Áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế

Một phần của tài liệu Tài liệu Luận văn "RÀO CẢN KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỘT SỐ NƯỚC CÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN VÀ CÁC BIỆN PHÁP GIÚP VIỆT NAM VƯỢT RÀO CẢN " doc (Trang 92 - 93)

II. Các giải pháp giúp Việt Nam vượt rào cản kỹ thuật

2.2.Áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế

2. Các giải pháp ở cấp độ doanh nghiệp

2.2.Áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế

Trong điều kiện hiện nay, trước tình trạng các doanh nghiệp của các nước đang phát triển đang phải đối đầu với những đòi hỏi chứng nhận phù hợp với những yêu cầu về chất lượng, môi trường, vệ sinh và an toàn thực phẩm được quy định trong các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật đông thời cũng là rào cản của các nước phát triển, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế đã trở thành yêu cầu bắt buộc cho các doanh nghiệp nếu muốn bước chân vào các thị trường này.

Hiện nay, các doanh nghiệp có thể áp dụng các hệ thống chất lượng được công nhận rộng rãi trên thế giới như hệ thống quản trị theo tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế ISO 9000, hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ TQM, hệ thống quản lý chất lượng theo HACCP, GMP cho các xí nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm, nông sản và thuỷ sản, hệ thống quản trị môi trường theo ISO 14000... Áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện hình ảnh của mình, tạo niềm tin cho bạn hàng và người tiêu dùng. Việc áp dùng các hệ thống này sẽ đem lại cho doanh nghiệp nhiều cái lợi so với sự đầu tư ban đầu.

Tính đến nay, cả nước đã có khoảng 500 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hệ thống chất lượng ISO 9000, hơn 40 doanh nghiệp đạt chứng chỉ ISO 14000 và trong tổng số 264 cơ sở chế biến thuỷ sản thì đã có 78 cơ sở được công nhận đạt tiêu chuẩn của hệ thống HACCP (12). Đây là những con số đáng mừng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã có ý thức trong việc áp dụng các hệ thống chất lượng quốc tế. Nhưng những con số này còn thấp so với những doanh nghiệp còn chưa áp dụng các hệ thống này. Vì không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm và có điều kiện áp dụng các hệ thống chất lượng đó. Trong số các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống chất lượng thì còn nhiều doanh nghiệp còn chưa thực sự chú trọng mà chủ yếu nặng về hình thức.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa tới việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế ở doanh nghiệp mình vì những hệ thống này sẽ giúp cho các doanh nghiệp cũng như sản phẩm của doanh nghiệp được công nhận toàn cầu và có thể vượt qua các quy định về chất lượng, vệ sinh và môi trường của các nước nhập khẩu đồng thời cũng được người tiêu dùng ưa thích hơn. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có điều kiện áp dụng các hệ thống này thì Nhà nước cần có sự hỗ trợ, bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tự mình tìm ra các giải pháp thích hợp tuỳ điều kiện của mình. Đầu tư áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế không những giúp doanh nghiệp có thể thoả mãn yêu cầu của những thị trường khó tính mà doanh nghiệp còn có thể kiểm soát, quản lý chất lượng tốt hơn, giảm những sản phẩm khuyết tật đồng thời tiết kiệm chi phí kiểm tra, kiểm soát và sửa chữa cho doanh nghiệp.

Có thể nói hiện nay, việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đã trở nên phổ biến và là một một điều kiện không thể thiếu cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ví dụ như: giấy chứng nhận ISO 9000 được xem là “ngôn ngữ đảm bảo chữ tín” về chất lượng giữa các doanh nghiệp, ISO 14000 được coi là tấm “hộ chiếu xanh” cho hàng hoá và HACCP là một tiêu chuẩn bắt buộc đối với thực phẩm để xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển. Vì thế, để có thể tồn tại và phát triển được trong tương lai thì các doanh nghiệp Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác là phải áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Một phần của tài liệu Tài liệu Luận văn "RÀO CẢN KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỘT SỐ NƯỚC CÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN VÀ CÁC BIỆN PHÁP GIÚP VIỆT NAM VƯỢT RÀO CẢN " doc (Trang 92 - 93)