ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ta hiện nay đang phát triển một cách mạnh mẽ và ngày càng hoàn thiện. Những thành tựu mà nó đem lại đã làm thay đổi bộ mặt của đất nước cũng như đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn một cách nhanh chóng. Cơ cấu kinh tế có những thay đổi tích cực. Ở nông thôn nếu như trước đây nền kinh tế nông nghiệp nông thôn đơn thuần chỉ sản xuất ra lương thực, thực phẩm thì hiện nay dưới tác động của cơ chế thị trường, nhiều ngành nghề mới ra đời, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại phát triển, nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục, các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh tế cá thể, hợp tác xã cũng từ đó được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Sự thay đổi về cơ cấu kinh tế cũng kéo theo sự thay đổi về quy mô, tính chất của nền kinh tế. Nếu như trước đây chủ yếu là sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún thì hiện nay nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, kỹ thuật, công nghệ để chuyển sang sản xuất hàng hoá lớn với dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại, hàng hoá sản xuất ra không những đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường ngoài nước. Điều đó đã góp phần không nhỏ vào quá trình
giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân, làm cho đời sống ở nông thôn được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, những thành tựu đã đạt được nền kinh tế thị trường cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết. Đó là sự phân hoá giàu nghèo càng ngày càng lớn, lối sống thực dụng, vị kỷ, coi trọng đồng tiền đang huỷ hoại dần truyền thống đoàn kết tương thân tương ái ở các vùng quê; nạn ô nhiễm môi trường ở nông thôn và các tệ nạn xã hội cũng có cơ hội phát triển, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự và sự phát triển bền vững ở nông thôn.
Như vậy sự phát triển của nền kinh tế đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới hệ thống chính trị và bộ máy quản lý nhà nước tương ứng đáp ứng được yêu cầu phát triển xã hội.
Nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay đã và đang tác động mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi địa bàn dân cư, ở nông thôn kinh tế thị trường đã làm thay đổi căn bản bộ mặt kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp có nhiều sự thay đổi, nhiều thị tứ, thị trấn được hình thành ngay tại địa bàn thôn, xã, làm cho sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ ngày càng đến gần với nhau, cơ chế thị trường, lối sống hiện đại cũng từ đó trộn lẫn vào những truyền thống lâu đời vốn có ở các miền quê yên tĩnh. Điều này đã đặt ra cho bộ máy chính quyền ở địa phương những thách thức lớn trong quá trình cải cách bộ máy, việc xây dựng một chính quyền có đủ khả năng quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương một cách có hiệu quả, đang đặt ra cho bộ máy chính quyền cơ sở nói chung và Hội đồng nhân dân cấp xã nói riêng một yêu cầu mới trong việc cải cách cả về tổ chức, hoạt động lẫn việc sử dụng con người trong bộ máy chính quyền và lựa chọn đại biểu để bầu vào các cơ quan dân cử.
Kết luận chương 1
Hội đồng nhân dân cấp xã là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, Hội đồng nhân dân các cấp nói riêng là một trong những yêu cầu quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã nhằm góp phần khắc phục những hạn chế của Hội đồng nhân dân hiện nay; đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.
Chương 2