đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Sau thắng lợi hào hùng của cuộc Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một nhà nước kiểu mới, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại về nhà nước pháp quyền nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước.
Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, tiếp đến là
trong các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013. Mỗi bản Hiến pháp là một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước ta.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, Nhà nước ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, nhất là sau khi thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh”, công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước ta đã có những tiến bộ to lớn. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã có bước đổi mới vừa bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan nhà nước. Bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc, tính nhân dân của Nhà nước được giữ vững và củng cố. Hệ thống quan điểm, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân từng bước được hoàn chỉnh.
Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 cùng nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh được ban hành, tạo khuôn khổ pháp lý để Nhà nước quản lý mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, trước hết là các cơ quan hành chính nhà nước đã được đổi mới và hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.
Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước được phân định rõ hơn và trong tổ chức thực hiện đã
có những bước tiến tích cực. Dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy trên nhiều lĩnh vực, tác động mạnh mẽ đến việc giải phóng sức sản xuất, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Dân chủ về chính trị có bước tiến quan trọng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Chính phủ và các Bộ tập trung hơn vào quản lý nhà nước, điều hành vĩ mô và giải quyết những vấn đề chiến lược liên quan đến quốc kế dân sinh. Cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp được thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật và được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt những kết quả bước đầu quan trọng.
Tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, tổ chức luật sư, các cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng cao, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hạn chế được tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Hiện nay, đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đặt ra rất cấp bách. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị... Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi
mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Do đó, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã nói riêng, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) nói chung để các cơ quan này thực sự là cơ quan đại diện của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước trong việc xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là tất yếu, phương hướng cơ bản để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.