Toàn bộ các bài báo về bạo lực gia đình đều đề cập động cơ phạm tội. Trong đó, 6/8 vụ bạo lực gia đình mà nam giới là nạn nhân đều xuất phát từ việc nạn nhân hay say xỉn và/hoặc hay đánh vợ. Hơn 40% tổng số vụ bạo lực gia đình xuất phát từ những mâu thuẫn, cãi vã, gần 30% xuất phát từ ghen tuông và gần 15% xuất phát từ say rượu (Hình 3.3).
Trừ một số bài báo thủ phạm được mô tả bằng những từ ngữ cực đoan như “yêu râu xanh”, “kẻ thủ ác”, các bài báo thường tập trung mô tả hành vi của người phụ nữ (bao gồm cả những người tiếp tục sống và chịu đựng các hành vi bạo lực, và những người phụ nữ đã chọn phương án ly hôn) như động cơ của BLG. Nguyên nhân dẫn đến các hành vi bạo lực được mô tả trong nhiều bài báo xuất phát từ lỗi của người vợ như “không cho nhậu”, “có hành vi đánh đập con… can ngăn nhưng Oanh không chịu mà hăm dọa sẽ chém”, “lấy 190.000 mà không hỏi”, “xảy ra
mâu thuẫn”, “nghi vợ ngoại tình”, “nghi vợ có quan hệ bất chính”, v.v... Chiến thuật viết như vậy dẫn dắt người đọc nghi ngờ về “nhân cách” của người phụ nữ và do đó, trách nhiệm đã bị đổ lên vai những người phụ nữ - nạn nhân của các vụ bạo lực.
Hình 3.3: Động cơ của các vụ bạo lực gia đình
Trong các bài viết mà phụ nữ là thủ phạm của hành vi bạo lực, họ cũng được mô tả như người chịu một phần trách nhiệm. Nguyên nhân của các vụ bạo lực này thường được lý giải do “bị đánh đập, vợ bóp cổ chồng”, “bị tát, vợ cầm dao đâm chồng chết”, “người đàn bà đánh vào vùng kín của chồng trong cơn tức giận” hay “chồng ngoại tình, vợ rủ em gái ra tay sát hại”. Trong bối cảnh văn hóa Việt, người phụ nữ mặc nhiên được coi là mềm mỏng, bao dung và có vai trò hóa giải sự nóng nảy của người chồng, khi chồng nóng giận thì tìm cách né tránh chứ không phải
Bạo lực giới dưới góc nhìn báo chí đương đầu. Hành vi của những người phụ nữ được mô tả như sự thách thức lại khuôn mẫu truyền thống và do đó, họ “đáng” bị lên án. Bên cạnh đó, cách mô tả hành vi bạo lực xảy ra trong tình trạng “tức nước vỡ bờ” hoặc “ăn miếng trả miếng” như vậy làm mờ đi các vấn đề về giới, đồng điệu các hành vi BLG với các dạng hành vi bạo lực khác.
Báo chí còn đưa ra những động cơ có thể xem như yếu tố giảm tội cho thủ phạm nam như: say rượu hay thất nghiệp, đôi khi một số hành vi của người phụ nữ như ngoại tình cũng được sử dụng để giải thích cho việc người đàn ông bạo hành vợ hoặc người chung sống với mình. Khi những yếu tố đó đã được viết ra, các bài báo không tìm kiếm nguyên nhân sâu xa và đề xuất phương án ngăn chặn những hành vi bạo lực. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao người đàn ông say rượu hay thất nghiệp không gây hấn với ai đó khác mà chỉ “thường xuyên đánh vợ?” Phải chăng các bài báo phản ánh việc người vợ bị xem là yếu thế hơn và người đàn ông được “quyền” đánh đập? Cách sử dụng ngôn ngữ mơ hồ để miêu tả hành vi của người phụ nữ đã làm ẩn đi yếu tố về giới trong các vụ bạo lực này.
Thêm vào đó, nhu cầu tình dục được đưa ra như động cơ của các vụ bạo lực về thể xác trong các cặp đôi vẫn đang chung sống hoặc đã ly hôn. Cụ thể, thủ phạm gây ra các hành vi bạo lực do không được thỏa mãn nhu cầu về tình dục, như “do không được chiều”, “bị từ chối yêu”. Với lối viết như vậy, người đọc có thể sẽ diễn dịch ra rằng “cô ấy sẽ không bị đánh/bị bạo lực nếu cô ấy cho anh ta cái anh ta muốn?”. Ở Việt Nam còn tồn tại những thái độ trái ngược nhau trước vấn đề cưỡng bức tình dục trong hôn nhân. Một mặt người ta cho rằng nam giới không nên cưỡng bức vợ mình sinh hoạt tình dục, mặt khác họ lại tin rằng phụ nữ phải đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng mình (UN, 2010). Khi người phụ nữ không đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng, thậm chí khi đã ly hôn, tức là họ đi ngược lại mong đợi về vai trò của người vợ và đó là lý do khiến họ bị bạo hành. Một lần nữa, người phụ nữ phải chịu trách nhiệm cho những tổn thương mà người chồng gây ra cho chính họ.