Hầu hết các bài viết về các vụ xâm hại tình dục trẻ em và bạo lực tình dục không đề cập động cơ phạm tội của thủ phạm. Hai trong số 38 bài báo về các vụ xâm hại tình dục trẻ em xác định nguyên nhân do thủ phạm có vấn đề về tâm thần và là kẻ mê phim đen, bốn bài viết đưa ra lý do thủ phạm say rượu. Hai trong sáu bài báo về các vụ hiếp dâm xác định nguyên nhân do thủ phạm say rượu. Sự thiếu vắng nguyên nhân trong các bài viết tạo nên quan niệm rằng xâm hại tình dục và hiếp dâm dường như không có lời giải thích hoặc do thủ phạm trong tình trạng không ý thức được.
Niềm tin rằng không có một nguyên nhân nào lý giải cho hành vi bạo lực ngăn cản con người cố gắng suy nghĩ tại sao hành động đó lại được thực hiện (Turkewitz, 2010). Việc cho rằng không có lý do hoặc hợp lý hóa hành động của thủ phạm trong các vụ hiếp dâm hoặc xâm hại tình dục trẻ em mang một số ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, nó loại bỏ các trách nhiệm của xã hội hoặc môi trường xung quanh - những yếu tố có ảnh hưởng đến hành vi và nhân cách của thủ phạm. Thứ hai, các hành vi bạo lực đó bị xem xét và xử lý như những hiện tượng riêng biệt mang tính cá nhân. Việc này ám chỉ thủ phạm là người xấu và nằm ngoài chuẩn mực xã hội. Thứ ba, việc tin rằng không có lý do nào đó cho các hành vi BLG này còn loại bỏ các trách nhiệm của các tiêu chuẩn xã hội và các giá trị văn hóa. Việc duy trì niềm tin rằng không có lời giải thích nào cho những vụ hiếp dâm hay xâm hại tình dục trẻ em làm cho công chúng được an ủi hơn khi không đổ lỗi cho văn hóa của chúng ta và do đó không có bất kỳ hành động nào thách thức niềm tin và ý thức hệ đang tồn tại trong xã hội.
Đối với những vụ quấy rối tình dục, nạn nhân - những người phụ nữ cũng được mô tả như phải chịu trách nhiệm cho những hành vi bạo lực mà họ phải trải qua. “Tình dục” được xem xét như nguyên nhân gây ra hành vi bạo lực khác - giết người. Các từ ngữ được sử dụng để mô tả động cơ như “đòi quan hệ tình dục bất thành”, “xin tình”, “bị từ chối
tình một đêm”. Bên cạnh đó, các bài báo cũng đề cập các hành vi được cho là “bất chính” của nạn nhân như nguyên nhân khởi phát những hành vi quấy rối và giết người của thủ phạm. Việc mô tả hình ảnh nạn nhân một cách “mập mờ” như vậy củng cố niềm tin cho người đọc rằng nạn nhân là người “xấu”, “không đáng tin cậy”, “dâm loạn” và vì vậy họ đáng phải chịu bạo hành. Một số ví dụ như “phát hiện bà Phúc nói chuyện với người đàn ông lạ mặt ở giáp ranh đất. Nghĩ hàng xóm có mối quan hệ ngoài luồng với người đàn ông kia” hoặc “phát hiện anh Ng.Kh.T đứng trong sân chị H. Nghi ngờ chị H và anh T vừa mới tâm sự với nhau xong, Lài tới bên chị H xin tình một đêm”.