II. Mỹ
2. Một số quy định kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu vào thị trường Mỹ
Tuy không phải là một thị trường khó tính như EU hay Nhật Bản nhưng Mỹ cũng là một thị trường có những đòi hỏi nghiêm ngặt đối với hàng hoá nhập khẩu. Mỹ rất quan tâm đến xuất xứ của hàng hoá vì lý do an ninh và ưu đãi thuế quan. Vấn đề nhãn mác và thương hiệu hàng hoá cũng được rất chú trọng tại thị trường này. Nhãn mác phải chứa đựng đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hoá. Và các doanh nghiệp cần đăng ký thương hiệu tại thị trường Mỹ để bảo vệ quyền lợi cho mình. Mỹ cũng có yêu cầu cao đối với vấn đề chất lượng và vệ sinh thực phẩm.
* Quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá
Hàng hoá khi xuất sang Mỹ phải ghi rõ nhãn của nước xuất xứ trên sản phẩm. Luật Hải quan của Mỹ, điều 134 quy định trừ một số mặt hàng theo danh sách riêng được miễn ghi tên nước xuất xứ còn lại tất cả các hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ đều phải ghi tên của nước xuất xứ tại một vị trí dễ thấy và bằng cách không phai mờ, thường xuyên theo đúng bản chất của hàng hoá. Tên của nước xuất xứ phải được ghi bằng tiếng Anh. Các nước thuộc NAFTA thì có thể ghi tên nước xuất xứ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha. Ngoài ra, trong các Luật khác cũng có những quy định cho các loại hàng hoá cụ thể:
Luật thuế quan năm 1984 bắt buộc ghi xuất xứ đối với những loại ống khớp nối, xi lanh ga, nắp cống và khung nhập khẩu.
Luật thương mại và cạnh tranh năm 1988 yêu cầu ghi rõ xuất xứ nơi thu hoạch đối với nấm đóng hộp.
Luật nhãn mác ô tô Mỹ có những quy định chi tiết về xuất xứ phụ tùng, việc lắp ráp ô tô và ô tô nguyên chiếc.
(5)
Luật nông trại 2002 quy định các mặt hàng thực phẩm tươi và đông lạnh như: thịt bò (kể cả bê), thịt cừu, thịt lợn pha, xay, cá thuỷ sản dòng giáp xác nuôi hoặc được đánh bắt từ tự nhiên, rau quả và lạc… trên thị trường Mỹ cần phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nếu hàng hoá không tuân thủ các quy định về nước xuất xứ sẽ bị phạt 10% trị giá (không kể các loại thuế và phí khác), đồng thời nhà nhập khẩu vẫn phải tuân thủ những quy định có liên quan khác như hàng sẽ bị giữ lại tại hải quan cho đến khi nhà nhập khẩu thu xếp tái xuất, tiêu huỷ hay làm lại cho đúng dưới sự giám sát của hải quan. Phần 1907 (a) của Luật thương mại và cạnh tranh tăng mức phạt tối đa có thể lên tới 100.000 USD cho lần đầu cố tình vi phạm thay đổi hoặc xoá nhãn ghi xuất xứ và 250.000 USD cho lần tái phạm sau.
* Quy định về nhãn mác và thương hiệu
Về nhãn mác của hàng hoá, hầu hết các mặt hàng sản xuất hay nhập khẩu vào Mỹ đều phải tuân thủ các quy định về nhãn mác của các cơ quan chuyên ngành trừ những loại hàng hoá được hải quan miễn trừ theo quy chế hải quan cho phép. Ví dụ, theo Luật 19 USC 1526(d); 19 CFR 148.55 thì các hàng hoá mang theo người nhập cảnh vào Mỹ, nếu là đồ dùng cá nhân, không phải để bán thì được quyền miễn trừ về nhãn mác. Các hàng hoá phải dính mác một cách rõ ràng tại những nơi quy định để có thể nhận biết rõ rệt về nước sản xuất ra những hàng hoá đó cũng như hàm lượng các chất làm ra các sản phẩm đó. Ngoài những thông tin chung như tên hàng, tên, địa chỉ người sản xuất, đóng gói, kinh doanh hoặc phân phối sản phẩm, tên nước xuất xứ của hàng hoá…, từng mặt hàng cụ thể có những quy định chi tiết riêng. Nhãn hàng tiêu dùng thì nhất định phải có mã số, mã vạch. Nhãn hàng thực phẩm thì phải ghi rõ thành phần hoá học chủ yếu, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Đối với đồ điện, nhãn hàng phải có chỉ dẫn về an toàn; nếu là quần áo thì phải có chỉ dẫn về giặt, là, phơi.
Các doanh nghiệp khi xuất hàng sang Mỹ cần chú ý đăng ký thương hiệu với Văn phòng sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) để nhận được những quyền ưu tiên cho người sở hữu thương hiệu. Luật pháp Mỹ quy định hàng hoá mang thương hiệu giả hay sao chép thương hiệu đã được đăng ký và lưu bản quyền tại cục Hải quan đều bị cấm nhập khẩu vào Mỹ, bị thu giữ, tịch thu sung công hoặc tiêu huỷ.
* Quy chế kiểm dịch động thực vật
Khi xuất hàng thực phẩm, dược phẩm sang Mỹ, các doanh nghiệp cần chú ý theo dõi diễn biến tình hình các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn đồng thời chủ động chuẩn bị thực hiện các quy chế mới của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ.
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm - FDA (Food and Drug Administration) là cơ quan của Bộ Y tế Mỹ, tập hợp nhiều nhà khoa học kỹ thuật của Mỹ để đề ra và giám sát thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tiêu dùng đối với hàng thực phẩm, dược phẩm và dụng cụ y tế và mỹ phẩm sản xuất tại Mỹ cũng như nhập khẩu từ nước ngoài vào lãnh thổ Mỹ. Hàng năm, các thành viên, điều tra viên của FDA tiến hành 15.000 cuộc viếng thăm tới các cơ sở sản xuất trong và ngoài nước để xem xét các sản phẩm có được làm theo tiêu chuẩn vệ sinh không, nhãn mác hàng hoá có phù hợp không, nhằm đảm bảo thực phẩm phải thật an toàn khi ăn, mỹ phẩm không được gây hại, dược phẩm và dụng cụ y tế đảm bảo an toàn và có hiệu quả. Thực phẩm, mỹ phẩm, thiết bị, dụng cụ y tế phải tuân theo các quy định của Luật về thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm (Federal Food, Drug and Cosmetic Act – FDCA) do FDA giám sát thi hành. Các dược phẩm chưa được FDA duyệt thì không được phép nhập. Trên lý thuyết thì tất cả các loại thực phẩm nội địa và ngoại nhập ở Mỹ đều phải đáp ứng đúng các tiêu chuẩn của FDA. Tuy nhiên, trên thực tế, thực phẩm nội địa và ngoại nhập sẽ trải qua hai thủ tục phê chuẩn khác nhau. Thực phẩm ngoại nhập phải trải qua thủ tục rất gắt gao của FDA. Các sản phẩm nhập khẩu thuộc quyền quản lý của FDA
sẽ phải qua giám định tại thời điểm hàng tới cửa khẩu. FDA sẽ kiểm tra hàng tại cửa khẩu để phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm, phát hiện hàm lượng thuỷ ngân trong hải sản và sản phẩm hư hỏng, phát hiện các khuẩn Ecoli, Samonella, Listeria, Mono-cytogene, pháy hiện mức độ nhiễm bẩn, phát hiện hàm lượng chì, cadimi thẩm lậu vào thực phẩm. Các chuyến hàng bị phát hiện không phù hợp với luật và các quy định sẽ bị từ chối nhập cảnh và bị buộc phải làm lại cho phù hợp, huỷ hoặc tái xuất khẩu. Với sự cho phép của FDA, người nhập khẩu có thể sửa lại lô hàng chưa phù hợp thành phù hợp nếu xét thấy có thể làm được. Bất kỳ sự tuyển lựa lại, tái chế hoặc dán nhãn lại nào phải có sự giám sát của FDA với chi phí do người nhập khẩu chịu.
* Quy trình kiểm soát chất lượng theo HACCP
Một rào cản đối với hàng thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ là quy trình kiểm tra chất lượng thực phẩm theo HACCP. Theo Bộ Luật thực phẩm của Mỹ, chương 123, doanh nghiệp muốn xuất khẩu thuỷ sản vào Mỹ phải được FDA chấp thuận chương trình HACCP theo quy định của Mỹ. HACCP được ban hành vào tháng 12 năm 1995 hiện đã được đưa vào Bộ luật thực phẩm do FDA giám sát thi hành và sẽ được mở rộng ra áp dụng cho nhiều mặt hàng thực phẩm khác, trước mắt là chế biến nước quả. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã thiết lập hệ thống HACCP cho các nhà máy chế biến thịt và gia cầm và đã áp dụng từ tháng 11 năm 1999.
* Cơ chế tự động giam hàng thực phẩm
Hàng thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ còn có nguy cơ bị Hải quan thu giữ theo cơ chế giam hàng tự động. Kể từ năm 1974, FDA áp dụng chính sách giam hàng một cách tự động các thực phẩm nhập ngoại mà không cần trải qua thủ tục khám xét hay kiểm định. Thay vì khám xét và kiểm định, mỗi khi hàng nhập quan, FDA sẽ dựa vào thông tin trong sổ đen để tự động giam hàng của một công ty hay hàng xuất phát từ một vùng hay một quốc gia nào đó đã bị lên sổ. Giam hàng tự động
(Automatic Detention) được định nghĩa là “một quyết định hành chính nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các loại hàng mà trong quá khứ đã có nhiều vi phạm, hoặc đã có bằng chứng cho thấy sẽ có vi phạm các điều khoản của đạo luật Thực phẩm và Dược phẩm và Mỹ phẩm của Liên bang mà không cần phải qua thủ tục thẩm định”. Quyết định giam hàng tự động của FDA dựa vào các thông tin là sản phẩm hay nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, một dịa phương hay một quốc gia có nhiều quá trình vi phạm trong quá khứ. Hơn nữa nếu thống kê cho thấy hàng xuất phát từ một khu vực có nhiều vấn nạn về môi sinh như hàng đến từ một nước bị ô nhiễm, dịch bệnh hoặc có thông tin cho thấy cách thức sản xuất của sản phẩm quá lạc hậu không đạt các tiêu chuẩn vệ sinh thì quyết định giam hàng tự động có thể được áp dụng. Hàng bị giam tự động có thể được giải phóng nếu:
Cá thể nào có quan hệ với hàng giam có thể yêu cầu FDA giải phóng cho hàng bị giam hay công ty có hàng bị giam ra khỏi danh sách bị giam hàng tự động nếu cung cấp đủ dữ kiện cho thấy sản phẩm đã được điều chỉnh để không còn vi phạm và các dữ kiện hiện tại cho thấy sự giam hàng tự động của FDA không còn phù hợp nữa.
Nếu sau 6 tháng mà nhà gửi hàng không còn nhập bất cứ một lần hàng nào bị vi phạm và có thể cung ứng các dữ liệu cho thấy họ sẽ không nhập các sản phẩm có vi phạm thì tên của nhà gửi hàng này sẽ được gỡ ra khỏi danh sách có sản phẩm bị giam.
Để gỡ một sản phẩm ra khỏi danh sách bị giam tự động, nhà sản xuất phải cung ứng các dữ liệu cho thấy trong 5 lần nhập gần đây nhất không có lần nào vi phạm.
Nếu một nhà gửi hàng, một công ty sản xuất hay một sản phẩm đã bị lên danh sách giam hàng tự động mà còn tái phạm thì muốn gỡ hàng có thể sẽ bị đòi hỏi phải có hơn 5 lần nhập hàng liên tục không vi phạm.
Một sản phẩm nào đó đến từ một quốc gia hay một vùng nào đó muốn gỡ hàng phải chứng tỏ cho thấy có hơn 12 lần nhập hàng không bị vi phạm. 12 lần nhập hàng này phải có tính đại diện cho các nhà sản xuất, hay xuất khẩu trong vùng hàng bị lên danh sách.
Quy định này rõ ràng là một rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp khi xuất hàng sang thị trường Mỹ. Với biện pháp này thì cơ quan FDA đã chuyển trách nhiệm chứng minh tiêu chuẩn của sản phẩm sang các các nhà sản xuất ngoại quốc.
* Quy định về hạn chế nhập khẩu vì lý do an ninh
Mỹ còn có các quy định liên quan đến việc hạn chế nhập khẩu vì lý do an ninh. Phần 232, Luật Khuếch trương thương mại 1962 và các phần sửa đổi bổ sung cho phép Tổng thống áp đặt hạn chế nhập khẩu loại hàng ảnh hưởng hoặc đe doạ làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Luật này cũng yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ tự mình hoặc theo yêu cầu của công ty, tổ chức điều tra việc nhập khẩu một mặt hàng có ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia không. Vì do an ninh, Mỹ đã thông qua Dự luật “Sẵn sàng chống khủng bố sinh học”, dự luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/12/2003. Theo đó, hàng nông sản, thực phẩm xuất sang thị trường Mỹ sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Theo Dự luật này, các cơ sở thực phẩm tại Mỹ phải đăng ký, kê khai tất cả các loại sản phẩm. Các cơ sở ở ngoài nước Mỹ phải uỷ quyền cho người đại diện ở Mỹ đăng ký thay với cơ quan FDA trước ngày 12/12/2003. Các cơ sở này đều phải xây dựng và bảo quản hồ sơ chi tiết về hàng hoá. Hồ sơ phải xác định thông tin của nguồn cung cấp cũng như các cơ sở tiếp nhận trực tiếp nhằm giúp cơ quan FDA có thể ngay lập tức truy được nguồn gốc mặt hàng cũng như mục đích đến của nó. Điều 307 của Dự luật yêu cầu thông báo tin tức trước khi xuất khẩu thực phẩm và phải cung cấp thông tin về hàng hoá, kê khai trên hoá đơn nhập khẩu trong vòng 5 ngày và không chậm hơn 8 tiếng trước khi hàng đến. Nếu không, hàng có thể bị giữ tại cảng. Mọi thay đổi về thông tin hàng hoá phải được báo trước. Bộ trưởng FDA sẽ xác định
nếu có bằng chứng cụ thể là những thực phẩm có thể dẫn đến đe doạ nghiêm trọng sức khoẻ của người hay súc vật. FDA có thể giữ sản phẩm tới 45 ngày nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan đến mỹ phẩm, thuốc và thực phẩm. Các công ty có thể bị cấm xuất khẩu vĩnh viễn nếu họ phạm luật có chủ ý và vi phạm nhiều lần. Dự luật này sẽ thực sự gây nhiều khó khăn và bất lợi cho các nhà xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ.
* Luật trách nhiệm sản phẩm
Mỹ cũng ban hành Luật về trách nhiệm sản phẩm rất nổi tiếng trên thế giới nhằm bảo vệ người tiêu dùng đối với những thương vong của con người do sử dụng sản phẩm mà các công ty phát minh, thiết kế, sản xuất hay đưa nó vào thị trường. Luật pháp Mỹ được thể hiện trước hết qua các quyết định của Toà án, quy trách nhiệm đối với người thiết kế, người sản xuất và người bán sản phẩm trong nhiều tình huống khác nhau như: vô ý hoặc cố ý lơ là trong thiết kế/sản xuất một sản phẩm, dẫn đến lỗi thiết kế/sản xuất của sản phẩm được sản xuất ra gây hại cho người tiêu dùng; hoặc không kịp cảnh báo những lỗi của sản phẩm, lỗi do không tuân thủ quy trình hoặc lỗi ngẫu nhiên trong việc sử dụng. Mỹ cũng thành lập Uỷ ban về an toàn người sử dụng để can thiệp tới sự không thành công trong việc cảnh báo cho người tiêu dùng những lỗi hay những mối nguy hiểm trong sử dụng sản phẩm. Uỷ ban này đã đưa ra các quy định mà theo đó các nhà sản xuất phải có những nỗ lực đặc biệt để cảnh báo cho khách hàng những rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng sản phẩm. Vì thế mà thực thi Luật trách nhiệm sản phẩm ở thị trường Mỹ cũng làm các nhà sản xuất, xuất khẩu tốn nhiều chi phí và công sức.
Tóm lại, Mỹ là một thị trường tiềm năng đối với mọi quốc gia bạn hàng của Mỹ. Tuy nhiên, thị trường này cũng có những rào cản nhất định mà các nhà xuất khẩu phải vượt qua đặc biệt là các rào cản kỹ thuật. Thực tế, các tiêu chuẩn trong rào cản kỹ thuật của Mỹ không cao nhưng lại phức tạp và thiếu rõ ràng nên gây nhiều khó khăn cho các nhà xuất khẩu. Mỹ là một đối tác thương mại lớn nhất thế giới
hiện nay nên có thể dựa vào lợi thế đó đưa ra nhiều quy định, điều kiện buộc các nước khác nước khác phải tuân theo nếu muốn xuất hàng sang Mỹ. Vì thế, các nhà sản xuất, xuất khẩu cần hết sức chú ý tới những quy định đó để có thể xuất khẩu sang Mỹ thuận lợi và tránh những tổn thất không đáng có.