nạn nhân không có kinh nghiệm tình dục trước đó có thể phát triển sự lo sợ về hoạt động tình dục trong tương lai. 16,3% nạn nhân lo lắng các vụ BLG sẽ ảnh hưởng đến tương lai của mình. Các nạn nhân này cảm thấy bản thân mình “dơ bẩn”, “đáng ghê tởm”, “nhơ nhuốc”, “mất trinh”, và e sợ rằng người yêu hay chồng sau
này sẽ không chấp nhận họ, quá khứ của họ và thậm chí họ sợ không dám yêu ai hay không hứng thú với việc quan hệ tình dục. Các nạn nhân tâm sự “năm nay em 18 tuổi có rất nhiều người tỏ tình với em nhưng em đều từ chối vì em cảm thấy mình không xứng với họ”, “em không đủ tư cách để yêu một ai đó”, “sau này mình lấy chồng, lúc vỡ lẽ ra là mình không còn trinh tiết, anh ta có chấp nhận mình không”, hay “em sợ sau khi lấy chồng, anh ấy sẽ nghĩ em là hạng con gái gì?”.
Phần lớn các nạn nhân bị quấy rối và tấn công tình dục đối mặt với cảm giác lo âu, bất lực và bị trầm cảm kéo dài. Những khó khăn trong việc cân bằng lại sau sự cố khiến nạn nhân có nguy cơ cao bị lặp lại các hành vi bạo hành. Theo nghiên cứu của Acierno và các cộng sự (1999), chứng trầm cảm và những đối phó không thích hợp, đặc biệt ở những người trẻ tuổi và những người bị chuẩn đoán bị rối loạn tâm lý sau sang chấn, khiến tăng nguy cơ tái diễn xâm hại tình dục cho các nạn nhân.