Thương mại quốc tế ngày càng phát triển. Tiến trình tự do hoá thương mại đã được tăng tốc bởi vòng đàm phán Uruguay, điều này có nghĩa là các hàng rào phi thuế quan như quota sẽ được bãi bỏ và những hàng rào thuế quan cũng sẽ được cắt giảm. Tuy nhiên, thương mại thế giới vẫn gặp rất nhiều cản trở, khó khăn do các quốc gia lần lượt dựng lên những rào cản kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, cản trở sự phát triển thương mại tự do. Và các rào cản này thực sự đã gây ra thiệt hại lớn cho các nước khi gặp phải chúng do đó dẫn đến những cuộc trả đũa giữa các nước bóp méo thương mại quốc tế.
Do hình thức đa dạng và linh hoạt nên các rào cản kỹ thuật có phạm vi ảnh hưởng rất rộng rãi. Theo điều tra của Trung tâm thương mại quốc tế (INTRACEN –
International Trade Centre), chỉ riêng các rào cản liên quan đến môi trường cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến 3746 sản phẩm trong số 4917 sản phẩm được nghiên cứu. Trong khi đó, nghiên cứu năm 1999 của WTO về rào cản thương mại đã chỉ ra rằng chỉ có 11% trong số 2.300 các thông báo về các rào cản kỹ thuật trong thương mại là có liên quan đến môi trường. Như vậy có thể thấy hầu hết thương mại thế giới gặp phải cản trở của các rào cản kỹ thuật. Một khi, các nước nhập khẩu sử dụng rào cản kỹ thuật thì các nước xuất khẩu sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn: xuất khẩu bị giảm sút, hàng hoá bị tiêu huỷ hay trả lại gây tổn thất lớn cho các nước này. Thực tế, thương mại thế giới đã xảy ra nhiều trường hợp bị cản trở và thiệt hại do gặp phải các rào cản kỹ thuật.
Trung Quốc là một quốc gia có tiềm lực phát triển kinh tế và năng lực xuất khẩu lớn nhưng cũng gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật từ phía các thị trường nhập khẩu. Do xuất hiện bệnh lở mồm long móng ở Hongkong, Indonesia đã cấm nhập khẩu ngô Trung Quốc dù rằng chưa có bằng chứng nào về dịch bệnh này ở đại lục và cũng không có bằng chứng nào chứng minh mối liên hệ giữa bệnh này với ngô nhập khẩu. Đầu năm 2002, do bị phát hiện có hàm lượng chất chloramphenicol và enrofloxacine quá cao trong các sản phẩm nên Trung Quốc đã bị EU ra lệnh cấm nhập khẩu tôm trong 3 tháng và bị loại ra khỏi danh sách I các nước được phép xuất khẩu thuỷ sản sang EU. EU cũng cấm nhập khẩu thịt gà, thịt thỏ, mật ong. Cũng như EU, cơ quan vệ sinh dịch tễ Nga cũng ban hành lệnh cấm tạm thời đối với thịt lợn, thịt bò và thịt gà nhập khẩu từ Trung Quốc. Những rào cản kỹ thuật từ các nước này đã kìm hãm xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông sản và thực phẩm. Theo báo cáo của Bộ thương mại Trung Quốc, năm 2001, có tới 71% các nhà xuất khẩu Trung Quốc và 39% mặt hàng xuất khẩu của nước này gặp phải các rào cản kỹ thuật, khiến họ thiệt hại 17 tỷ USD, bằng 5,2% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, riêng hàng nông sản chiếm tới 90% và thiệt hại của mặt hàng này lên tới 9 tỷ USD.
