Quan hệ với Liên minh châu Âu EU

Một phần của tài liệu SỰ PHÁT TRIỂN của CỘNG hòa CUBA từ năm 2006 đến năm 2016 (Trang 73 - 76)

- Với hai đối tác chiến lược Venezuela và Trung Quốc: Chính phủ Cuba

2.4.3.Quan hệ với Liên minh châu Âu EU

Quan hệ giữa EU và Cuba trở nên căng thẳng sau khi liên minh này áp đặt hàng loạt quy định giới hạn mối quan hệ thương mại và ngoại giao với Cuba năm 1996. Năm 2003, EU chính thức đình chỉ quan hệ với Cuba sau khi áp đặt lệnh trừng phạt Cuba liên quan tới một số động thái của Chính quyền La Habana mà Bruxen cáo buộc là vi phạm nhân quyền, cũng như do sức ép từ đồng minh Mỹ.

Sau nửa thập niên lạnh nhạt, quan hệ giữa EU và Cuba bắt đầu được hâm nóng kể từ năm 2008. Sau khi Tây Ban Nha là quốc gia tiên phong trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba vào năm 2005, EU đã quyết định đồng thuận thiết lập đối thoại chính trị và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với quốc đảo này. Ngày 10/02/2014, EU tuyên bố bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, sau hơn một thập niên không trao đổi đoàn ngoại giao chính thức.

Cuba đã hoan nghênh chủ trương của EU, coi đây là động thái mang tính xây dựng, song khẳng định đối thoại song phương phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của Cuba.

Tháng 4/2014, EU và Cuba bắt đầu quá trình đàm phán về Thỏa thuận Đối thoại Chính trị và Hợp tác, được coi là văn bản công nhận quan hệ chính trị song phương, đồng thời có thể mở ra cơ hội tăng cường trao đổi thương mại giữa hai bên. Các vòng đàm phán lần lượt được diễn ra tại thủ đô La Habana (Cuba), gồm vòng đàm phán thứ nhất (tháng 4/2014), vòng đàm phán thứ ba (tháng 3/2015); tại Bruxen có vòng đàm phán thứ hai (tháng 8/2014), vòng đàm phán thứ tư (tháng 6/2015), vòng đàm phán thứ sáu (tháng 02/2016). Trong đó, vòng đàm phán thứ năm được tổ chức tại La Habana (tháng 9/2015) được cho là vòng đàm phán khó khăn nhất trong quá trình đàm phán song phương khi hai bên bắt đầu thảo luận về thỏa thuận chính trị mới nhằm thay thế cho chính sách đơn phương “Lập trường chung” mà EU áp đặt đối với La Habana trong suốt 19 năm qua.

tại các vòng đàm phán, hai bên trao đổi một cách thẳng thắn các khía cạnh trong quan hệ song phương, kể cả những vấn đề nhạy cảm như hệ thống kinh tế - chính trị hay nhân quyền. Cuba luôn tỏ ra sẵn sàng đối thoại cởi mở về mọi vấn đề trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và tự do lựa chọn của mỗi bên.

Sau hai năm nỗ lực đàm phán, EU và Cuba đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử, chính thức bình thường hóa quan hệ song phương. Thỏa thuận Đối thoại Chính trị và Hợp tác hai bên được ký kết ngày 11/3/2016, một tuần sau khi vòng đàm phán thứ bảy diễn ra ngày 03/3 nhân chuyến thăm Cuba của Đại diện cấp cao EU về Chính sách an ninh và đối ngoại P. Mogherini. Thỏa thuận đã chấm dứt chính sách tiêu cực mà EU áp dụng với La Habana nhiều năm qua. Đây không chỉ là bước tiến phù hợp với xu thế quốc tế chung là hòa bình, hợp tác và phát triển, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của cả hai bên trong việc tìm kiếm mô hình hợp tác mới, bình đẳng và hiệu quả, mà còn là kết quả

nổi bật và là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với chính sách phát triển và nỗ lực hội nhập của quốc đảo vùng Caribe.

