- Về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân
2.2.2. Hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân
Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã gồm Chủ tịch và một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Pháp luật quy định: Thường trực Hội đồng nhân dân hoạt động thường xuyên, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tổ chức các hoạt động của Hội đồng nhân dân, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp. Thường trực Hội đồng nhân dân ban hành văn bản cá biệt để thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình.
Trong thời gian qua thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đại hội Đảng bộ huyện về việc nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp trong tình hình mới. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã ở huyện Vĩnh Thạnh đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã đã tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc chuẩn bị nội dung và các điều kiện cho kỳ họp, đã có kế hoạch tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân giữa hai kỳ họp như tổ chức một số cuộc giám sát, tiếp dân, sinh hoạt tổ đại biểu. Theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã đã phối hợp với Ủy ban nhân dân đưa ra Hội đồng nhân dân xem xét tư cách, bãi nhiệm 2 đại biểu lý do vi phạm tư cách đại biểu và có những sai lầm khuyết điểm không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Ngoài ra Thường trực Hội đồng nhân dân còn giữ được mối liên hệ thường xuyên với đại biểu Hội đồng nhân dân, đôn đốc và theo dõi được việc thực hiện chính sách đối với đại biểu Hội đồng nhân dân. Tạo điều kiện cho
các đoàn công tác của Hội đồng nhân dân cấp trên và đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương về công tác.
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã ở huyện Vĩnh Thạnh hiện nay cũng vẫn còn nhiều hạn chế sau:
- Trước hết đó là việc yếu kém trong khâu tổ chức và chỉ đạo các hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (như đã trình bày ở phần trên).
- Việc chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Hội đồng nhân dân, đôn đốc các cơ quan, tổ chức gửi tài liệu kỳ họp đúng thời hạn theo pháp luật chưa được thực hiện tốt. Việc đảm bảo thảo luận dân chủ, tạo điều kiện để các đại biểu đóng góp ý kiến, dành thời gian thoả đáng cho việc chất vấn và trả lời chất vấn, thậm chí việc điều hành phiên họp theo đúng trình tự thời gian cần thiết thì nhiều Thường trực Hội đồng nhân dân cũng chưa thể làm được.
- Trong việc đôn đốc, kiểm tra và giám sát Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan nhà nước khác ở địa phương trong việc thực hiện nghị quyết Hội đồng nhân dân thực sự còn nhiều khiếm khuyết. Nhiều xã, Thường trực Hội đồng nhân dân không thể thực hiện được nhiệm vụ này do trình độ về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước cũng như những hiểu biết về quyền giám sát của mình còn hạn chế.
- Việc tổ chức các cuộc họp thường xuyên của Thường trực Hội đồng nhân dân chưa được thực hiện tốt. Theo quy định Thường trực Hội đồng nhân dân mỗi tháng họp ít nhất một lần để kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ của mình, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các quy định của Thường trực Hội đồng nhân dân và đề ra nhiệm vụ công tác tháng sau. Trên thực tế, Thường trực Hội đồng nhân dân ở nhiều địa phương không thực hiện được hoạt động này, nếu có thực hiện cũng chỉ mang tính hình thức, không hiệu
quả, thường là họp ghép vào cuối các buổi họp của Ủy ban nhân dân hoặc Ban chấp hành Đảng uỷ.
Từ những hạn chế trên chúng ta có thể thấy rằng, hiện nay hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã vẫn chưa thực sự tương xứng với vai trò và vị trí của nó, chưa đáp ứng được mong muốn của quần chúng nhân dân về những người đúng đầu cơ quan đại diện của mình ở xã. Vì vậy đổi mới và tăng cường các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã ở huyện Vĩnh Thạnh vẫn đang là vấn đề cần phải được tiếp tục nghiên cứu và giải quyết.