Không chỉ có Trung Quốc, thương mại các nước khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề do rào cản kỹ thuật. Hồi đầu năm 2001, các nước châu Á đã bị EU ra quyết định tịch thu và tiêu huỷ nhiều lô hàng tôm nhập khẩu do phát hiện có dư lượng chất kháng sinh cao trong những lô hàng này của 5 nước châu Á và EU cũng quyết định sẽ kiểm tra toàn bộ các lô hàng thuỷ sản nhập khẩu từ các nước này. Dù chloramphenicol là loại kháng sinh được coi là có khả năng gây hại cho người nhưng khoa học chưa đưa ra được một mức dư lượng tối đa không gây hại cho sức khoẻ. Gần đây nhiều công trình khoa học tại Hà Lan đã cho thấy nếu mức dư lượng thấp đến phần tỷ (ppb) thì các chất kháng sinh này cũng vô hại đối với người tiêu dùng. Và với lượng tiêu thụ tôm hàng năm của con người thì mức gây hại của chúng thấp hơn 5000 lần so với liều lượng có thể gây bệnh ung thư (1). Mặc dù vậy, EU vẫn kiểm tra ngày càng gắt gao dư lượng kháng sinh trong các lô hàng bằng những trang thiết bị mới hiện đại. Như vậy có thể thấy thực sự EU đã dựng lên một rào cản kỹ thuật đối với thực phẩm và thuỷ sản nhập khẩu vào EU. Rào cản này của EU đã gây thiệt hại không nhỏ cho các nước xuất khẩu thuỷ sản và thực phẩm châu Á. Lợi nhuận của xuất khẩu của các nước này đã bị sụt giảm mạnh, tiêu biểu là Thái Lan, một nước xuất khẩu thuỷ sản lớn ở châu Á. Do việc tăng cường kiểm tra dư lượng kháng sinh của EU mà xuất khẩu tôm của Thái Lan năm 2001 đã giảm 20-25% so với năm trước, trị giá tương đương là 100 tỷ bạt (2). Đầu năm 1996, do phát hiện một loại bệnh có tên là bệnh bò điên (Mad-Cow disease) ở Anh quốc và có thể đó là do ăn phải thịt của những con bò điên nên Pháp và các nước Âu châu đã tuyên bố cấm nhập khẩu thịt bò của Anh. Sự kiện này đã khiến Anh thiệt hại hàng tỷ đô la vì thịt bò là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Anh. Cho đến tháng 3/2002, Pháp vẫn kiên quyết duy trì lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Anh cho dù quyết định của Liên minh châu Âu cho rằng lệnh cấm này là bất hợp pháp vì bệnh bò điên tại Anh đã được thanh toán. Sau đó, chính Pháp cũng bị các nước cấm vận thịt bò vì nguy cơ mắc bệnh bò điên.
(1) Tạp chí Doanh nghiệp thương mại, số 160, 2002 (2)
Canada chỉ có một trường hợp duy nhất về bệnh bò điên xảy ra mà cũng bị 30 nước cấm nhập khẩu thịt bò. Ngành xuất khẩu thịt bò của Canada bị thiệt hại nặng nề, ước tính khoảng 27 triệu đôla Canada (tương đương 19 triệu USD) mỗi ngày. Năm 2001, do dịch bệnh lở mồm long móng ở lợn nên EU đã cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn, sữa và gia súc từ Anh, Mỹ cũng ngừng nhập khẩu thịt lợn từ Anh mặc dù Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm của Anh đã tuyên bố bệnh này không gây nguy hiểm gì cho người. Những lệnh cấm này đã làm cho nền nông nghiệp Anh phải lao đao. Cũng dựa vào lý do đó mà Bộ nông nghiệp Braxil đã ban hành lệnh cấm nhập gia súc của Argentina cùng đa số chủng loại thịt bò và sản phẩm có nguồn gốc từ bò. Tokyo cũng đã cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ Hàn Quốc trong 2 năm liền do nguy cơ của bệnh này.Từ những sự kiện trên, chúng ta có thể thấy vì rào cản vệ sinh mà các nước nhập khẩu áp dụng (ngay cả khi nguy cơ lây nhiếm không còn) mà các nước có dịch bệnh bò điên đã phải chịu thiệt hại lớn: phải tiêu huỷ những sản phẩm bị nghi ngờ mang bệnh, các sản phẩm bị tẩy chay không xuất khẩu được gây ra những tổn thất khổng lồ cho các nước này.
