- Với hai đối tác chiến lược Venezuela và Trung Quốc: Chính phủ Cuba
2.4.4. Quan hệ với Việt Nam
Ban lãnh đạo mới của Cuba hết sức quan tâm đến quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Mặc dù hết sức bận rộn với các công việc trong nước, Raul Castro có chuyến thăm quan trọng đến Việt Nam từ ngày7 đến 10/7/2012. Trong thời gian chuyến thăm, Chủ tịch Raul đã hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Các cuộc hội đàm, hội kiến đã diễn ra trên tinh thần tin cậy anh em.
Hai bên đã trao đổi sâu rộng về quan hệ mọi mặt giữa hai Đảng, hai nước và những biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam
và Cuba ngày càng phát triển đi vào chiều sâu; thúc đẩy các giải pháp hợp tác kinh tế, thương mại phù hợp với điều kiện mới và lợi ích của mỗi nước. Hai bên nhất trí tăng cường các cuộc trao đổi tiếp xúc ở các cấp; đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và lý luận, đặc biệt là về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ; mở rộng, nâng cao tính hiệu quả và bền vững trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế mà hai nước đều là thành viên. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất là về cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ latinh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Raul Castro Ruz và các thành viên trong đoàn đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ [9].
Trong giai đoạn 2006 đến 2016, tiếp tục quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam, Cuba và Việt Nam liên tiếp trao đổi nhiều đoàn đại biểu cấp cao. Đó là các chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (6/2007), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (4/2012), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (9/2015) và gần đây nhất là Chủ tịch nước Trần Đại Quang (11/2016). Trong các cuộc hội đàm, trong bầu không khí tràn đầy tình đồng chí anh em, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp và tự hào về truyền thống quan hệ đoàn kết anh em giữa hai nước; tái khẳng định quyết tâm tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, thủy chung, tin cậy và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba. Hai bên thống nhất các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là trên các lĩnh vực mỗi nước có tiềm năng và thế mạnh có thể bổ trợ cho nhau, như quốc phòng, thương mại, nông nghiệp, khoa học, công nghệ, truyền thông, phát thanh, truyền hình, năng lượng, viễn thông, y dược, công nghệ sinh học, xây dựng, du lịch, văn hóa, thể thao, giáo dục, đào tạo…
Phía Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng, chính sách “cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội” sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới của công cuộc xây dựng CNXH phồn vinh, bền vững ở Cuba. Phía Việt Nam tái khẳng định ủng hộ Cuba đấu tranh đòi chấm dứt ngay và vô điều kiện lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính phi lý chống Cuba; ủng hộ quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ… Hai bên luôn hài lòng về sự tương đồng hoàn toàn của hai nước về lập trường đối với nhiều vấn đề quốc tế; nhất trí rằng các cuộc tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên bày tỏ sự ủng hộ lẫn nhau đối với đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ của mỗi nước; Nhất trí tăng cường sự phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương mà hai nước là thành viên. [7]
Cuba cũng mời các chuyên gia (nhất là lĩnh vực kinh tế) Việt Nam sang Cuba để trao đổi kinh nghiệm. Từ 26-28/10/2015, tại thủ đô La Habana, Nhóm chuyên gia kinh tế Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học-Xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng, dẫn đầu đã tham dự Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về Đổi mới của Việt Nam. Các chuyên gia Việt Nam đã trình bày và giới thiệu chân thực bức tranh tổng quát 30 năm đổi mới của Việt Nam, chia sẻ những kinh nghiệm thành công, cũng như những thách thức, khó khăn trong quá trình Đổi mới và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tập trung vào sáu chủ đề gồm tổng quan quá trình Đổi mới của Việt Nam; đổi mới và phát triển nông nghiệp, nông thôn; đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài; cải cách tài chính công và đổi mới chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Phía Cuba đánh giá cao thuyết trình của các chuyên gia kinh tế Việt Nam, nhất là những cải cách thành công trong nông nghiệp, công nghiệp, hội nhập quốc tế, mở cửa thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp, cải cách doanh nghiệp nhà nước, xây dựng thị trường định hướng XHCN...
Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo cũng rất quan tâm tới kinh nghiệm của Việt Nam về cải cách tài chính - tiền tệ, chính sách vĩ mô, xử lý các vấn đề phức tạp về ngân sách nhà nước, tiền tệ, tỷ giá... Phía Cuba đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng và các nội dung mà Nhóm chuyên gia đã trình bày; cho rằng các kinh nghiệm Đổi mới của Việt Nam rất hữu ích và có nhiều giá trị tham khảo để Cuba tiếp tục triển khai cập nhật hóa mô hình kinh tế phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình. Phía Cuba cũng làm việc với Nhóm chuyên gia từ Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm về chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính - tiền tệ. [110]
Tiểu kết chương 2:
Tìm hiểu về quá trình phát triển của Cộng hòa Cuba từ năm 2006 đến năm 2016, có thể nhận thấy: Sau khi Raul thay Fidel nắm quyền lãnh đạo Đảng, Nhà nước mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Chính phủ Cuba đã có rất nhiều nỗ lực để khôi phục kinh tế trong bối cảnh bị Mỹ tiếp tục bao vây (tuy về sau, mức độ có giảm) và đưa giữ vững an sinh - xã hội, đặc biệt đã dần định mình mô hình phát triển của mình. Nền chính trị ổn định, nền kinh tế dần ra khỏi khủng hoảng, đối ngoại độc lập, từng bước khẳng định mình trong khu vực và trên thế giới.
Điều đó chứng tỏ, nước Cộng hòa Cuba dưới thời Raul, vừa kế thừa những thành tựu của giai đoạn trước, đồng thời tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu mới tuy còn khiêm tốn. Trọng tâm của chiến lược kinh tế mà Chính phủ Raul đặt ra là tiến hành đa dạng hóa kinh tế. Có thể khẳng định đây là một chiến lược đúng đắn để quốc đảo giảm thiểu sự phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ bên ngoài và duy trì sự phát triển bền vững cho nền kinh tế. Tuy nhiên quá trình đa dạng hóa nền kinh tế của Cuba vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trong báo cáo phát triển con người qua nhiều năm của Liên Hợp Quốc, Cuba được xếp hạng thứ 58 trên 180 nước được khảo sát. Đó là một ghi nhận cho những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ Cuba trong việc nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân trong thời gian qua. Trong các chính sách đó đáng lưu ý nhất là những phúc lợi xã hội. Những thành tựu về y tế
và giáo dục đạt mức tương đương với các nước phát triển trên thế giới, với tuổi thọ bình quân của người dân là 79 tuổi (hạng 32 thế giới năm 2015) và gần như không có người mù chữ.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được thì đất nước Cuba vẫn còn một số hạn chế đó là sự phát triển không bền vững của nền kinh tế, sự phụ thuộc còn lớn vào nguồn nhập khẩu…cũng như những bất cập trong chính trị và đời sống xã hội. Tuy nhiên dù còn nhiều hạn chế nhưng những thành công mà quốc đảo này đã làm được trong 10 năm qua đáng được ca ngợi. Nó tạo tiền đề cho Cuba tiếp tục phát triển trong những thập kỉ tới.