II. Các giải pháp giúp Việt Nam vượt rào cản kỹ thuật
2. Các giải pháp ở cấp độ doanh nghiệp
2.3. Gắn “nhãn sinh thái” cho hàng hoá
“Thương mại - môi trường” chính là xu hướng phát triển trong tương lai của thương mại quốc tế. Các quốc gia ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sinh thái nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia mình và của cả thế giới. Một công cụ mà các nước trên thế giới hiện nay đang sử dụng để dung hoà giữa yêu cầu phát triển thương mại quốc tế và bảo vệ môi trường là “nhãn sinh thái”.
“Nhãn sinh thái” (hay còn gọi là “nhãn xanh”) là một trong những nội dung quan trọng của Bộ tiêu chuẩn ISO 14000. Đó là một chứng chỉ được các cơ quan chứng nhận cấp cho sản phẩm, hàng hoá, chứng nhận sản phẩm, hàng hoá đó ít gây tổn hại đến môi trường (nói cách khác là “thân thiện với môi trường”). Nhãn sinh thái là sự khẳng định uy tín của sản phẩm và của nhà sản xuất trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Các sản phẩm được gắn nhãn sinh thái rất được người tiêu dùng ưa chuộng và thường có giá bán cao hơn các sản phẩm cùng loại. Nhãn sinh thái chính là một yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp ngoại thương, đồng thời, nó cũng là công cụ giúp hàng hoá của các nước đang phát triển vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường khó tính. Vì hiện nay, các nước công nghiệp phát triển thường sử dụng các yêu cầu về bảo vệ môi trường để hạn chế hàng nhập khẩu từ các nước khác. Và rào cản này thường gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp của các nước đang phát triển.
Ở Việt Nam việc sử dụng nhãn sinh thái cho một số mặt hàng ở các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đã được bắt đầu nghiên cứu, xem xét từ năm 2002. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt nhận thức và thông tin cho nên nhãn sinh thái còn là một vấn đề hết sức mới mẻ nên nhiều doanh nghiệp còn chưa hiểu được nội dung cũng như tầm quan trọng của việc áp dụng nhãn sinh thái đối với các sản phẩm của mình. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường về nhãn sinh thái thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách. Hiện nay, ở nước ta, việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 9000 đã là một khó khăn đối với doanh nghiệp chứ chưa nói đến việc áp dụng ISO 14000. Các doanh nghiệp nước ta phải đối mặt với những thách thức về trình độ quản lý và kinh phí, đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi áp dụng nhãn sinh thái. Vì thế, ngoài sự tự nỗ lực của các doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần có những hỗ trợ cần thiết để các doanh nghiệp có thể từng bước triển khai việc gắn nhãn sinh thái cho hàng hoá.
Trong tương lai, do sức ép của vấn đề môi trường quốc tế, nhãn sinh thái sẽ là điều kiện bắt buộc đối với mọi hàng hoá nếu muốn thâm nhập các thị trường nước ngoài. Điều này sẽ cản trở khả năng thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp các nước đang phát triển như nước ta hiện nay. Do đó mà ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự trang bị cho mình một cách đầy đủ các yêu cầu về triển khai việc dán nhãn sinh thái và phải coi đó như một yêu cầu tất yếu cấp bách mà doanh nghiệp phải thực hiện. Từ đó, có những bước chuẩn bị cần thiết để có thể áp dụng nhãn sinh thái trong một tương lai gần.