Đại diện cấp cao của EU về Chính sách an ninh và đối ngoại, bà P. Mogherini tuyên bố, thỏa thuận mới mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa La Habana và Bruxen, thời kỳ của đối thoại và hợp tác, đồng thời nhấn mạnh quan hệ lịch sử mật thiết và sâu rộng gắn liền Cuba và châu Âu. Thỏa thuận càng có ý nghĩa khi được ký kết trước khi diễn ra chuyến thăm lịch sử đến Cuba của Tổng thống Mỹ B. Obama - chuyến thăm chính thức đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Cuba trong suốt 88 năm qua. Điều này thể hiện sự quan tâm cao của EU đối với Cuba, và cho thấy, EU không muốn chậm chân trước sự gia tăng ảnh hưởng ngày càng lớn của các nước khác.

Có thể thấy, việc thúc đẩy quan hệ song phương EU - Cuba là điều mà cả hai bên trông đợi, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Đối với Cuba, việc xây dựng mối quan hệ chính trị tốt đẹp với EU đem đến cho quốc gia Nam Mỹ cơ hội tranh thủ sự hỗ trợ từ một đối tác lớn và giàu tiềm lực cho quá trình cải cách và phát triển kinh tế. Trước khi ký thỏa thuận lịch sử này, Cuba là nước duy nhất tại Mỹ latinh chưa ký thỏa thuận hợp tác song phương với EU, dù đã ký hiệp định song phương với 15 quốc gia thành viên của khối. Kể từ năm 2008 đến nay, EU đã viện trợ phát triển cho Cuba 110 triệu USD. Chưa kể, mới đây, trong chuyến thăm tới Cuba của Ủy viên EU về Phát triển quốc tế N. Mimica, EU đã ký khoản viện trợ 10 triệu Euro cho Cuba trong tổng số 50 triệu Euro trong các quỹ hợp tác phát triển cho quốc gia này. Khoản hỗ trợ mới này sẽ giúp xây dựng các năng lực quản trị hành chính công và sản xuất lương thực bền vững của Cuba.

Ngoài ra, dù hợp tác gián đoạn, cả EU và Cuba vẫn nhìn nhận tích cực về các cơ hội kinh tế của nhau. Hiện, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường du lịch lớn thứ ba của Cuba. Số liệu chính thức của EU cho thấy, trao đổi thương mại giữa khối này với Cuba vẫn đạt tổng

giá trị hơn 2 tỷ Euro, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Cuba vào EU đạt 462 triệu Euro.

Thỏa thuận Đối thoại Chính trị và Hợp tác EU - Cuba đạt được sau hai năm, với bảy vòng đàm phán cam go và nội dung bao trùm hầu hết các lĩnh vực hợp tác song phương, gồm cả những vấn đề gai góc, như dân chủ, nhân quyền và nhất là “lập trường chung của EU về Cuba” - một chính sách tiêu cực từng khiến tiến trình cải thiện quan hệ giữa hai bên nhiều lần “đóng băng”. Tuy còn những điểm khác biệt trong đối thoại chính trị, hai bên đã nhất trí về các nguyên tắc nền tảng cho một mối quan hệ song phương mới, đó là: mối quan hệ dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, tôn trọng hiến pháp và các quy định pháp luật của nhau, đồng thời phản đối mọi chính sách mang tính thù địch, gồm cả các lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ chống Cuba hiện hành.

Tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa EU - Cuba cần thêm thời gian. Tuy nhiên, văn kiện quan trọng hai bên vừa ký là bước khởi đầu mới, tạo khung pháp lý mới để hai bên phát triển quan hệ song phương trong tương lai. Việc La Habana tuyên bố sẵn sàng thảo luận về mọi vấn đề, kể cả những điểm còn khác biệt, sẽ là nền tảng để hai bên xây dựng mối quan hệ mới, trên cơ sở đối thoại và hợp tác bình đẳng và hiệu quả[52].

Một phần của tài liệu SỰ PHÁT TRIỂN của CỘNG hòa CUBA từ năm 2006 đến năm 2016 (Trang 73 - 76)