Các quy định về hỗ trợ khi NN thu hồi đất được xây dựng trên những
cơ sở lý luận và thực tiễn sau đây:
Thứ nhất, chính sách bồi thường, hỗ trợ khi NN thu hồi đất được đặt ra
dựa trên quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất của người dân được NN bảo hộ. Quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân luôn được pháp luật ghi nhận cụ thể trong các văn bản pháp luật do nhà nước ban hành. Ngay từ Hiến
pháp năm 1946 đã có quy định “Quyền sở hữu về tài sản của công dân được Nhà nước Việt Nam đảm bảo” (Điều 12, Hiến pháp năm 1946). Sau đó, quyền này được Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cái để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác…Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân” (Điều 58). Để kiện toàn hơn, Điều 32, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Bên cạnh đó, Hiến pháp còn đưa ra trường hợp đặc biệt phải
tiến hành buộc Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
19
Như vậy có thể thấy, quyền sở hữu về tài sản hợp pháp của mọi cá nhân và tổ chức đã được Hiến pháp ghi nhận và bảo hộ. Khi NN thu hổi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế thì toàn bộ tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thu hồi do người SDĐ tạo ra được xác định là tài sản hợp pháp của cá nhân và phải được bồi thường theo giá thị trường. Việc bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất là hậu quả pháp lý của việc NN thu hồi đất, vì vậy Nhà nước phải có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo và chi trả các khoản tiền bồi thường thiệt hại để người bị thu hồi đất ổn định cuộc sống, bù đắp các thiệt hại vật chất công bằng và đúng pháp luật. Đối với trường hợp người sử dụng đất bị thu hồi đất ở phải di chuyển chỗ ở, Nhà nước thực hiện chính sách tái định cư cho các đối tượng này;
Thứ hai, việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất
được dựa trên bản chất của Nhà nước ta. Xuất phát từ chức năng xã hội của mình, Nhà nước ta theo đuổi sứ mạng cao cả và mang đầy tính nhân văn là phục vụ và chăm lo cho nhân dân, phải đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân, phồn vinh của xã hội. Hơn nữa, Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, luôn luôn đảm bảo và phát huy quyền lợi chính đáng của nhân dân. Chính vì vậy, song song với việc Nhà nước thu hồi đất để phục vụ lợi ích chung thì vẫn phải quan tâm đảm bảo các quyền và lợi ích của người dân bị thu hồi đất để hạn chế những trường hợp khiếu kiện gây mất ổn định chính trị, xã hội. Việc thu hồi đất không chỉ gây ra các thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, xáo trộn các hoạt động hàng ngày của người bị thu hồi đất. Vì vậy, Nhà nước cần phải có các chính sách bồi thường, hỗ trợ nhằm bù đắp lại các thiệt hại về vật chất và tạo điều kiện để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Thứ ba, về phương diện lý luận, thiệt hại về lợi ích của người SDĐ là
hậu quả phát sinh trực tiếp từ hành vi thu hồi đất của NN gây ra. Đặt trong điều kiện Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, mọi chủ thể trong xã hội bao gồm Nhà nước, công dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội…đều được bình đẳng với nhau trước pháp luật. Đồng thời, hiện nay Nhà nước ta đang từng bước xây dựng một xã hội văn minh và hiện đại, nơi mà ở đó quyền lợi hợp
20
pháp của mọi thành viên trong xã hội phải được luật pháp tôn trọng và bảo vệ. Do đó, khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất ở phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người SDĐ thì Nhà nước không những có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà còn phải thực hiện việc hỗ trợ, tái định cư để ổn định cuộc sống cho họ;
Thứ tư, nước ta đã và đang xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần vận
hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, đặt trong điều kiện chịu rất nhiều thách thức do quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế đem lại. Chính vì vậy để vượt qua thách thức của xu thế toàn cầu hóa về nền kinh tế, sự cạnh tranh của những nước trong và ngoài khu vực, tranh thủ thời cơ, chúng ta phải biết phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết dân tộc và khơi dậy lòng yêu nước, tính năng động, sáng tạo của mỗi người dân đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi Nhà nước biết tôn trọng và bảo hộ những quyền lợi chính đáng của người dân, có như vậy mới tạo được niềm tin trong nhân dân. Việc quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi NN thu hồi đất cũng là một trong những nhân tố để thực hiện việc bảo hộ những quyền lợi chính đáng của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp;
Thứ năm, vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi
đất được xây dựng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước giao đất cho tổ chức, cá nhân sử dụng ổn định và lâu dài.
Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhìn lại những thành tựu đã đạt được có thể nhận thấy rằng đó là kết quả của quá trình đổi mới tư duy mà hạt nhân cơ bản là đổi mới tư duy về sở hữu đất đai. Xuất phát điểm là một nước thuần nông với lao động chân tay là chủ yếu, đời sống sản xuất gặp nhiều khó khăn, xây dựng đất nước từ hậu quả của chiến tranh nên gặp rất nhiều thử thách trong việc phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, để giải phóng mọi năng lực sản xuất của người lao động, tạo ra một động lực mới cho
21
sản xuất, phát triển kinh tế, Đảng ta đã rất sáng suốt khi lựa chọn và thực hiện việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp làm khâu đột phá cho toàn bộ quá trình cải cách kinh tế với việc từng bước xác lập địa vị làm chủ của hộ gia đình, cá nhân đối với đất đai thông qua việc giao đất cho họ sử dụng ổn định, lâu dài và mở rộng các quyền năng cho người SDĐ. Như vậy, qua từng bước xác lập, hiện nay, quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân do Nhà nước đại diện, và quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của người sử dụng đất. Chính nhờ việc tìm ra cách thức giao quyền sử dụng đất cho người lao động trên cơ sở vẫn giữ nguyên chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nhằm duy trì sự ổn định về chính trị - xã hội tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế mà Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện thành công công cuộc cải cách kinh tế mà không gặp thất bại.