II. Các hệ thống quản lý chất lượng thường được sử
2. Hệ thống quản trị môi trường ISO 14000
ISO 14000 là tiêu chuẩn về hệ thống quản trị môi trường (Environment Management System – EMS) do Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế ISO xây dựng và ban hành. ISO 14000 bắt nguồn từ sự cam kết của ISO nhằm hỗ trợ mục tiêu “phát triển bền vững” được thoả luận tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển ở Rio de Janeiro, 1992. ISO thành lập Uỷ ban kỹ thuật ISO/TC207 về quản lý môi trường năm 1993. Thành phần của Uỷ ban Kỹ thuật TC 207 gồm các phái đoàn thương mại và chuyên gia chính phủ từ 55 quốc gia tham gia và có 16 quốc gia tham gia với tư cách quan sát viên. Những tiêu chuẩn đầu tiên do TC 207 xây dựng được ấn hành năm 1996. Kết quả hoạt động của Uỷ ban này được biết chung dưới tiêu đề “bộ tiêu chuẩn ISO 14000”. Bộ tiêu chuẩn ISO 14000 là tập hợp các tiêu chuẩn cùng họ, bao gồm các tiêu chuẩn và các hướng dẫn chủ yếu liên quan đến vấn đề quản lý môi truờng. Bộ tiêu chuẩn này thích ứng với yêu cầu giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu, mục đích chính của nó là cải thiện việc quản lý môi trường, bảo vệ môi trường, chú trọng đến các tác động, các ảnh hưởng xấu của quá trìng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến môi trường. Áp dụng ISO 14000 đi liền với việc thiết lập vận hành một hệ thống quản lý môi trường.
Các tiêu chuẩn ISO 14000 dưa ra những chuẩn cứ được quốc tế thừa nhận về quản lý, đo lường và đánh giá môi trường. Các tiêu chuẩn này tuy không đề cập
đến những chỉ tiêu chất lượng môi trường nhưng những công cụ được đưa ra lại là những công cụ hữu hiệu giúp các tổ chức và các doanh nghiệp thực hiện việc đánh giá và kiểm soát tác động môi trường đối với các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ của mình. ISO 14000 được biên soạn để áp dụng cho tất cả các loại hình và quy mô tổ chức/doanh nghiệp. Kể từ những tiêu chuẩn đầu tiên được xuất bản năm 1996 đến nay, bộ tiêu chuẩn ISO đã có khoảng 20 tiêu chuẩn, báo cáo kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng.
Theo tiêu chuẩn ISO 14001 – Hệ thống quản lý môi trường. Quy định và hướng dẫn sử dụng ( một trong các tiêu chuẩn của bộ ISO 14000), một hệ thống quản lý môi trường gồm 5 thành phần cơ bản sau:
Chính sách môi trường: phù hợp với bản chất, quy mô và tác động môi trường của các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ, thể hiện các định hướng và cam kết về cải tiến liên tục, tuân thủ các quy định về môi trường và ngăn ngừa ô nhiễm.
Lập kế hoạch: xác định và phân tích các khía cạnh của tác động môi trường do các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ gây ra, thiết lập các mục tiêu và chỉ tiêu môi trường nhất quán với chính sách môi trường, định rõ trách nhiệm nhằm đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu ở từng bộ phận chức năng, định rõ phương tiện và biểu đồ thời gian để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu.
Áp dụng và hoạt động: xây dựng và đưa ra các quy trình (đào tạo, thông tin, tài liệu, kiểm soát tài liệu, kiểm soát hoạt động…) vào thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu môi trường đã đề ra.
Kiểm tra và hành động chỉnh sửa: giám sát và đo các chỉ tiêu môi trường nhằm đánh giá sự phù hợp so với các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, trong trường hợp chưa đạt được sự phù hợp thì phải có các thủ tục xác định trách nhiệm và quyền hạn xử lý cũng như tiến hành các hành động khắc phục,
thiết lập và duy trì một chương trình và trình tự đánh giá định kỳ hệ thống quản lý môi trường.
Xem xét lại của ban lãnh đạo: lãnh đạo cao nhất của tổ chức sau từng thời gian đã được xác định xem xét lại hệ thống quản lý môi trường nhằm đảm bảo tính thích hợp, đầy đủ và hiệu quả liên tục của hệ thống.
Giống như bộ tiêu chuẩn ISO 9000, bộ tiêu chuẩn ISO 14000 cũng đem lại lợi ích không nhỏ đối với doanh nghiệp. Trong nền thương mại quốc tế hiện nay, một số quốc gia thường lợi dụng điều khoản liên quan đến những biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ con người để bảo vệ sản phẩm của mình dựng lên những rào cản môi trường đối với thương mại thì ISO 14000 có thể được coi là một sự đảm bảo cho hàng hoá của các nước có thể vượt qua các rào cản đó để bước chân vào thị trường các nước khác.
Tóm lại ISO 14000 góp phần làm tăng ý thức bảo vệ môi trường của người dân, thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật về công tác bảo vệ môi trường, giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước thông qua việc giảm giá thành, tạo lập hình ảnh tốt đẹp trong tâm trí người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển của “mậu dịch xanh”.