Thuyết Một thế giới công bằng được các nhà tâm lý học xã hội nghiên cứu rộng rãi kể từ những năm 1960, sau thực nghiệm của Melvin J. Lerner và các đồng nghiệp. Thuyết này được áp dụng rộng rãi trong nhiều tình huống, gây ra những phản ứng tiêu cực đối với nạn nhân của BLG cũng như những người may mắn trong cờ bạc hay bất lợi như đói nghèo, bạo lực gia đình, hiếp dâm, v.v… (De Judicibus và McCabe, 2001; Valor-Segura, Exposito và Moya, 2011). Theo đó, con người tin rằng thế giới là một nơi công bằng, nơi mà mỗi hành động của con người đều có thể đoán trước hậu quả đi kèm; những điều tốt đẹp sẽ xảy ra với người tốt, còn kẻ xấu sẽ bị trừng trị, một người sẽ nhận được những gì mà họ đáng được nhận (Lambert và Raichle, 2000; Lerner, 1980; Lerner và Matthews, 1967; Lerner và Simmons, 1966). Các hành động mang tính phản xã hội, như bạo hành, hiếp dâm, v.v… đã làm hỏng đi hình ảnh một thế giới lý tưởng; tạo cho con người cảm giác bị mất quyền kiểm soát đối với cuộc sống cũng như sự an toàn của mình. Để bảo vệ cảm giác an toàn và niềm tin của mình, nhiều người sử dụng các cách khác nhau, trong đó bao gồm việc quy kết rằng nạn nhân đáng bị như vậy. Sự giải thích duy lý đó cho phép người ta tiếp tục tin rằng những điều không may sẽ không xảy ra với họ, miễn là họ cẩn thận và có nhân cách “tốt” (Lerner, 1980; Lerner và Miller, 1978; Valor-Segura, Exposito và Moya, 2011; Van der Bruggen và Grubb, 2014).
Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa giả thuyết Một thế giới công bằng và sự chấp nhận, hay hợp thức hóa BLG trên thế giới, đặc biệt là bạo lực gia đình và tấn công tình dục. Khi thế giới là công bằng thì phải có một lí do nào đó khiến một người gây ra những hành vi bạo lực, ví dụ như anh ta đánh vợ bởi vì cô ấy đáng bị như vậy hoặc anh ta cưỡng hiếp cô ấy do cô ấy đã khiêu khích anh ta (Furnham, 2003; Rubin và Peplau, 1975; Sakalli-Ugurlu, Yalcin và Glick, 2007; Schuller, Smith và Olson, 1994). Những nghiên cứu này cũng đã chỉ ra rằng những người có niềm tin mãnh liệt vào Một thế giới công bằng có xu
hướng đổ lỗi cho nạn nhân nhiều hơn và họ cho rằng thủ phạm ít đáng khiển trách hơn so với những người ít tin vào giả thuyết này (Valor-Segura, Exposito và Moya, 2011; Stromwall, Alfredsson và Landstrom, 2012).
Bên cạnh đó, trong nghiên cứu của mình về đổ lỗi cho nạn nhân của những vụ tấn công tình dục, Sinclair và Bourne (1998) cũng chứng minh giả thuyết này có ảnh hưởng và được sử dụng nhiều đối với nạn nhân là
nữ giới và ít ảnh hưởng đến nạn nhân là nam giới. Do đó, thuyết Một thế giới công bằng không thể hoàn toàn giải thích vì sao người ta lại
đổ lỗi cho nạn nhân.