Hiệp định về rào cản kỹ thuật và Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và vệ sinh thực phẩm của WTO cho phép các thành viên, trong những điều kiện cụ thể, duy trì mức độ bảo vệ thích hợp mà người dân đã chấp nhận trong khuôn khổ luật pháp của nước mình. Do đó, các nước đã lợi dụng điều này để dựng lên những rào cản đối với thương mại và cũng đã gây ra những vụ tranh chấp, trả đũa giữa các nước vì vấn đề này. Tháng 9/2002, Trung Quốc đã tuyên bố cấm nhập khẩu mỹ phẩm từ 18 nước châu Âu đã bị ảnh hưởng của dịch bò điên, lấy lý do là sợ các sản phẩm đó được sản xuất từ thịt bò, cừu, dê để trả đũa việc EU cấm nhập khẩu thuỷ sản và các sản phẩm thịt của Trung Quốc, dù EU đã cấm sử dụng nguyên liệu từ những động vật trên để sản xuất mỹ phẩm từ giữa những năm 90. Canada cũng đã gây sức ép với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trong cuộc họp của
WTO khi các nước này vẫn cấm nhập khẩu thịt bò từ Canada khi Canada đã chứng minh được thịt bò của nước mình an toàn. Pêru đã đệ đơn kiện EU vi phạm Hiệp định về rào cản kỹ thuật lên WTO hồi đầu năm 2001 khi EU tuyên bố chỉ có loài cá Sardin pilchardus Walbaum ở đông bắc Đại Tây Dương mới gọi là cá Sardin vì điều này không phù hợp với các tiêu chuẩn dinh dưỡng của Codex. Nhưng EU đã phản đối những lập luận đó và đưa ra Hội đồng thượng thẩm WTO. Các vụ tranh chấp và trả đũa thương mại giữa các nước đã ngăn cản thương mại quốc tế, đi ngược lại xu hướng tự do hoá thương mại, gây thiệt hại cho thương mại các nước nói riêng và thương mại thế giới nói chung.
Như vậy, ta có thể thấy mức độ ảnh hưởng của các loại rào cản kỹ thuật đối với thương mại quốc tế lớn như thế nào. Những rào cản này thực sự gây nhiều khó khăn và thiệt hại cho các nước khi phải đối mặt với chúng.
Các nước có trình độ phát triển cao, có tiềm lực kinh tế lớn và có ảnh hưởng đối với thương mại quốc tế là những nước thường áp dụng các rào cản kỹ thuật vì các nước này có đầy đủ cơ sở vật chất và kỹ thuật để đưa ra các rào cản và cũng có thể dựa vào tiềm lực của mình để ép các quốc gia khác phải tuân thủ các điều kiện do mình đặt ra. Và thực tế cũng chỉ ra rằng các nhà xuất khẩu của các nước đang và kém phát triển là những nước chịu tác động của rào cản kỹ thuật nhiều nhất bởi hàng xuất khẩu của những nước này chủ yếu dựa vào thiên nhiên có nguồn gốc đa dạng sinh học mà việc khai thác chế biến ảnh hưởng đến môi trường, trình độ khoa học công nghệ thấp kém nên các tiêu chuẩn chất lượng và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn không cao vì vậy khó có thể vượt qua được các rào cản đó khi mà thậm chí các nước phát triển cũng gặp không ít khó khăn khi gặp phải. Trong tương lai thậm chí các nước kém phát triển này còn gặp phải những khó khăn còn lớn hơn khi các nước tăng cường sử dụng những rào cản này.
THỰC TIỄN ÁP DỤNG RÀO CẢN KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI Ở
MỘT SỐ NƯỚC CÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN