Nâng cao chất lượng kỳ họp và đổi mới hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân cấp xã

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã ở huyện vĩnh thạnh, thành phố cần thơ (Trang 98 - 104)

- Về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

3.2.4.Nâng cao chất lượng kỳ họp và đổi mới hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân cấp xã

Hội đồng nhân dân cấp xã

Kỳ họp Hội đồng nhân dân là hình thức hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất của Hội đồng nhân dân. Để cho kỳ họp của Hội đồng nhân dân đảm bảo chất lượng việc chuẩn bị cho kỳ họp đóng vai trò quan trọng. Vì vậy trong quá trình thực hiện hoạt động này các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

Hội đồng nhân dân phải chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách hàng năm và các báo cáo của Ủy ban nhân dân để trình Hội đồng nhân dân.

Yêu cầu đối với các báo cáo phục vụ kỳ họp phải ngắn gọn, đầy đủ, xúc tích, giảm tính liệt kê để có thể giảm lượng thời gian trình bày báo cáo tại kỳ họp dành thời gian cho việc thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Các báo cáo, tờ trình cũng phải được hoàn thành sớm để gửi cho đại biểu Hội đồng nhân dân theo đúng thời gian quy định.

Đối với Thường trực Hội đồng nhân dân phải chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân trong việc chuẩn bị dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp. Đôn đốc, yêu cầu Ủy ban nhân dân và các tổ chức khác gửi tài liệu phục vụ kỳ họp đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, tổng hợp các ý kiến chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp cùng với các báo cáo, tài liệu khác làm cơ sở cho việc chuẩn bị các dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri để nắm được tâm tư nguyện vọng của cử tri, nắm được tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tình hình thi hành pháp luật của Nhà nước và thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, những bức xúc của cử tri ở địa phương để trình Hội đồng nhân dân xem xét, giải quyết tại kỳ họp. Việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân kể cả trước và sau kỳ họp hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy để đạt kết quả cao trong việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã cần phải đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động tiếp xúc cử tri.

Việc tiếp xúc cử tri có thể thực hiện thông qua nhiều hình thức. Đối với hình thức tiếp xúc cử tri theo kế hoạch lịch trình quy định, với sự chuẩn bị trước của nhiều đại biểu trong một hội nghị tiếp xúc cử tri thì cần phải được tổ chức một cách công khai, dân chủ, cởi mở, không nên hạn chế số lượng cử tri tham dự cuộc tiếp xúc mà cần phải thông báo một cách rộng rãi trên các

phương tiện thông tin đại chúng để cử tri có thể tham gia càng đông càng tốt. Đối với các đại biểu thì cần nắm được đầy đủ các thông tin liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của địa phương, có kỹ năng trả lời và giải quyết các thắc mắc, bức xúc của cử tri, chuẩn bị tốt các nội dung cần trình bày với cử tri theo kế hoạch, biết lắng nghe các ý kiến của cử tri và trả lời một cách thận trọng, rõ ràng, từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, có thể cùng với cử tri thảo luận các vấn đề nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất.

Ngoài hình thức tiếp xúc mang tính chính thức như trên, các đại biểu Hội đồng nhân dân cần phải chú ý đến các cuộc tiếp xúc mang tính “không chính thức”, tức là các cuộc tiếp xúc hàng ngày đối với nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân của xã, thị trấn hàng ngày sống trên địa bàn, tiếp xúc và quan hệ thường xuyên với cử tri ở địa phương, do đó cần phải biết lắng nghe, theo dõi cuộc sống hàng ngày của nhân dân, kịp thời giải thích cho nhân dân về những thắc mắc trong việc thi hành pháp luật và thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Qua đó người đại biểu thực hiện luôn nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước với hình thức tiếp xúc như vậy, vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ luôn được thể hiện trong cuộc sống của người dân. Xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Muốn làm được điều đó người đại biểu Hội đồng nhân dân cần phải luôn nhận thức được đầy đủ đúng đắn về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải thực sự tin dân, trọng dân, từng giờ, từng ngày luôn nghi nhớ mình là người đại biểu Hội đồng nhân dân, hoạt động vì lợi ích của nhân dân chứ không tách rời đứng trên nhân dân.

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, chủ toạ kỳ họp phải điều hành chương trình kỳ họp theo hướng rút ngắn thời gian trình bày các báo cáo, vì các báo

cáo và các tài liệu phục vụ kỳ họp đã được gửi cho đại biểu nghiên cứu trước kỳ họp 5 ngày theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian thảo luận dân chủ và dành thời gian thoả đáng cho việc chất vấn và trả lời chất vấn vì đây là nội dung quan trọng nhất của kỳ họp, thể hiện được tính dân chủ trong hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Để hoạt động chất vấn đạt kết quả tốt cần phải chú ý một số vấn đề sau: Người chất vấn phải nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, đúng nội dung, yêu cầu của vấn đề cần chất vấn, yêu cầu người trả lời chất vấn cần làm rõ vấn đề gì, giải quyết nó như thế nào, và trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai?. Để làm được điều đó yêu cầu các đại biểu cần phải am hiểu các lĩnh vực mà mình cần chất vấn, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri để nắm bắt tâm tư nguyện vọng và những thắc mắc, kiến nghị của cử tri, để tập hợp thành những câu hỏi chất vấn có chất lượng thể hiện được ý kiến khách quan của đông đảo cử tri và vấn đề đã cần chất vấn.

Người trả lời chất vấn phải trả lời đúng nội dung chất vấn, không trình bày vòng vo, không né tránh đùn đẩy trách nhiệm cho người khác hoặc cơ quan khác. Phải đưa ra được phương hướng giải quyết khắc phục cụ thể và hợp lý. Muốn vậy người trả lời chất vấn cần phải làm rõ được trách nhiệm của cá nhân và tổ chức mình trước những vấn đề được chất vấn, trước kỳ họp phải yêu cầu Thường trực Hội đồng nhân dân tập hợp và gửi các câu hỏi chất vấn của đại biểu cho mình trước khi kỳ họp diễn ra theo quy định, để có thời gian chuẩn bị trả lời.

Chủ tọa kỳ họp cần phải hướng dẫn cho người đặt câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn, nói và trả lời theo đúng nội dung và yêu cầu của cuộc chất vấn, tránh việc hỏi đi hỏi lại, trả lời vòng vo không đúng trọng tâm. Theo quy định của pháp luật hệ quả pháp lý của trả lời chất vấn là đại biểu có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận ý kiến trả lời của cơ quan hoặc người có thẩm

quyền. Trong trường hợp đại biểu không chấp thuận ý kiến trả lời thì Hội đồng nhân dân có thể đưa ra nghị quyết về việc trả lời đó. Trên thực tế việc này rất ít được thực hiện do nhiều nguyên nhân, trong đó việc chưa có chế tài cụ thể về trách nhiệm của việc chất vấn và trả lời chất vấn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động này. Hoặc có trường hợp câu hỏi chất vấn đó được trả lời thoả đáng, vấn đề cần chất vấn đã được giải quyết tại kỳ họp, nhưng sau kỳ họp việc thực hiện kết quả chất vấn lại không đúng với những điều mà cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền đã hứa trong kỳ họp nhưng vẫn không bị xử lý. Vì vậy, thiết nghĩ luật pháp cần phải bổ sung những chế tài cụ thể về trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong việc trả lời chất vấn và thực hiện nó trong thực tiễn.

Với một khối lượng công việc khá lớn phải giải quyết trong một kỳ họp Hội đồng nhân dân, thời gian cho mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân ít nhất phải diễn ra trong 2 ngày. Tránh tình trạng một số xã, thị trấn các kỳ họp Hội đồng nhân dân chỉ diễn ra trong nửa ngày, với thời gian như vậy kỳ họp Hội đồng nhân dân sẽ chỉ là một hình thức hợp pháp hoá các báo cáo, tờ trình của Ủy ban nhân dân. Do đó tính dân chủ về hiệu quả của kỳ họp Hội đồng nhân dân sẽ không được đảm bảo.

Kỳ họp Hội đồng nhân dân cần phải được tổ chức một cách công khai, dân chủ, các phiên chất vấn cần phát thanh trực tiếp để nhân dân có thể theo dõi và phản ánh kịp thời những bức xúc chưa được giải quyết.

Trước kỳ họp, Ủy ban nhân dân và các cơ quan liên quan được giao chuẩn bị các đề án trình kỳ họp Hội đồng nhân dân bám sát kế hoạch chuẩn bị kỳ họp, chuẩn bị các tài liệu bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin cần thiết để đại biểu có căn cứ thảo luận. Trong chuẩn bị kỳ họp, tạo điều kiện thuận lợi để Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân tự khảo sát, giám sát và tham gia quá trình chuẩn bị các nội dung trình kỳ

họp của các ban, ngành được giao chuẩn bị. Thường trực Hội đồng nhân dân sớm có văn bản chỉ đạo giao nhiệm vụ phát huy vai trò tích cực thảo luận, chất vấn của các đại biểu, các ban và các tổ đại biểu chuẩn bị đăng ký thảo luận tại hội trường và câu hỏi chất vấn. Đại biểu phải nghiên cứu các tài liệu liên quan và ý kiến cử tri, chuẩn bị kỹ nội dung tham gia, chú ý các nội dung trọng tâm tham gia ý kiến sát hợp nguyện vọng cử tri, chủ trương của Đảng. Yêu cầu mỗi đại biểu, mỗi ban, tổ đại biểu đều có câu hỏi chất vấn; mỗi tổ đều có đại biểu đăng ký thảo luận tại hội trường.

Tại kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân hướng dẫn thảo luận tổ tập trung dành nhiều thời gian để đại biểu chủ yếu thảo luận cho ý kiến về các dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân; các Tổ trưởng thảo luận tổ cần kịp thời nhắc nhở đại biểu thảo luận đúng yêu cầu tham gia cụ thể vào dự thảo nghị quyết; không thảo luận chung chung để có đóng góp cho sản phẩm cuối cùng của kỳ họp.

Các đại biểu Hội đồng nhân dân, các ban, tổ đại biểu phải xác định đúng đắn mục đích, yêu cầu chất vấn. Chủ tọa kỳ họp cần thể hiện sự tôn trọng và tạo điều kiện để đại biểu thực hiện quyền chất vấn của mình. Việc chất vấn và trả lời chất vấn cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu gửi câu hỏi chất vấn sớm và gửi Ủy ban nhân dân phân công trả lời đúng đối tượng, Thường trực Hội đồng nhân dân kiểm tra việc chuẩn bị trả lời chất vấn của đơn vị được giao trả lời. Thực hiện tái chất vấn trong trường hợp cần thiết đối với những vấn đề đã trả lời chất vấn nhưng chưa được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân.

Phát huy vai trò của chủ tọa kỳ họp: xác định mọi câu chất vấn gửi về Hội đồng nhân dân đều được Ủy ban nhân dân giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng trả lời bằng văn bản. Căn cứ nội dung chất vấn, khả năng giải quyết, quỹ thời gian dành cho chất vấn để lựa chọn câu chất vấn được đưa ra

thực hiện tại Hội trường sao cho đáp ứng yêu cầu rõ vấn đề, rõ trách nhiệm, có khả năng giải quyết; kịp thời nhắc nhở người trả lời đi đúng nội dung chất vấn, xác định rõ trách nhiệm của mình.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã ở huyện vĩnh thạnh, thành phố cần thơ (Trang 98 - 104)